Hương khói Truông Bồn

Tượng đài chiến thắng Truông Bồn Ảnh: xuân ba
Tượng đài chiến thắng Truông Bồn Ảnh: xuân ba
TP - Truông dài, bãi rậm, đồng khuya. Xửa xưa dặm dài miền Trung heo hắt, đoạn quanh co khúc khuỷu qua những triền núi khoảng rừng gọi là truông.

> Thắp hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào

Có một địa danh Truông Bồn ở Đô Lương, Nghệ An đã hằn vào lịch sử bi tráng của đất nước, nơi 12 trai gái TNXP và 1 bộ đội đột ngột tắt lặng tuổi thanh xuân trong một trận bom của kẻ thù hòng chặt đứt một cung chặng vận tải chiến lược.

Hương khói Truông Bồn ảnh 1
Tượng đài chiến thắng Truông Bồn.  Ảnh: Xuân Ba.

ai nhớ Truông Bồn...

...Tôi đang ngồi với một nhân chứng, một người trong cuộc - nhà báo Thanh Phong, phóng viên báo Nhân Dân thường trú ở Nghệ An những năm Khu Tư bời bời bom Mỹ.

Trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch ở Khu Bốn, ngoài Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn là thứ cửa tử. Cửa chết cõi chết nhưng không thể tránh vì là điểm trọng yếu của huyết mạch giao thông.

Đó là nơi mà nhiều phóng viên chiến trường trong đó có Thanh Phong thường phải lui tới đi về để viết tin bài.

Trước cái đêm định mệnh 31- 10 - 1968 (ngày hôm sau là tuyên bố của Tổng thống Mỹ về ném bom hạn chế miền Bắc có hiệu lực), nhà báo Thanh Phong đã nằm ở Truông Bồn cả tuần.

Căn hầm kèo chữ A mà Đại đội TNXP 317 dành cho khách cách trọng điểm Truông Bồn gần cây số. Căn hầm này đối với Thanh Phong đã thành chỗ ở quen thuộc.

Bây giờ thì cây cối đã bít bùng xanh chứ thời ấy Truông Bồn trơ trụi trọc lốc đỏ quạch một màu chết chóc do bom đạn Mỹ vạc ra.

Căn hầm chữ A mong manh nép lẫn trong thứ hỗn mang bời bời ấy như những căn hầm khác nơi trú quân của Đại đội 317 Tổng Đội TNXP Nghệ An.

Mong manh như tính mạng của những cô gái chàng trai TNXP như con đường qua trọng điểm mà họ phải giữ bằng máu!

Trằn trọc trong căn hầm tối thui ngột ngạt, Thanh Phong thấy có chi là lạ. Lạ là khác với quy luật đánh phá. Tầm này tiếng rú rít máy bay cộng với bom bặt vắng.

Trận bom hồi chiều đã làm một khúc đường bị tắc. Thanh Phong biết tin mật: Qua trọng điểm đêm nay, đầu phía Bắc là một nhóm sĩ quan cao cấp vào khảo sát chiến trường. Phía Nam là một đoàn xe hơn 20 chiếc chở thương binh. Vậy đường phải thông bằng mọi giá. Quân của 317 đêm nay chắc phải cật lực lắm.

Không gian vẫn lặng tờ. Hay là cái tin không quân Mỹ tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc mà Tổng thống Mỹ đã rao truyền có hiệu lực bắt đầu từ đêm nay?

Mãi gần sáng, đang lơ mơ ngủ, Thanh Phong thấy mình như bị nhấc bổng lên. Bom rồi. Gần lắm, như sát sạt bên hầm. Không gian như vỡ vụn trong những tiếng nổ dậy đất. Trận oanh tạc chỉ vài phút.

Trời đã sáng. Chui ra khỏi hầm, Thanh Phong gặp ngay cậu liên lạc của Đại đội 317 và choáng người khi nghe báo tiểu đội 2 của 317 đang làm nhiệm vụ thông đường đã bị bom vùi.

Thanh Phong bám theo đội y tá và anh em 317 tham gia cứu chữa. Vị trí cung đường hiện trường quen thuộc đã biến dạng. Dưới khoảng đất bầm đỏ do bom đào tấp dầy lên kia là đội hình của tiểu đội 2 TNXP.

Trận bom ác hiểm là nó đột ngột quá. Như không có tiếng máy bay! Tịnh chẳng có vòng lượn nào cả. Mà đùng cái bom tạ bom tấn úp chụp luôn lên nên không ai kịp tản để núp tránh.

Liên tiếp những lát xẻng nhát cuốc hối hả nhưng thận trọng. Đã lộ ra người đầu tiên. Y tá đơn vị lăm lăm cái bơm tiêm. Thanh Phong biết mũi tiêm ấy là để hồi sức cấp cứu cho những ai còn hy vọng cứu chữa.

Nhưng đau đớn quá, cơ may ấy hầu như không có bởi trong tiếng thở hào hển của di cứu dần lộ ra những thân hình không nguyên vẹn…

Vài tiếng reo hiếm hoi bật ra khi tìm thấy o Thông đang thoi thóp. Phải, cả tiểu đội TNXP ấy chỉ còn duy nhất Trần Thị Thông, tiểu đội trưởng tiểu đội 2 thoát chết và sống đến bây giờ!

Hai mươi năm sau, những đêm chăm con ốm ở Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, phóng viên báo Nhân Dân Thanh Phong, chừng như muốn thoát khỏi không khí u ám của nhà thương Phủ Doãn cùng tiếng kêu rên của bệnh nhân và cũng là tìm chút chi đó để cân bằng lại mình, đã chọn cái cách nhớ lại cái đêm về sáng đau đớn ở Truông Bồn.

Rồi tâm trí ông ngược về cái ngày 24 - 7 - 1968, khác với các cô gái Truông Bồn hứng chịu cái chết bất ngờ trong bóng đêm bởi trận bom hiểm ác, 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc đối diện trận bom thứ 15 giữa ban ngày ban mặt rồi mới cùng nằm xuống.

Sau trận bom ấy, phóng viên báo Nhân Dân Thanh Phong cũng đã có mặt tại tọa độ lửa Đồng Lộc cùng đội tìm kiếm. Nhưng ám ảnh ông nhiều nhất vẫn là Truông Bồn.

Dù đã mấy ngày bươn chải đào bới, ngoài 7 thi thể tạm gọi là nhận được dạng, người ta chỉ gom lại được một chút phần thân thể của những người còn lại gửi vào một huyệt chôn chung.

Chao ôi những người em thân thương tươi trẻ quê ở Yên Thành ở Đô Lương, những o Doãn, o Đang, o Nhung, những Tâm, Dung, Văn... suốt 3 năm chài chãi bám trọng điểm Truông Bồn.

Các o ở tiểu đội 2 và nhiều tiểu đội khác của 317 từng quen mặt với anh... Mới cách đó ít ngày, giữa trưa, ba cô phát hiện nhà báo Thanh Phong đương vất vả dong xe đạp qua những hố bom để về căn hầm kèo chữ A, các cô đã chạy xuống vác hộ xe.

Sau trận bom, Thanh Phong mới biết thêm chuyện o Tâm và anh Hòa ở tiểu đội 6 thầm yêu nhau đã lâu. Dự định sau đêm đó, họ sẽ trở về quê tổ chức đám cưới. Nhưng trận bom ập xuống.

Và đến bây giờ họ vẫn mãi mãi bên nhau trong ngôi mộ chung ở Truông Bồn! Có một chi tiết cứ ám vào ông là khi tìm thấy thi thể của mấy chị em, đồng đội tìm được trong người cô có tấm giấy báo nhập học trường trung cấp ngoài Hà Nội.

Thì ra nhiều o trong tiểu đội đã có giấy báo học nhưng vì nhiệm vụ khẩn nên họ nán lại một đêm ở Truông Bồn. Chỉ một đêm mà nhiều số phận đã ngoặt sang hướng khác.

Khi bệnh tình còn có cơ thuyên giảm, những ký ức cũ cứ ào ạt dội về. Trắng một đêm ở nhà thương Phủ Doãn, Nguyễn Thanh Phong đã kê giấy lên bệ xi măng hành lang nhà thương miệt mài viết.

Bài Nhớ 12 cô gái Truông Bồn ấy đăng kín chân trang 3 báo Nhân Dân. Rồi sau đó là những bài báo về Ngã Ba Đồng Lộc.

Trong đó ông nói rõ và kỹ địa danh, tên người, cả những mất mát mà những năm ác liệt ấy chỉ dám đưa tin vắn tắt nhỏ giọt. Ngã ba Đồng Lộc gọi là tọa độ X. Truông Bồn có mật danh tọa độ Y.

Tập thể Mười cô gái Đồng Lộc, từ tháng 6 năm 1972 đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng.

Không nhớ được những lần, những cá nhân tập thể, trong đó có ông nhà báo Thanh Phong đôn đáo gõ những cánh cửa, đến những nơi cần đến để đề nghị việc tôn vinh các cô gái Truông Bồn.

Có lẽ Truông Bồn đã bị lãng quên? Bao nhiêu những khắc khoải chờ mong... Cả những băn khoăn thắc mắc và giận dỗi. May muộn còn hơn không.

Mãi đến tháng 9- 2008, 36 năm sau so với tập thể 10 cô gái Đồng Lộc, tập thể 13 Liệt sĩ TNXP Truông Bồn mới được vinh danh anh hùng LLVT.

Thanh Phong thở dài, nếu như ông có quyền thì cá nhân tất cả 10 cô gái Đồng Lộc cùng 13 LS TNXP Truông Bồn đều xứng đáng danh hiệu anh hùng LLVT!

Chỉnh trang hương khói Truông Bồn

Truông Bồn được công nhận là khu Di tích lịch sử từ năm 1996 nhưng việc xây cất bày biện còn quá sơ sài. Sau thời điểm đón nhận di tích nhiều năm, có lẽ động lòng trắc ẩn với những người chị thế hệ đi trước mình từng hy sinh lẫm liệt nhưng hơi bị thua kém với cơ ngơi hương khói của các chị ở Đồng Lộc, những người thợ của Tổng Cty xây dựng công trình giao thông 4 đóng trên đất Nghệ An đã lặng lẽ bỏ gần 6 tỷ đồng, góp với 4 tỷ của nhà nước để hương khói cho Truông Bồn.

Tuy hãy còn tùng tiệm đơn sơ nhưng Khu Di tích Truông Bồn đã có ngôi mộ tập thể, nhà che mộ, phù điêu, tượng đài... mà chiêm bái!

Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt một Dự án khá hoành tráng Bảo tồn tôn tạo khu di tích LS Truông Bồn với tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng. Quyết tâm là thế nhưng nan giải vẫn là kinh phí thực hiện.

Hương khói Truông Bồn ảnh 2
Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bí thư thứ nhất Nguyễn Đắc Vinh nghe báo cáo về dự án Khu di tích lịch sử Truông Bồn bên ngôi mộ tập thể TNXP Truông Bồn.

Không phải ngẫu nhiên mà sáng ngày 16-6 vừa qua, tượng đài và Khu mộ các cô gái TNXP Truông Bồn thêm vầng khói hương của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh và của UBND tỉnh Nghệ An mà Phó Chủ tịch Thái Văn Hằng là đại diện!

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh hỏi chuyện Mẹ Vinh, người hiến đất để xây và giờ trông nom hương khói phần mộ LS Truông Bồn
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh hỏi chuyện Mẹ Vinh, người hiến đất để xây và giờ trông nom hương khói phần mộ LS Truông Bồn.

Trong tay hai ông Thăng và Vinh là công văn của ông Giám đốc Sở VHTTDL Nghệ An (chủ đầu tư) có đoạn cuối: Kính đề nghị Bộ GTVT, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đơn vị khác hỗ trợ nguồn vốn để tiếp tục xây dựng hoàn thành Dự án.

Vừa tự hào vừa lo! Nghệ An xứ sở địa linh nhân kiệt hiện có trên 1.000 di tích lịch sử văn hóa, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt nhiều dự án lớn: Bảo tồn tôn tạo khu di tích Kim Liên (tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng), bảo tồn phát huy khu di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh (328 tỷ), khu di tích Cố TBT Lê Hồng Phong (250 tỷ), đền thờ các cụ thân sinh và anh em ruột của Bác Hồ (trên 200 tỷ).

Cộng sơ sơ riêng 4 dự án lớn ấy đã trên ngàn tỷ! Tôi chưa rõ tiền đầu tư đã có chưa hay đang chờ xin nhà nước như Truông Bồn?

Không phải là Truông Bồn bị lãng quên. Chợt nhớ, từ tháng Giêng năm 2010, với kinh phí cho Dự án Truông Bồn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có chỉ thị yêu cầu UBND Nghệ An làm việc với ba bộ Văn hóa, Tài chính, Kế hoạch- Đầu tư với nội dung xác định mức hỗ trợ cụ thể từ nguồn vốn nào, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giáo dục hay từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu về văn hóa?

Sau lúc thành kính dâng hương, tôi thấy ông chủ sự ngành giao thông và vị thủ lĩnh Đoàn thanh niên chụm đầu bàn bạc khá lâu. Ông Thăng trước cũng từng là thủ lĩnh Đoàn TN ở Tổng Sông Đà.

Chắc khu di tích lịch sử Truông Bồn sắp tới có cơ gặp may bởi ngoài sự đồng cảm, chắc cũng nhiều sự đồng thuận trong việc góp phần tháo gỡ những khó khăn tìm phương án tài chính cho Truông Bồn?

Tôi hình dung mai kia trong mọi thứ chỉnh trang lại hương khói Truông Bồn, bên cạnh hay trong nhà bia nên có tấm biển khắc lại bài thơ Mười hai cô gái Truông Bồn của nhà thơ Quang Huy. Quang Huy tác giả ca từ nổi danh Tiếng đàn balalaica trên Sông Đà là một người viết lục bát mát tay.

Như Thanh Phong và nhiều nhà báo nhà văn khác từng đến với Truông Bồn, từ Hội Văn nghệ Nghệ An, nhà thơ trẻ Quang Huy về Truông Bồn bời bời đạn bom.

Xúc động trước việc các cô gái TNXP Truông Bồn mặc áo may ô màu trắng ngắn tay, phần thưởng quý giá giành được trong phong trào thi đua, đứng bên đường để làm cọc tiêu những đoàn xe ra trận, ông viết:

Ngoằn ngoèo lượn những đường bom/ Đoàn xe lao đỉnh Truông Bồn giữa khuya/ Hố sâu hun hút bốn bề/ Màn đêm thăm thẳm như che mắt nhìn/ Bỗng từ đâu vụt hiện lên/ Một hàng tiêu mọc đường đêm trắng lòa/ Giật mình anh lái trông ra/ Ôi em thức dậy bao giờ ra đây?/ Xe anh đi giữa đêm dày/ Em ra mở lối cho ngày sáng lên/ Sững sờ tay vẫy trong đêm/ Áo em trắng quá anh nhìn thêm thương.

Bài thơ của Quang Huy ra đời tháng 5-1968...

Nắng miền Trung cộng với gió Lào ràn rạt như lửa. Thế mà những vạt sim mua bên ngôi mộ tập thể cứ tươi tốt một cách lạ theo kiểu bầm đỏ tím lịm của giống sim mua.

Và bướm, những chú bướm vàng ở đâu thốt nhiên túa ra đến lắm. Tôi dõi theo nhìn kỹ đàn bướm bởi chợt nhớ câu chuyện của nhà văn Trần Huy Quang. Nhiều lần tìm về Truông Bồn, Trần Huy Quang đã có cuốn ký Thánh ca Truông Bồn.

Chuyện Quang kể về cô Nguyễn Thị Văn (người thứ 10 trong danh sách ngôi mộ tập thể) quê ở Lâm Đức, Thượng Sơn, Đô Lương. Trai Cát Ngạn gái Đô Lương. Con gái Đô Lương nổi tiếng xinh lại chăm, khéo.

Văn xung phong đi TNXP từng góp sức nhiều công trình trọng điểm đánh phá ác liệt ở Nghệ An sau đó chuyển về Truông Bồn.

Dằng dặc những gian nan vất vả nhưng Văn không nguôi nhớ mẹ già em trai nhỏ quê ở ngay huyện nhà nhưng chưa một lần được ghé qua. Đêm định mệnh tháng 10, Văn ngã xuống ở Truông Bồn mang theo niềm nhớ thương đau đáu ấy.

Dù đã hết sức cố, nhưng người ta không thể tìm thấy vết tích gì của thân thể cô gái tuổi 18 ấy.

Nhiều năm sau, người em trai của Văn tên là Võ đã trở lại Truông Bồn thắp hương cho chị. Giữa trưa nắng, Võ đứng trân trối khóc thầm chị ơi chị có linh thiêng xin chỉ chỗ mộ cho em...

Thốt nhiên một đàn bướm túa ra, có một con bướm màu nâu cứ rập rờn quanh chỗ Võ. Anh lần theo thì bướm nâu dừng lại rồi đậu mãi chỗ khu mộ tập thể!

Truông Bồn, địa danh địa đầu Nghệ An. Ngã Ba Đồng Lộc, địa danh địa đầu đất Hà Tĩnh đều nổi tiếng bởi hai khúc tráng ca TNXP. Nhà nước đã vinh thăng tập thể TNXP Đồng Lộc cùng Truông Bồn danh hiệu anh hùng LLVT. Sự hy sinh mất mát nào mà không trân quý? Nhưng hình như hơn 40 năm qua, nước mắt cùng hương khói được dồn tụ hơi nhiều về Ngã Ba Đồng Lộc? Và nơi hương khói Truông Bồn hiện còn chưa xứng với tầm cỡ của chiến công và những mất mát, hy sinh...

Cuối tháng tư nhuận năm Thìn

Hương khói Truông Bồn ảnh 4
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG