Cam Ranh, lịch sử một tượng đài - kỳ 1

Cam Ranh, lịch sử một tượng đài - kỳ 1
TP - Trong những ngày Sân bay Cam Ranh chuyển mình trở thành cảng hàng không quốc tế (12-12-2009), ngay bên cạnh nó đã khánh thành một tượng đài lớn uy nghi bằng đá granite để tưởng niệm những quân nhân Nga và Việt Nam đã hi sinh ở khu vực Cam Ranh và miền Trung nước ta vì hoà bình và sự ổn định trong khu vực.
Cam Ranh, lịch sử một tượng đài - kỳ 1 ảnh 1
Tượng đài Cam Ranh mới khánh thành

Nhân dịp này, PV Tiền Phong đã đến Cam Ranh để tìm hiểu về sự hi sinh của họ cũng như về căn cứ tiếp liệu và vật tư kỹ thuật của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Liên Xô/Nga một thời đóng ở mảnh đất này.

Trong những năm tồn tại Căn cứ Cam Ranh của Hạm đội Thái Bình Dương đã xảy ra một số vụ tai nạn máy bay quân sự thảm khốc làm mấy chục quân nhân Liên Xô/Nga và Việt Nam cùng một số người thân của họ hy sinh.

Những giọt sương bay đi

“Tượng đài này và toàn bộ quá trình xây dựng công trình là một minh chứng nữa cho thấy nước CHXHCN Việt Nam có thái độ hết sức trân trọng, thậm chí có thể gọi là tình cảm da diết gắn bó đến thế nào đối với tất cả những gì liên quan đến đất nước chúng tôi”.

Phát biểu của ông Stepashin - Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước Liên bang Nga tại Lễ khánh thành Tượng đài Cam Ranh, 10-12-2009

Vụ đầu tiên xảy ra vào tháng 2 năm 1985. Đại tá Ermokin, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh không quân Hạm đội Thái Bình Dương, nguyên là xạ thủ phản ứng nhanh trên máy bay TU 95 (là loại máy bay cánh quạt ném bom  và mang tên lửa chiến lược thành công nhất và có thời gian phục vụ lâu nhất của Tổng công trình sư nổi tiếng Liên Xô Tupolev) đóng ở Cam Ranh kể lại chi tiết vụ này trong một hồi ức đau buồn mang tên “Những giọt sương trắng hay là buổi chiếu phim không thành”.

Dịp đó, ông được chuyển từ xạ thủ kíp bay sang làm chủ nhiệm CLB  thủy thủ của căn cứ. Ngày 12-2-1985, Ermokin  mượn được một bộ phim rất hay tên là “Những giọt sương trắng”.

Người thì đông mà phòng chiếu phim chỉ có không đến 20 chỗ ngồi  nên CLB phải chiếu liên tục. Đêm 12 rạng ngày 13 có chuyến bay tuần tra của máy bay TU 95 nên lúc ăn tối, thiếu tá cận vệ  Krivenko - cơ trưởng chuyến bay đó đề nghị với Ermokin chuẩn bị để chiếu phục vụ cho kíp bay lúc họ trở về vào lúc khoảng 2 - 3 giờ sáng.

Hướng bay xác định là vòng quanh biển nam Việt Nam mà các phi công Xô Viết trong căn cứ quen gọi là bay “quanh đầm lầy”. Nhưng buổi chiếu phim đặc biệt đó đã không bao giờ diễn ra vì kíp bay đã không trở về.  

Đêm rạng sáng ngày 13-2-1985, máy bay TU 95 do thiếu tá cận vệ Spiridonov chỉ huy bay số 2 xuất phát sau máy bay số 1 nói trên mấy tiếng đồng hồ ở độ cao 15 km đã nhìn thấy ở phía dưới khoảng 300 m qua ánh đèn tín hiệu máy bay của Krivenko giảm nhanh độ cao và bay chếch sang phải.

Trong bộ đàm vang lên tiếng kêu: “Chúng tôi bị rơi, chúng tôi bị rơi! Có ai nghe thấy không? Chúng tôi...”. Vì trời nhiều mây nên máy bay của Spiridonov không thể xác định được chính xác điểm rơi của máy bay số 1, chỉ biết vùng tai nạn nằm cách căn cứ Cam Ranh chừng hơn 1.000 cây số.

Không tìm thấy máy bay và kíp lái nên cho đến nay vẫn không ai biết chính xác nguyên nhân của vụ tai nạn. Có giả thiết là một mà cũng có thể là cả hai động cơ của máy bay bị hỏng. Kíp bay 9 người gồm những phi công rất kinh nghiệm của hải quân Hạm đội Thái Bình Dương đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển Việt Nam.

Chiếc máy bay gãy càng

Vụ  tai nạn máy bay vận tải quân sự 4 động cơ cánh quạt AN-12 ngày 8-7-1989 hậu quả thảm khốc hơn. Tôi được một số người kể cho nghe về vụ tai nạn này với những tình tiết khác nhau chút ít.

Người thứ nhất là Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng phi công vũ trụ, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Không quân Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Theo ông, chiếc AN-12 xấu số bị gãy một bên càng khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất nên buộc phải bốc trở lại lên không trung và bay về Sân bay Cam Ranh để hạ cánh.

Người ta đã phun bọt giảm ma sát lên đường băng Cam Ranh để máy bay thu càng vào và hạ cánh bằng bụng xuống. Tuy nhiên, do một chút thiếu chính xác, máy bay đã hạ xuống không phải ở đầu mà gần cuối đường băng nên bị trượt ra ngoài, gây cháy nổ.

Người thứ hai là ông Đặng Minh Hồng - Phó Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Vietsopetro, người đã đi rất nhiều cùng các đối tác là cựu quân nhân Nga từng phục vụ ở Cam Ranh trong quá trình xây dựng Tượng đài tưởng niệm Cam Ranh.

Có lẽ họ đã kể cho ông nghe chi tiết để cứu chiếc máy bay vận tải quân sự có chiều dài hơn 33 mét, sải cánh 38 mét, cao 10,5 mét, trọng lượng rỗng 28 tấn, sức chở 20 tấn có thể chở đội nhảy dù hoặc đổ bộ đường không 90 người bị gãy một bên càng này, người ta đã đặt một xe cứu hoả không cài số, không kéo phanh trên đường băng với hi vọng máy bay sẽ tựa được bên cánh bị gãy càng lên đó.

Nhưng tiếc thay, với tốc độ hạ cánh hàng trăm cây số/giờ, chuyện đã không thành, làm 16 quân nhân Liên Xô và 7 sĩ quan, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu Quân đội ta hi sinh. Ngoài ra còn có 9 phụ nữ và trẻ em là vợ, con các sĩ quan hai bên bị thiệt mạng.

Trong số những người hi sinh có Chuẩn đô đốc V.V Devyataykin – Cố vấn quân sự của Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam, ông M.N. Nokchev - Đồng Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới (Việt - Xô/Nga) và hai đại tá của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày thảm khốc

Vụ thứ ba xảy ra xảy ra ngày 12-12-1995, làm chấn động vì ba chiếc phản lực siêu âm SU 27 do những phi công trình diễn lừng danh lái đã đâm vào núi gần Cam Ranh vào một ngày thời tiết rất xấu.

Hôm đó, phi đội “Những tráng sĩ Nga” 237 thuộc Trung tâm Trình diễn kỹ thuật hàng không mang tên Kojedub gồm 5 chiếc SU 27  do các phi công cận vệ điều khiển trên đường trở về căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương sau khi bay biểu diễn tại Hội chợ Hàng không ở Malaysia đã tạt qua Cam Ranh để tiếp dầu.

Trung tướng Phạm Tuân kể: “Trời nhiều mây mù, mặt đất thông báo là khó hạ cánh vì tầm nhìn quá hạn chế nhưng phi đội tin vào sự lão luyện của các phi công và lại có một chiếc IL-76 dẫn đường nên vẫn quyết định đáp xuống. Phi đội SU 27 hạ thấp đã đi xuyên vào mây dày nên bay vượt qua sân bay. Khi phát hiện có ngọn núi ở phía trước, mệnh lệnh giải tán đội hình để ngoặt tránh gấp được phát ra thì đã muộn. Ba chiếc của phi đội đã lao vào núi”.

Những người hy sinh là đại tá cận vệ B.M. Grigoryev và ba thiếu tá cận vệ  A.N Syrovoy, N.A. Grechanov, N.B. Kordyukov. Những con chim ưng của không lực Nga ra đi khi còn rất trẻ, đại tá Grigoryev nhiều tuổi nhất cũng mới chỉ 38, ba người còn lại mới ngoài ba mươi.

Từ tấm bia kỷ niệm…

Tượng đài Cam Ranh uy nghi bây giờ có “tiền thân” là một cột bia do các quân nhân Nga dựng lên vào năm 1986 ở căn cứ Cam Ranh để ghi tên tưởng niệm 9 thành viên trong kíp bay TU 95 của thiếu tá cận vệ Krivenko hi sinh ngày 13-2-1985.

Mười năm sau, cột bia trở thành giống như một đài tưởng niệm nhỏ khi được bổ sung thêm mô hình chiếc máy bay SU-27 để tưởng nhớ sự hi sinh của các phi công trình diễn trong đội bay “Những tráng sĩ Nga”. Tên tuổi của họ cũng được khắc ghi lên cột bia.

Năm 2002, căn cứ Cam Ranh của Hải quân Nga chấm dứt sự tồn tại, phía Nga đã bàn giao lại cho Việt Nam cơ sở này. Cột bia nằm trong khu vực sân bay dân sự Cam Ranh.

Cuối năm 2004, trước sự kiện đoàn tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương ghé thăm Việt Nam, một nhóm cán bộ của Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsopetro) gồm cả người Việt và người Nga (những người là cựu binh Nga từng phục vụ tại căn cứ Cam Ranh) đã có sáng kiến tu sửa lại cột bia.

Từ sau sự kiện này, cột bia được biết đến rộng rãi và được thăm viếng, tưởng niệm, hương khói nhiều, đặc biệt là vào các dịp  Cách mạng tháng Mười Nga (7-11) và Chiến thắng phát xít Đức (9-5). Cũng từ việc tu sửa trên mà ý tưởng về việc xây dựng mới một khu tưởng niệm ở Cam Ranh đã ra đời.

Khi đài tưởng niệm mới được xây dựng xong, cột bia kỷ niệm cũ được tháo gỡ đưa về lưu giữ vĩnh viễn trong Bảo tàng truyền thống của Hạm đội Thái Bình Dương ở thành phố Vladivostok.

…Đến tượng đài

Cam Ranh, lịch sử một tượng đài - kỳ 1 ảnh 2
Lãnh đạo Vietsopetro đặt bức thư gửi thế hệ mai sau vào thân tượng đài

Một ngày hè năm nay, trên một con tàu du lịch chạy trên biển Nha Trang, tôi đã được gặp ba nhân vật chủ chốt của dự án tượng đài Cam Ranh là ông Đặng Minh Hồng – Phó Bí thư Đảng ủy Vietsopetro, ông A. Chmyr – nguyên phó Chánh văn phòng Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro và nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng – tác giả của tượng đài.

Alexandr Vladimirovich Chmyr là một người đàn ông cao lớn, có bộ râu rất đẹp hơi giống kiểu nhà văn Chekhov. Ông nguyên là đại tá Hải quân Nga, từng phục vụ ở Cam Ranh. Sau khi về hưu, ông làm việc cho Vietsopetro. 

Ông còn là một trong những người chủ trương và xây dựng trang web Cựu binh Cam Ranh bằng tiếng Nga (địa chỉ www.camranh.ru) chuyên đưa các thông tin liên quan đến căn cứ Cam Ranh và những cựu binh từng phục vụ ở đó.

Còn Nguyễn Quốc Thắng (sinh năm 1949) là một nghệ sĩ Cách mạng nòi, quê Bình Dương, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, từng làm Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật  TP Hồ Chí Minh cho đến tháng 10-2009. Ông là tác giả của nhiều tượng đài mang tính sử thi hoành tráng dựng tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.  

Cả ông Chmyr và ông Thắng đều kiệm lời nên người chủ yếu nói cho chúng tôi nghe về chuyện xây dựng tượng đài là ông Hồng, một người từng tham gia các hoạt động hỗ trợ các đơn vị bạn và ta đóng ở Cam Ranh hồi còn làm Chánh Văn phòng Vietsopetro. 

Ông kể rằng sau khi Vietsopetro có sáng kiến xây dựng lại bia kỷ niệm thành tượng đài và đề nghị của Sứ quán Nga tại Hà Nội về việc hỗ trợ di chuyển bia ra khỏi khu vực Sân bay Cam Ranh được Bộ Ngoại giao ta và các cơ quan hữu quan ủng hộ, đầu năm 2006, ông bạn Chmyr rủ ông cùng tham gia nhóm công tác tới Nha Trang để tìm cách thực hiện việc di dời. 

Sau khi tới một số cơ quan để xin đất di chuyển bia kỷ niệm, họ gặp thuận lợi khi tiếp xúc với Giám đốc sân bay Cam Ranh Lương Văn Thảnh - người nói ngay quan điểm của mình ủng hộ việc di chuyển bia và cần xây lại cho nó có tầm cỡ.

Nhưng cấp ông Thảnh không giải quyết được chuyện xin đất  trong sân bay. Phải tiếp cận lãnh đạoCục Hàng không Việt Nam. Được Ban lãnh đạo Vietsovpetro đồng ý với ý tưởng xây mới tượng đài tưởng niệm, khoảng một tháng sau đó, nhóm công tác đã gặp được thiếu tướng Nguyễn Sâm - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Ông Sâm nhiệt thành ủng hộ và đồng ý bố trí đài tưởng niệm tại khu vực đã quy hoạch để xây dựng các công trình văn hóa của Cảng hàng không Cam Ranh.

Tháng 7 năm 2006, nhóm công tác về tượng đài gặp điêu khắc gia Nguyễn Quốc Thắng đề nghị ông tham gia sáng tác hình mẫu tượng đài. Tháng 5 năm 2007, Hội đồng hỗn hợp Nga - Việt chọn mẫu  đã quyết định lựa chọn 1 trong 6 phác thảo mà Nguyễn Quốc Thắng thực hiện trong gần một năm trời.

Phác thảo tượng đài gồm phần đài và phần tượng. Phần đài là mũi tàu với cột buồm thẳng đứng tượng trưng cho dải khói trắng của chiếc máy bay MIG-21 đang bay vút lên nâng hai lá cờ Việt Nam và Liên bang Nga. Phần tượng gồm 3 nhân vật: chiến sỹ hải quân Việt Nam, phi công Liên Xô/Nga và em bé nâng con chim hòa bình.

Tháng  10 năm 2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp giấy phép xây dựng tượng đài «Tưởng niệm những người Liên Xô/Nga và Việt Nam hy sinh tại bán đảo Cam Ranh vì hòa bình, ổn định khu vực» và đúng vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11) năm đó, lễ đặt viên đá đầu tiên cho công trình được tiến hành. 

Ngày 10-12-2009, gặp lại ông Hồng ở Cam Ranh khi tượng đài bằng đá granit nặng 760 tấn, cao 21 m vươn lồng lộng lên nền trời xanh ven biển Cam Ranh khánh thành, tôi chúc mừng Vietsopetpo và cả cá nhân ông đã làm xong một việc lớn, ông cười mà rằng có lẽ hồn thiêng của những người đã hy sinh ở Cam Ranh luôn thầm lặng phù hộ, giúp đỡ các ông trong suốt quá trình thực hiện dự án này.

Hai bên Tượng đài Cam Ranh có những tấm bia ghi danh 44 quân nhân Liên Xô/Nga và 176 cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hi sinh tại Cam Ranh và khu vực miền Trung vì hoà bình và ổn định khu vực. Đứng đầu danh sách bên phía Việt Nam là các liệt sĩ anh hùng lực lượng vũ trang đã hy sinh ngày 14-3-1988 khi bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại khu vực các bãi, đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (Trường Sa): Trung tá Trần Đức Thông, Trung úy Trần Văn Phương, Đại úy Vũ Phi Trừ…
MỚI - NÓNG