Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên - Kỳ 2

Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên - Kỳ 2
TP - Có thể nói, nhân vật được mô tả trong bản Thông báo số 8801-C của Rô-be Pê-rô-sơ, đúng là Phùng Chí Kiên. Nhưng hoàn toàn không có chuyện Sô - Nhi và đám thuộc hạ đã phát hiện ra tung tích, dấu vết của Phùng Chí Kiên để giăng bẫy.

>> Phần trước

Sau khi sát hại Phùng Chí Kiên, hơn ba tháng sau, mật thám Pháp cũng vẫn chưa xác định được “tên phiến loạn” là ai và đành phải có bản thông báo nêu trên. Vậy, vì sao Phùng Chí Kiên lại rơi vào ổ phục kích của địch?

Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên - Kỳ 2 ảnh 1
Mạnh Văn Liễu (Nguyễn Vỹ – Phùng Chí Kiên) trong hồ sơ của mật thám Pháp

Như đã biết, khoảng cuối tháng 6/1941, thực dân Pháp đã huy động trên 4000 quân đủ các binh chủng cùng với mạng lưới tay sai, phản động ở các địa phương mở cuộc càn quét lớn vào Bắc Sơn nhằm tiêu diệt lực lượng Cứu Quốc quân non trẻ của ta mới thành lập do Phùng Chí Kiên chỉ huy, đồng thời, truy sát Ban Lãnh đạo Trung ương Đảng.

Để bảo toàn lực lượng, Cứu Quốc quân đã chia làm hai nhóm rút khỏi vòng vây của địch. Nhóm thứ hai có bảy đồng chí gồm Phùng Chí Kiên, Lương Văn Chi, Mã Thành Kính, Bế Sơn Cương, cùng hai người tên là Lâm, Thành và một người dẫn đường là Hà Khai Lạc.

Thông qua hồi ức của người dẫn đường, chúng ta có thể phần nào hình dung được nguyên nhân và diễn biến cuộc chiến đấu hy sinh của Phùng Chí Kiên.

Cụ Hà Khai Lạc kể: “Sau mấy ngày len lỏi trong rừng, phải tránh các đường lớn, lội dọc theo nhiều con suối nhằm xóa dấu vết trên đường mòn, ngày 14/8/1941, chúng tôi đến Yên Hùng thuộc châu Bình Gia, Lạng Sơn, rồi đi qua Nà Pan, Sắc Sái thuộc Tư Lễ, châu Na Rì. Đến đây, chúng tôi phát hiện một tên mật thám cứ lẵng nhẵng theo sau. Nhận thấy tung tích có thể bị lộ vì tên chó săn đó, chúng tôi buộc lòng phải thanh toán hắn.

Sau đó, chúng tôi lại phải di chuyển ngoằn ngoèo vào rừng rậm, leo qua những đoạn đường rất hiểm trở để đánh lạc hướng săn lùng của bọn tay sai Pháp.

Ngày 16 và 17/8/1941, chúng tôi đến được Pò Kíp, xã Văn Học thuộc châu Na Rì. Đây là vùng khá quen thuộc vì tôi đã làm gạch ngói vài năm ở xã này. Hồi đó, tôi lấy tên là Tảo. Xã này có tên Chánh Thượng phản động, cần phải đề phòng.

Riêng tôi hồi đó còn rất ngây thơ và kém cảnh giác về chính trị nên cho rằng hồi còn làm thợ đóng gạch ở đây, tôi đã làm không công cho bọn chúng hàng vạn viên gạch, ngói, chắc chúng cũng phải nghĩ đến ơn xưa mà dành cho chúng tôi những sự dễ dàng.

Tôi đã tính lầm. Đến trạm gác Pò Kíp, chúng tôi chạm trán Chánh tổng Lương Thượng và năm tuần đinh. Tên Chánh Thượng ngăn chúng tôi lại, đòi xét hỏi giấy tờ. Lúc đầu nói dối là bọn tôi đi buôn lậu ở biên giới, đề nghị nó cho đi rồi sau này sẽ hậu tạ.

Chánh Thượng, mặt đỏ gay, vung ba -toong một vòng rồi quắc mắt quát: “Chúng mày có biết Thượng này làm gì ở đây không?”. Tôi gãi tai, vờ nịnh cho qua chuyện: “Dạ, đất này ai mà không biết tiếng cụ Chánh”.

Tên Thượng sừng sộ, nó hà cả hơi rượu vào mặt tôi: “Ở đâu cũng vậy, “Đất có thổ công, sông có hà bá”, sao chúng mày không đến trình tao trước? Tất cả đứng im cho tao khám thẻ và khám người xem có đồ quốc cấm không đã”.

Chúng tôi ôn tồn nói chuyện và khuyên chúng nên để chúng tôi đi. Chánh Thượng không nghe, nó chỉ ba -toong vào mặt tôi, giọng lè nhè: “Thằng Tảo kia, mày cũng đi với lũ ăn mày này à? Ông thì bắt trói cả lũ xem chúng mày có phải là buôn lậu không”. Nói xong, nó hô tuần đinh khám xét chúng tôi.

Đứng trước tình thế đó, anh Lâm đưa mắt dò hỏi anh Phùng Chí Kiên, còn tay thì luồn vào áo, rút ra khẩu súng ngắn. Anh Kiên gật đầu, thế là anh Lâm chĩa súng vào mặt Chánh Thượng và bóp cò. Tiếc thay, đạn không nổ! Tên Chánh Thượng hốt hoảng nhảy lùi về phía sau hai bước, nó quát tuần đinh “Cứ xông vào, súng giả đấy!”.

Ngay lúc đó, đồng chí Sơn Cương đã lia khẩu Pạc - khoọc khiến Chánh Thượng ngã khuỵu xuống. Bọn tuần đinh chạy rẽ ra hai bên. Anh Kiên hạ lệnh “Chúng ta đi thôi”.

Chúng tôi chạy vào rừng, rút sang lối Pò Mát. Tên Chánh Thượng tuy bị thương nhưng vẫn cay cú, hô tuần đinh đuổi theo chúng tôi. Bọn tuần đinh trù trừ, nhưng có hai tên xách súng kíp xông lên. Hai đứa bám rất sát chúng tôi. Cực chẳng đã, chúng tôi đành nổ súng trừng trị bọn chúng.

Tên Trương tuần Nông Văn Tạc bị thương ở cánh tay, còn tên tuần đinh Bế Văn Lô bị viên đạn của anh Mã Thành Tích kết liễu. Thế là bọn chúng đành bỏ dở cuộc săn đuổi.

Chúng tôi tạm dừng chân để hội ý. Ban đầu có một ý kiến nêu lên là rẽ qua đường Khuổi Lếch - Khuổi Cạn lên Nậm Chẳng (Lạng Sơn) rồi đi Pắc Bó Cao Bằng, nhưng lại có vài ý kiến đề nghị anh Kiên cho đi lối Ngân Sơn.

Anh em có một ý định hết sức táo bạo là phục kích ngang đường, chặn bắt một ô tô địch, phóng thẳng lên lối Cao Bằng. Đây là việc mà kẻ địch sẽ không thể ngờ tới. Ngồi ô tô vừa đỡ mệt, vừa đánh lạc hướng theo dõi của địch. Bọn tuần đinh, lính canh sẽ không dám ngăn bắt một ô tô đang chạy, vì không thể nào chúng đoán được ô tô đó có chúng tôi và người lái xe tải sẽ là anh Bế Sơn Cương.

Lúc đầu, anh Kiên trù trừ, cho kế ấy phiêu lưu, nhưng rồi chúng tôi mỗi người nói một câu, phân tích thêm là chỉ cần vượt mấy chặng nguy hiểm rồi lao xe xuống vực, sau đó lại đi bộ. Sau này, khi bọn địch phát hiện ra thì chúng ta đã cao bay xa chạy rồi. Cuối cùng, anh Kiên miễn cưỡng tán thành. Thế là chúng tôi đi về phía Ngân Sơn, định men theo đường cái lớn để chặn bắt ô tô.

Buổi chiều 20/8, chúng tôi đến nhà một người Dao ở khuất nẻo trong rừng thuộc xóm Khâu Long, châu Ngân Sơn, định nấu cơm ăn rồi lại tiếp tục đi. Chúng tôi không thể ngờ tên chủ nhà đã đi báo cho Chánh mục Bằng, tên Bằng báo tên Châu úy Bảo.

Cơm chưa chín đã có tin quân địch bao vây. Ai nấy vội vã len rừng đi về Khau Pàn, định vượt đường phụ số 3. Lúc này khoảng 4 giờ chiều, bao vây chúng tôi là quân lính của bọn khét tiếng vùng này gồm Châu úy Bảo, Châu Đoàn Phát, Quản Lợi và Đội Quận.

Bọn chúng dàn hàng ngang để lùng tìm. Khi phát hiện ra chúng tôi, bọn địch nổ súng. Chúng tôi nằm rạp xuống cỏ, tìm mô đất trong gốc cây để nổ súng bắn trả.

Hai anh Phùng Chí Kiên và Lương Văn Chi (xứ ủy viên) đều bị thương. Chúng tôi vừa bắn vừa lùi nhưng quân địch lố nhố ở khắp nơi, trên đỉnh núi và ở ngay dưới khe suối. Mặt anh Kiên đầy máu. Anh bị một vết thương khá nặng ở đầu. Đôi lúc anh không còn bò đi được nữa.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn nghe được tiếng anh Kiên hạ lệnh “Tập trung súng bắn một loạt rồi mở đường máu chạy đi!”. Tôi ôm lấy vai anh Kiên cố dìu anh đi nhưng anh gạt tay ra và dặn nhỏ: “Phải chạy ngay, thoát một người là có lợi cho cách mạng, dùng dằng ở đây thì chết hết. Về Cao Bằng nhớ báo cáo lại với cấp trên. Tôi sẽ ở lại bắn chặn để các đồng chí thoát”.

Thời gian lúc này cấp bách quá. Đạn của địch cứ chiu chíu ở phía trên đầu. Có viên cắm phập xuống bụi cỏ trước mặt chúng tôi. Tôi xông lại cố kéo anh Kiên đi. Một toán lính rời chỗ nấp, khom lưng lao đến định bắt sống chúng tôi.

Anh Kiên quát lên: “Các đồng chí phải rút ngay”. Nói xong, anh quay phắt người về phía bọn địch đương chạy tới và nổ súng. Tôi đành chạy, vừa chạy vừa ngoái lại, còn thấy tay anh Kiên vẫn chĩa súng về phía địch nhưng đầu anh đã ngả sang một bên.

Nhờ loạt đạn của anh Kiên, chúng tôi thoát khỏi vòng vây giặc. Trời đã xế chiều, lại có cơn mưa lớn ập tới, bọn địch mất phương hướng truy lùng. Thấy đã thoát khỏi vòng vây, chúng tôi lặng lẽ tìm nhau và rất hoảng sợ vì ngoài anh Phùng Chí Kiên, còn anh Lương Văn Chi cũng không thấy đâu.

Sau này, chúng tôi mới được đồng bào trong vùng kể lại là đồng chí Chi bị thương ở cánh tay, máu ra nhiều quá, anh đuối sức và ngã xuống một hồ làm vàng rồi không leo lên được. Anh bị địch bắt và chết ở nhà giam Cao Bằng.

Về anh Phùng Chí Kiên, sau khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, anh bị địch bắt được. Bọn địch reo hò là bắt được giặc cỏ cộng sản.

Anh Kiên đã tập trung tất cả sức lực còn lại để nói với binh lính (đây là lời quần chúng kể lại), đại ý: “Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp đuổi Nhật chứ không phải giặc cướp. Chúng ta là người Việt Nam, cần đoàn kết nhau lại, chống quân thù...”.

Bọn Bảo, Phát rất sợ những lời chính nghĩa đó ảnh hưởng đến bọn tay chân, chúng đánh anh Kiên đến chết và, sau đó, theo lệnh quan thầy Pháp, cho chặt đầu anh đem bêu ở đầu cầu Ngân Sơn”.

Trên đây là hồi ức của cụ Hà Khải Lạc - người trực tiếp dẫn đường cho đoàn cán bộ của Cứu Quốc quân, vượt vòng vây giặc.

Riêng về ngày hy sinh của đồng chí Kiên, trước đây có một số tài liệu ghi là 21/8/1941. Gần đây, dựa trên một số tài liệu mới khai thác được, có ý kiến cho rằng, Phùng Chí Kiên bị bắn trọng thương vào khoảng 18 giờ ngày 22/8/1941 và hy sinh ngay sau đó; trước khi tắt thở, đồng chí có nói mấy câu nhưng địch nghe không rõ, không có chuyện đồng chí “ bình tĩnh giải thích làm xiêu lòng một số lính dõng”;

Việc bao vây truy kích, bắn chết Phùng Chí Kiên là do đích thân tên Công sứ Bắc Cạn điều động và chỉ huy các lực lượng trấn áp ở địa phương chứ không phải do bọn châu tuần phục kích, bắn chết. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nêu khá chi tiết cụ thể về sự hy sinh của Phùng Chí Kiên như sau:

“...Bị trọng thương, nằm lại trong rừng, đồng chí Kiên bị địch tra tấn dã man rồi khiêng về đồn Bằng Đức (thuộc châu Ngân Sơn) báo lên Cao Bằng để lĩnh thưởng (Châu Ngân Sơn lúc ấy thuộc tỉnh Cao Bằng). Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bọn địch khi ấy treo thưởng cho thủ cấp của Nguyễn Ái Quốc là năm tạ muối, của Phùng Chí Kiên là ba tạ muối.

Giám binh Đờ Pông Tích đang ở đồn Bắc Cạn, lệnh cho đồn trưởng và Tri châu Ngân Sơn, báo động lính khố xanh, bít các ngả đường đi biên giới, hòng bắt nốt số Cứu Quốc Quân còn lại.

Tên Châu úy Vi Văn Bảo (về sau bị đền tội) bắt đồng chí Kiên nằm quằn quại qua đêm ngoài trời mưa giữa sân đồn, tiếp tục tra tấn cho đến khi đồng chí trút hơi thở cuối cùng vào sáng 21/8/1941 giữa lúc trời mưa to. Rồi chúng chặt đầu đem bêu ở cầu Ngân Sơn, nhằm khủng bố tinh thần quần chúng”.

Dẫu còn đôi chỗ chưa thống nhất về ngày hy sinh và một vài tình tiết khác, song sự hy sinh anh dũng của Phùng Chí Kiên là có thật, cũng như việc Phùng Chí Kiên là vị chỉ huy quân sự, vị tướng đầu tiên là có thật. Vậy, vì sao cho mãi tới năm 2002, nhà cách mạng – chiến sỹ này vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ?

Còn nữa

MỚI - NÓNG