Cam Ranh, lịch sử một tượng đài - kỳ 3

Cam Ranh, lịch sử một tượng đài - kỳ 3
TP - Ông Vasily, Phó Tổng GĐ tập đoàn Zarubejneft (Nga) nói: "Thật có ý nghĩa khi sang tưởng niệm những người đã hy sinh, chúng tôi lại được hưởng thành quả mà sự hy sinh của họ đã góp phần mang lại".

>> Kỳ 2: Duyên nợ vắt qua ba thế kỷ

Từ căn cứ quân sự đến cảng hàng không quốc tế

Cam Ranh, lịch sử một tượng đài - kỳ 3 ảnh 1
Ông Vasily, Phó Tổng GĐ tập đoàn Zarubejneft (Nga), vị khách đầu tiên làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu CHKQT Cam Ranh.

Tình đồng đội

Đại tá Nguyễn Văn Dân từng là Hải đội trưởng Hải đội 2, Trưởng ban Huấn luyện, rồi làm Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân. Trong các năm 1987 - 1990, ông được giao phụ trách công tác phối hợp với bạn Liên Xô để bảo đảm an ninh cho căn cứ Cam Ranh.

Ngắm tượng đài cao vút bên Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh (CHKQT Cam Ranh), vị Đại tá cựu chiến binh hồi tưởng về một thời sát cánh cùng những người bạn Xô Viết, về những người đã ngã xuống.

Khi Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Liên Xô ở Cam Ranh (thường gọi là Binh đoàn 17) chưa chính thức được thiết lập, Đại tá Nguyễn Văn Dân đã tiếp xúc với các đội tiền trạm của bạn.

Từ đó đến sau này, các quân nhân và công dân Xô Viết ở Cam Ranh đều để lại trong ông những ấn tượng tốt đẹp.

Các vị Chỉ huy trưởng Binh đoàn 17 mà Đại tá Dân từng tiếp xúc như Phó đô đốc Kuzmin, người kế nhiệm ông là Phó đô đốc Beregovoy và cấp dưới của họ đều là những người làm việc rất nguyên tắc, có kế hoạch, nhưng khi xử lý tình huống cũng rất mềm dẻo, linh hoạt.

Tình cảm của những quân nhân Xô Viết với Việt Nam được thể hiện bằng những hành động cụ thể, nhất là trong những tình huống khó khăn.

Có lần tàu HQ 709 bị chết máy và mất liên lạc với sở chỉ huy. Bạn đã kiên trì cho máy bay tìm kiếm, cuối cùng cứu được tàu HQ 709 khi tàu này trôi dạt tới gần quần đảo Hoàng Sa.

Lần khác, khoảng năm 1988, tàu HQ 671 ra đón một chiến sĩ bị thương nặng ở đảo Núi Le, đông nam quần đảo Trường Sa. Trên đường về, có lúc tàu chạy với tốc độ âm do gặp sóng lớn dội ngược. Bạn điều một tàu khu trục ra tiếp ứng, nhưng không thể áp sát được tàu HQ 671.

Trực thăng trên tàu khu trục bay trên tàu HQ 671 để thả thang dây xuống, nhưng thang bị vướng ăng ten tàu. Cuối cùng, một nhóm thủy thủ bạn dũng cảm dùng xuồng cứu sinh tiếp cận được tàu HQ 671, chuyển chiến sĩ Việt Nam bị thương lên tàu khu trục, đưa về đất liền cứu chữa kịp thời…

Một trong những lần đầu tiên tàu của Binh đoàn 17 tiếp cứu tàu Vùng 4 là lần cứu tàu HQ 611, bị mắc cạn ở đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa. Ngày đó, ta chưa đóng quân ở Đá Lát, sóng lớn khiến các phương tiện không thể tiếp cận tàu HQ 611.

Hạm trưởng tàu khu trục của bạn là Trung tá V.V. Devyataykin đã chỉ huy bắn dây cáp mồi để nối được tàu khu trục với tàu HQ 611, rồi đưa người sang buộc dây, kéo tàu HQ 611 thoát nạn.

Devyataykin thuộc nhóm những quân nhân Liên Xô đầu tiên đến Cam Ranh, là một người thấp đậm, khỏe mạnh, làm việc rất tận tình. Sau này, ông là Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bình đoàn 17, rồi được phong cấp Chuẩn đô đốc, làm Cố vấn cho Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam…

Kể đến đây, giọng Đại tá Dân trầm hẳn xuống. Chiều 8-7-1989, ông và bao người khác - Việt Nam và Liên Xô - đã hồi hộp, lo lắng đến thắt ruột khi thấy chiếc máy bay AN-12 cứ xịt khói đen kịt, lượn mãi trên sân bay Cam Ranh mà không thể hạ cánh. Điều đau đớn nhất đã xảy ra. Chuẩn đô đốc Devyataykin tử nạn cùng 31 người khác trên chiếc máy bay ấy…      

Cam Ranh, lịch sử một tượng đài - kỳ 3 ảnh 2
Chuyến bay dân dụng quốc tế đầu tiên đến CHKQT Cam Ranh

Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh

Chín giờ sáng 12-12-2009, chiếc máy bay Airbus A319 của hãng hàng không SilkAir (Singapore) mang theo 71 hành khách đáp xuống sân bay Cam Ranh, sau hơn hai giờ bay từ Singapore.

Đây là chuyến bay dân dụng quốc tế đầu tiên đến sân bay Cam Ranh, đánh dấu việc sân bay Cam Ranh trở thành Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh (CHKQT) Cam Ranh. 

Ngày 4-5-2002, những người lính Hải quân Nga cuối cùng rời khỏi căn cứ Cam Ranh. Tuy nhiên, từ gần chục năm trước đó, sân bay Cam Ranh đã dần trở nên vắng vẻ, thưa thớt các chuyến bay.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo nhanh chóng quy hoạch, sử dụng khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh, trong đó có sân bay Cam Ranh vào mục đích kinh tế.

Ngày 20-5-2003, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vịnh Cam Ranh đến năm 2010, trong đó có việc đánh thức Sân bay Cam Ranh.

Theo đó, Sân bay Cam Ranh sẽ được đưa vào khai thác thương mại, có thể đón 1 triệu khách vào năm 2010 và 2 triệu khách vào năm 2020. Ngày 31-12-2003, Cụm cảng hàng không miền Trung được Trường Sĩ quan Không quân bàn giao quản lý sử dụng Sân bay Cam Ranh.

Công tác xây dựng tĩnh không sân bay, quy chế sân bay, phương án bảo đảm an ninh - an toàn hàng không, lập dự án báo cáo nghiên cứu khả thi quy hoạch tổng thể Cảng Hàng không (CHK) Cam Ranh… được triển khai.

Khu nhà xưởng kỹ thuật quân sự cũ được sửa chữa thành nhà ga tạm, có thể đón 220 khách trong giờ cao điểm. Các hệ thống thông tin, đài dẫn đường, các thiết bị phục vụ điều hành bay, phục vụ hành khách, hệ thống bảo đảm an ninh… được đầu tư lắp đặt, với tổng kinh phí trên 44 tỷ đồng. 

Đúng 8 giờ sáng 19-5-2004, chiếc máy bay Airbus A320 của Vietnam Airlines cất cánh từ sân bay Nội Bài, mang theo 149 hành khách đáp xuống Sân bay Cam Ranh.

Đó là chiếc máy bay dân dụng hoạt động thương mại đầu tiên đáp xuống Sân bay Cam Ranh, kể từ khi Quân đội Mỹ xây dựng căn cứ Cam Ranh phục vụ mục đích quân sự, năm 1965.

Sự kiện này mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không tại khu vực Nam Trung Bộ, bởi trước đó sân bay Nha Trang chưa bao giờ đủ khả năng đón máy bay lớn cỡ Airbus với sức chở từ 150 khách trở lên.

Ngày 5-1-2006, Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình ký phê duyệt Quy hoạch tổng thể CHK Cam Ranh (giai đoạn đến 2015 và định hướng đến 2025).

Theo Quy hoạch, CHK Cam Ranh là CHK nội địa có hoạt động bay quốc tế, được dùng chung dân dụng và quân sự, cấp sân bay 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I.

Khu bay có 2 đường hạ cất cánh kích thước 3.048m x 45m, đường số 1 (02L - 20R) đủ khả năng khai thác thường xuyên các máy bay A320/A321, B737 và tương đương; đường số 2 (02R - 20L) đủ khả năng tiếp nhận các máy bay B767-300, B777-200 và tương đương.

Đến năm 2015 CHK Cam Ranh tiếp nhận 1,5 triệu lượt hành khách/năm, tại giờ cao điểm có thể đón 16 máy bay, 1.600 hành khách/giờ.

Ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam lưu ý, với hệ thống sân đỗ rất tốt, sân bay Cam Ranh có thể trở thành sân bay căn cứ của Vietnam Airlines, thay cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 2025, các chỉ tiêu sẽ đạt là 2,65 triệu lượt hành khách/năm, tại giờ cao điểm có thể đón 21 máy bay, 2.127 hành khách/giờ. CHK Cam Ranh còn có khu phục vụ kỹ thuật, khu quản lý bay, hệ thống giao thông, ga hàng hoá, khu dịch vụ thương mại, trung tâm huấn luyện phi công…

Tổng diện tích đất sử dụng là 751 ha, trong đó ngành hàng không dân dụng quản lý 715 ha.

Trong các năm 2007, 2008, CHK Cam Ranh có tỷ lệ tăng lượng khách cao nhất trong các CHK của Việt Nam (gần 37%/năm). Năm 2008 CHK Cam Ranh đã đưa đón hơn 683.000 lượt hành khách, vượt qua CHKQT Phú Bài để trở thành CHK lớn thứ tư Việt Nam về lưu lượng khách.

Năm 2009, lượng khách của CHK Cam Ranh vượt con số 700.000 lượt người. Ông Hoàng Thành - Tổng GĐ Tổng Cty Cảng Hàng không miền Trung - cho rằng, trong tương lai gần CHKQT Cam Ranh sẽ là CHK lớn thứ 3 Việt Nam, trên cả CHKQT Đà Nẵng.

Tiềm năng lớn

Ngày 14-7-2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch CHKQT Cam Ranh, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo Quy hoạch này, năm 2020 CHKQT Cam Ranh có năng lực tiếp nhận 27 máy bay và 2.785 hành khách trong giờ cao điểm, 5,5 triệu hành khách và 100.000 tấn hàng hoá/năm.

Đến năm 2030, CHKQT Cam Ranh có thể tiếp nhận 37 máy bay và 3.800 hành khách/giờ cao điểm, lượng hành khách đạt 8 triệu người/năm…

Nhà ga mới của CHKQT Cam Ranh với thiết bị hiện đại, công suất phục vụ 800 khách/giờ cao điểm, kinh phí xây dựng hơn 200 tỷ đồng đã được đưa vào vận hành thử từ tháng 8-2009, chính thức khai trương ngày 12-12-2009.

Bên cạnh đường băng số 1 đang được khai thác, dự kiến đường băng số 2 của CHKQT Cam Ranh sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2010.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng GĐ Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines dự định bước đầu sẽ nối các đường bay quốc tế đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tới Cam Ranh.

Tiếp đó, Vietnam Airlines sẽ mở các tuyến bay quốc tế từ Cam Ranh và kêu gọi các hãng hàng không nước ngoài mở đường bay thẳng đến Cam Ranh.

Theo ông, tỉnh Khánh Hoà, nhất là vịnh Nha Trang sẽ có những dịch vụ du lịch cao cấp, như du thuyền, du lịch biển đảo. Loại hình này rất cần hàng không tư nhân, khách dùng máy bay tư nhân bay đến Cam Ranh, gửi máy bay ở đó rồi đi ra du thuyền, ra biển đảo…

CHKQT Cam Ranh đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu đó, thu hút các triệu phú, tỷ phú đến Khánh Hòa nghỉ ngơi, tổ chức các hội thảo, sự kiện lớn của quốc tế.

Ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam lưu ý, với hệ thống sân đỗ rất tốt, sân bay Cam Ranh có thể trở thành sân bay căn cứ của Vietnam Airlines, thay cho sân bay Tân Sơn Nhất. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định, cùng với Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong, CHKQT Cam Ranh sẽ tạo bước phát triển đột phá về du lịch, công nghiệp công nghệ cao của Khánh Hòa.

Trong một lần về thăm Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định, cùng với Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong, CHKQT Cam Ranh sẽ tạo bước phát triển đột phá về du lịch, công nghiệp công nghệ cao của Khánh Hòa.

Không chỉ sân bay, theo Thủ tướng, một số khu vực cảng biển ở vịnh Cam Ranh cũng có thể mở cửa, cung cấp nước ngọt, sửa chữa nhỏ, làm dịch vụ hậu cần cho tàu nước ngoài.

Phía bắc CHKQT Cam Ranh, Khu du lịch Bãi Dài cũng đang được hoàn thiện cơ sở hạ tầng, một số dự án khu du lịch cao cấp đã được khởi công. Căn cứ quân sự Cam Ranh đang dần trở thành cửa ngõ giao thương chính của khu vực Nam Trung Bộ, một trọng điểm du lịch của cả nước.

* * *

Ngày 12-12-2009, lễ công bố CHKQT Cam Ranh được tổ chức. Những vị khách đầu tiên làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu CHKQT Cam Ranh là những người Nga.

Họ là những cựu chiến binh đã từng làm nhiệm vụ tại căn cứ Cam Ranh và doanh nhân, vừa sang Việt Nam dự lễ khánh thành Tượng đài tưởng niệm quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga và Việt Nam hy sinh vì hòa bình ổn định khu vực, được tổ chức ngày 10-12.

Ông Vasily, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Zarubejneft (Nga) nói: "Thật có ý nghĩa khi sang tưởng niệm những người đã hy sinh, chúng tôi lại được hưởng thành quả mà sự hy sinh của họ đã góp phần mang lại".

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng GĐ Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines dự định bước đầu sẽ nối các đường bay quốc tế đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tới Cam Ranh. Tiếp đó, Vietnam Airlines sẽ mở các tuyến bay quốc tế từ Cam Ranh và kêu gọi các hãng hàng không nước ngoài mở đường bay thẳng đến Cam Ranh.
MỚI - NÓNG