> Cầu phao 'Hai Lúa' ở Bến Hải
Danh ca Ngọc Thy lừng lẫy một thời của Sài Gòn đã ra đi lặng lẽ trong căn nhà nhỏ đạm bạc để lại dư âm một giọng hát độc đáo khó quên.
Ngọc Thy biểu diễn cùng ban nhạc Thăng Long những năm 1970 tại Sài Gòn. Ảnh: T.L . |
Nổi danh rồi…
Những năm cuối thập niên 1940, chàng trai tài tử cải lương Ngọc Toàn gốc Huế theo những đoàn cải lương tài tử đi diễn lang thang từ Nam chí Bắc.
Thời phong kiến, nghệ thuật cải lương với các gánh hát của lớp trẻ như một nét sống phá cách, hướng đến sự tự do, phá bỏ những lễ giáo khắc khổ của xã hội phong kiến. Lớp trẻ hâm mộ các nghệ sĩ.
Một cô gái Ninh Bình đã phải lòng tiếng hát của Ngọc Toàn theo anh vào miền Trung.
Bé Ngọc Thy ra đời ở Huế năm 1948, kết quả của mối tình lãng mạn vượt khoảng cách địa lý ấy. Vào Sài Gòn từ năm 1951, nghệ sĩ cải lương Ngọc Toàn sớm trở thành trụ cột của đoàn cải lương Kim Chung nổi tiếng.
Thậm chí ông còn đóng chung bộ phim “Kiếp Hoa” với nghệ sĩ Kim Chung. Phim được chiếu rộng rãi ở Việt Nam và cả Pháp, được báo giới ca ngợi.
Thừa hưởng dòng máu nghệ thuật, Ngọc Thy sớm khẳng định tài năng trên khấu nhạc nhẹ tại đô thị lớn nhất miền Nam. Cô là ca sĩ trẻ đầy triển vọng của Phòng trà Đêm Màu Hồng trên đường Nguyễn Huệ.
Phòng trà Đêm Màu Hồng của gia đình ca sĩ Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy). Trước đó, Thái Hằng cùng các anh em ruột là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Thái Thanh... tham gia các đoàn văn công đi diễn ở các các chiến khu.
Sau khi vào Sài Gòn, gia đình đã mở phòng trà và thành lập ban nhạc gia đình với cái tên Ban nhạc Thăng Long.
Cô ca sĩ trẻ Ngọc Thy, con gái rượu của nghệ sĩ Ngọc Toàn không chỉ được đứng chung sân khấu với các giọng ca huyền thoại của Sài Gòn khi ấy mà cô còn là một gương mặt trẻ, tiêu biểu cho lớp nghệ sĩ trẻ tài năng đang dần chiếm lĩnh sân khấu của Sài Gòn.
Năng khiếu của Ngọc Thy thật đa dạng, cô có “gien” hát nhạc cổ truyền từ gia đình, đồng thời vừa trình diễn tốt nhạc Pháp và nhạc Mỹ. Các chương trình ca nhạc tràn ngập hình ảnh của cô ca sĩ trẻ xinh đẹp và hóm hỉnh Ngọc Thy, một tuổi trẻ đầy cá tính.
… lại vô danh
Ngọc Thy biểu diễn ở quán Yoko cùng nghệ sĩ ghi ta bass Lâm Minh Phương. Ảnh: T.N.A. |
“Những câu nhả chữ, luyến láy không giống ai - độc nhất vô nhị của chị như vậy tại sao lại có thể chìm trong quên lãng hàng mấy mươi năm được” - Nhạc sĩ Xuân Hòa, chủ Phòng trà Tiếng Xưa |
Anh Thông, chồng ca sĩ Ngọc Thy kể: “Sau năm 1975, chúng tôi không có việc gì làm nên… quyết định cưới nhau”. Anh Thông là tay trống có tiếng. Hai người gặp nhau từ năm 1967, nhưng mãi đến lúc hòa bình thống nhất họ mới cưới và sinh được một đứa con trai.
Chị Tuyến, em chồng, nhận xét: “Cô Thy tuy là nghệ sĩ nhưng cả đời chỉ lo cho chồng con. Cô ấy không muốn chồng con đụng tay làm việc gì. Chồng bị tiểu đường, mọi việc đều do cô ấy đảm đương hết. Bởi vậy cho đến khi ngã quỵ, cô ấy vẫn đi hát để kiếm sống. Tuổi 64, cô vẫn là trụ cột kinh tế của cả nhà”.
Anh Thông nói: “Những năm 1980, vợ tôi thường đi tỉnh hát. Mãi đến năm 1991, vợ tôi mới được hát nhạc ngoại quốc ở các phòng trà”.
Ca sĩ Ngọc Thy là ví dụ sinh động cho các ca sĩ phòng trà trước 1975, họ nổi tiếng trong lòng người nghe, nhưng hoàn toàn vắng bóng trên các phương tiện truyền thông.
Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn nói rằng người Sài Gòn gọi “lão ca sĩ” Ngọc Thy ở tuổi 64 là “Susan Boyle Việt Nam”. Nhưng nếu Susan Boyle là một ca sĩ nghiệp dư mới được phát hiện và gây sửng sốt cho toàn nước Anh thông qua một cuộc thi trên truyền hình thì ngược lại, Susan Boyle Việt Nam Ngọc Thy được “phát hiện trở lại” sau nhiều năm bị quên lãng.
Phòng trà Tiếng Xưa đang dự định sẽ làm một chương trình riêng tôn vinh Ngọc Thy ở Nhà hát lớn TPHCM, nhưng chương trình ấy chưa kịp thực hiện.
Hải Đăng, ca sĩ chuyên hát tiếng Anh của Ban nhạc 6789 nói: “Cô Thy cùng với ca sĩ Tuyết Loan, thuộc lớp những giọng hát nhạc ngoại hay nhất Sài Gòn. Cô hát nhiều dòng nhạc khó, nếu bài nào đó cô Thy không hát thì chẳng qua do ban nhạc không đệm được mà thôi!”.
Khách nghe nhạc của các phòng trà thích nghe Susan Boyle Việt Nam trình bày các ca khúc kinh điển như Yesterday, God Father, Love Story, Proud Mary, Quando Quando, A times for us, Killing me softly, I will always love you, Don’t let me down …
Một lần, chúng tôi đã sững sờ nghe tiếng hát của cô trong những bài hát tiếng Việt như Thôi , Ảo ảnh (Y Vân). Cô Thy bảo tôi: “Tớ thích hát nhạc tiếng Việt hơn. Nhưng... khán giả lại thích tớ hát nhạc ngoại”.
Nhạc sĩ Xuân Hòa chủ Phòng trà Tiếng Xưa, một phòng trà lớn của TPHCM, nhận xét trên trang web của mình: “Khi chị cất giọng thì hình ảnh Ngọc Thy mệt mỏi, chậm chạp và gần như “lọ mọ” trèo lên bục sân khấu không cao lắm một cách khó khăn không còn nữa.
Chị làm tôi thật sự ngạc nhiên. Ngạc nhiên đến sững sờ, những câu nhả chữ, luyến láy không giống ai - độc nhất vô nhị của chị như vậy tại sao lại có thể chìm trong quên lãng hàng mấy mươi năm được”.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú, Trưởng ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một lần vào Nam nghe Ngọc Thy hát ở phòng trà cũng đã nhận xét: “Giọng hát tuyệt vời! Tại sao không ai biết đến nhỉ”.
Tưởng niệm muộn
Chân dung ca sĩ Ngọc Thy. Ảnh do nhà báo Quinn Ryan Mattingly thực hiện. |
Cái tin ca sĩ Ngọc Thy qua đời vì bệnh phổi cách đây vài hôm khiến không ít những người sành nhạc ở TPHCM thảng thốt. Hình ảnh “lão ca sĩ” 64 tuổi đêm đêm chạy sô khắp thành phố đã quen thuộc với nhiều thế hệ người nghe. Người ta cần một thời gian nhất định để quên đi giọng hát đầy mê hoặc nhưng cũng rất sinh động trên sân khấu của người ca sĩ gầy gò, tóc bạc, da mồi.
Lần tìm trên báo mạng, Linh Rock, một ca sĩ hát nhạc tiếng Anh chỉ tìm thấy một bài viết về Ngọc Thy, mà đó lại là một bài báo do phóng viên nước ngoài thực hiện.
Trả lời nhà báo Duncan Forgan, Ngọc Thy cho biết đấy là lần đầu tiên cô trả lời phỏng vấn báo chí sau 45 năm theo nghề ca hát. Bài phỏng vấn đầu tiên cũng là bài trò chuyện cuối cùng ấy thực hiện vào cuối năm 2010.
Linh Rock rủ tôi cùng ca sĩ Tố Phương và cây ghi ta bass Lâm Minh Phương của ban nhạc rock UnlimiteD cùng một số nghệ sĩ trẻ xuống Gò Vấp thắp hương cho ca sĩ Ngọc Thy.
Gia đình nói cô Thy bị bệnh phổi, đưa vào bệnh viện. Cô nhắn con trai: “Đêm nay con vào với mẹ”. Đang đêm, cô ngồi, gục xuống và lặng lẽ ra đi. Cô từ giã khán giả của mình một cách lặng lẽ như thế đấy.
Tôi nghe nói các phòng trà nổi tiếng của TPHCM như Yoko, Acoustic, Tiếng Xưa… đều đang có kế hoạch tổ chức đêm nhạc tưởng niệm ca sĩ Ngọc Thy. Sẽ là lần đầu tiên người ta ngồi cùng nhau để hoài niệm về một giọng ca lớn của Sài Gòn giờ chỉ còn là ký ức nhạt nhòa.
Nghệ sĩ ghi ta bass Lâm Minh Phương nói: “Ca sĩ hàng đầu của thành phố từ trước năm 1975 cho đến bây giờ, nhưng cô Thy chưa được thực hiện album âm nhạc nào. Đôi khi, người ta lưu truyền nhau một vài đoạn băng video ngắn do người hâm mộ tự quay về cô mà thôi”.
Tháng 4 - 2012