Người hiến cổ vật cho bảo tàng nhà nước

Người hiến cổ vật cho bảo tàng nhà nước
TP - Hễ trong làng trong xã có ai ốm đau, nhập viện, anh và vợ đều đi thăm, tặng tiền thuốc men bồi bổ. Nghĩa tình lặng lẽ đó vốn trở nên quen thuộc với cả vùng Ô Lâu, Phong Bình thuộc huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế.

Khách Việt tại nhà Van Gogh
> Sách cổ Sài Gòn trong cơn dâu bể

Đảng viên đi đầu làm kinh tế tại địa phương
Đảng viên đi đầu làm kinh tế tại địa phương .

Giúp người

Hôm nọ, biết anh cuối năm bấn bíu nhiều công việc, tôi chủ động hẹn gặp đầu buổi sáng hỏi về sự dày công tốn của sưu tầm hàng trăm cổ vật quý từ đáy sông sâu Ô Lâu rồi mang tặng hết cho bảo tàng nhà nước. Mải trưa anh và vợ mới về tới nhà. Họ lỡ hẹn vì cả hai từ sáng sớm lặn lội vào thành phố Huế thăm nom người ốm. Bệnh nhân kia cùng làng, không phải họ hàng thân thích gì.

Một chị bên xóm qua nhờ tính toán giúp chi phí mua vật liệu chuẩn bị cất nhà, góp chuyện: Trừ khách xa, dân vùng Ô Lâu, Phong Bình từ lâu không ai còn lạ những việc nghĩa của anh. Trong làng hễ ai ốm đau, bất kể già trẻ gái trai, quen hay lạ, hai vợ chồng đều đến thăm nom hỗ trợ tiền thuốc men bồi bổ sức khỏe từ 50.000 - 100.000 đồng mỗi lần.

Từ mục đích ban đầu đi tìm hiểu hoạt động sưu tầm hiến tặng cổ vật, tôi bị “lạc đề” sang chuyện nghĩa chuyện tình của người đàn ông da sạm chân lấm chuyên nghề cát sạn vùng sông nước.

Anh là Hoàng Phước Chỉ, 45 tuổi, người làng Vĩnh An, xã Phong Bình. Hồi còn đi học, nghe cô giáo kể chuyện hũ gạo tình thương rồi những phận khó trong đời, cậu học trò nghèo trường làng cứ lấn bấn ám ảnh.

Một lần, cậu nghĩ ra cách bớt lại vốc gạo buổi ăn độn sắn khoai đói kém cho vào hũ sành nhỏ, giấu trong góc nhà sau mỗi lần thổi cơm đỡ đần cha mẹ, để giúp người ăn xin. Tình cờ dọn nhà, mẹ cậu phát hiện ra chỗ giấu gạo. Bà nhầm tưởng con trai trộm gạo đang lúc khó khăn bán lấy tiền ăn quà vặt nên đùng đùng trách mắng.

Cậu bé lúng búng không dám thưa sự thật. Sau này, biết chuyện, bà nhắc anh mai kia nếu trưởng thành khấm khá hãy nghĩ đến những phận nghèo kẻ khó. Điều mẹ dạy anh luôn ghi nhớ. Từng bớt đi nhúm gạo nhà nghèo cho người ăn xin, dành cả chiếc quần mới may chưa mặc đưa bạn mượn che thân đi học qua mùa đông lạnh, nhưng giúp người như thế, theo anh, chỉ là nhất thời.

Năm 18 tuổi, Hoàng Phước Chỉ lên đường nhập ngũ, đóng quân ở biên giới phía Bắc. 20 tuổi, thành đảng viên. Đó là trường hợp vào Đảng sớm nhất của thanh niên xã. Anh còn được phong hàm vượt cấp từ binh nhất lên trung sĩ. Xuất ngũ, những gì học được từ môi trường quân đội, anh linh động vận dụng vào điều kiện công tác mới tại địa phương.

Từ bí thư Đoàn xã, Ủy viên ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã, bí thư chi bộ, đại biểu HĐND, rồi làm hợp tác xã nông nghiệp… các nhiệm vụ đều hoàn thành trọn vẹn. Anh quyết tâm cải thiện kinh tế gia đình để có điều kiện giúp đỡ đồng đội, bà con nghèo. Hồi đó chưa có chủ trương khuyến khích đảng viên làm kinh tế, nhưng anh xin nghỉ công tác địa phương để mày mò kinh doanh.

Mùa hè năm 1997, Chỉ khởi nghiệp với 1,6 triệu đồng hùn hạp bạn bè mở điểm cung ứng cát sạn làm vật liệu xây dựng (VLXD) đóng cạnh Quốc lộ 49B ngang qua Phong Bình. Tiếng là làm chủ, nhưng do đồng vốn eo hẹp, anh tự tay chở từng xe cát sỏi, gạch bờ-lô giao tận nơi. Năm 2007, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Phước Chỉ ra đời. Qua 4 năm hòa vào thương trường, doanh nghiệp đạt doanh thu trên dưới 3,7 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 15 lao động địa phương. Không bề thế phô trương, nhưng đây lại là cơ sở điển hình về nộp ngân sách của huyện Phong Điền. Doanh nghiệp Hoàng Phước Chỉ từ lâu còn là địa chỉ nghĩa tình quen thuộc đối với dân trong vùng và các đơn vị từ thiện.

Trận lụt lịch sử tháng 11- 1999, vùng trũng ven sông Ô Lâu tan hoang xơ xác, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại. Nhiều gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất. Sẵn 100 tấn xi măng vừa nhập về, anh xuất kho bán nợ cho các gia đình bị trôi mất nhà cửa, hẹn đến vụ mùa trả dần bằng thóc lúa ngô khoai, hoặc trả góp từ 1 đến 5 năm. Không lâu sau lụt, nhà nước có chính sách hỗ trợ dân vay vốn ưu đãi khôi phục nhà cửa. Những hộ dân từng mua chịu VLXD đồng loạt mang tiền vay từ kênh nhà nước đến trả nợ vợ chồng anh trước hạn. Họ còn mua thêm xi măng để ủng hộ kinh doanh.

Các hộ nghèo làm nhà tình thương cũng được anh giúp đỡ, cho mua nợ VLXD không tính lãi. Có người qua cả chục mùa lúa mới trả xong nợ.

Sự rộng rãi đó cũng đôi lần khiến công việc làm ăn của anh khốn đốn. Năm 2002, anh nợ công ty xi măng mấy trăm triệu đồng, đại lý suýt phải đóng cửa. Số nợ này chủ yếu là khoản mua chịu VLXD còn kẹt ứ trong dân. May quá, anh nhận được hợp đồng cung ứng VLXD với số lượng lớn từ một dự án hỗ trợ nhà ở hộ nghèo. Kinh phí mua xi măng, gạch bờ - lô đều được ứng trước. “Nếu lần đó không thoát hiểm, chắc là không có doanh nghiệp Hoàng Phước Chỉ nữa. Bạn bè đùa, mình ở hiền nên gặp lành chứ mần ăn đâu có giỏi giang chi”, anh Chỉ tếu táo.

Ra đường, hễ gặp người ăn xin, thì dù bận bịu đến mấy, anh Chỉ vẫn giúp họ một bữa cơm no. Nghe ở đâu có người lâm cảnh khốn khó, anh sốt sắng giúp tiền và chủ động gọi điện thoại, viết thư gửi cơ quan chức năng, đài báo đề nghị giúp đỡ. Anh Chỉ còn là nhà hảo tâm thường xuyên tài trợ cho các quỹ khuyến học, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, quỹ hỗ trợ nạn nhân nghèo mổ tim trên địa bàn…

Lo việc thiện ở làng và sưu tầm cổ vật để tặng Ảnh: Ngọc Văn
Lo việc thiện ở làng và sưu tầm cổ vật để tặng Ảnh: Ngọc Văn.

Mang đồ cổ đi tặng

Năm 2008, giới buôn đồ cổ miền Trung lan truyền tin nhà sưu tầm cổ vật “tay ngang” Hoàng Phước Chỉ ngụ bên dòng Ô Lâu sắp hiến tặng gần 200 cổ vật có giá trị cho bảo tàng nhà nước. Họ dồn dập tìm về Phong Bình gạ mua tất cả cổ vật chuẩn bị hiến tặng với giá cao. Anh Chỉ gạt phắt. Bạn bè bảo anh là điên.

“Đồ cổ quý đến mấy mà chỉ khư khư cho riêng mình quả là phí. Bán đi lấy tiền thì xem như mất tiêu. Chi bằng tặng cho bảo tàng nhà nước. Tui không mong được khen thưởng mà hy vọng mai này con cháu có cơ hội tham quan, chiêm ngưỡng di sản quý do cha ông để lại”, anh Chỉ nói.

Đi nhiều ven sông Ô Lâu, anh Chỉ được bạn bè, dân chài tặng các món đồ gốm có hoa văn, hình thù kỳ lạ vớt lên từ đáy nước. Dần dà biết đây là cổ vật, anh mua về nhà trưng bày theo từng chủng loại như các bộ gốm Chăm, gốm Phước Tích (TT- Huế), gốm Chu Đậu; bộ bình vôi cổ; bộ tiền xu đời Tống... Hay tin vùng Ô Lâu còn nhiều thứ quý, dân buôn đổ về lùng sục.

Từ chỗ thong dong chọn lựa, anh Chỉ phải cạnh tranh khốc liệt với dân tứ xứ mới sở hữu được các món cổ vật quý từ dân chài. Sau các cuộc tranh mua nảy lửa với dân buôn, tất cả những gì anh bỏ tiền túi ra sưu tầm, với hơn 200 cổ vật có giá trị khoa học lịch sử, lại được giao hết cho bảo tàng tỉnh vào đợt hiến tặng thứ hai năm 2010.

Lúc tôi ghé thăm, nhà anh không còn món đồ giá trị nào. Trên bức tường cũ màu là hai tấm bằng khen còn mới do Sở VH-TT&DL và Chủ tịch UBND tỉnh tặng về thành tích sưu tầm, hiến tặng cổ vật năm 2008 và 2010. Đang lúc lụi cụi vào phòng kín bê mấy món gốm cổ vừa sưu tầm ra khoe với tôi, chị Phan Thị Hóa vợ anh nói vóng theo: “Làm chi thì làm, trưa và tối ni ba mi phải tranh thủ đi thăm bác Điệu và mệ Mới vừa mới ngã bệnh do trở trời đó nghe”.

Trận lụt lịch sử tháng
11- 1999, vùng trũng ven sông Ô Lâu tan hoang xơ xác, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại. Nhiều gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất. Sẵn 100 tấn xi măng vừa nhập về, anh xuất kho bán nợ cho các gia đình bị trôi mất nhà cửa, hẹn đến vụ mùa trả dần bằng thóc lúa ngô khoai, hoặc trả góp từ 1 đến 5 năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG