Ông Đinh La Thăng: Đòi vỉa hè phải quyết liệt nhưng nhân văn

Ông Đinh La Thăng: Đòi vỉa hè phải quyết liệt nhưng nhân văn
TP - Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, trong quá trình lập lại trật tự lòng lề đường, cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ, xử lý đúng quy trình, quy định của pháp luật và dù quyết liệt nhưng phải nhân văn, thấu tình đạt lý, cùng với siết chặt kỷ cương là sắp xếp công ăn việc làm cho người dân.

Ngày 11/3, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trong thời gian tới.

Quan trọng là có kết quả

Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, TPHCM có gần 2.300 tuyến đường có vỉa hè. Qua kiểm tra trước và sau Tết Đinh Dậu, hầu hết các quận, huyện đều nỗ lực giải quyết. Tình trạng buôn bán, đỗ xe, giữ xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã giảm. Nhiều quận, huyện kiểm tra, xử lý thường xuyên. 

Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận, việc giải quyết trật tự lòng lề đường, vỉa hè tại nhiều nơi như “bắt cóc bỏ dĩa”, sau khi kiểm tra, xử lý, tình trạng tái lấn chiếm lại tiếp diễn.

 Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết đã thành lập nhiều tổ công tác vận động các hộ kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè, tháo dỡ công trình vi phạm. Vỉa hè được kẻ vạch, cho phép người dân xếp xe máy bên trong vạch sơn. 

Một số khu vực người dân tự nguyện tháo dỡ. “Có 49 tuyến đường chuyển biến tốt nhưng tình hình lấn chiếm còn xảy ra. Trên địa bàn quận 1 có 94 vỉa hè bị tái lấn chiếm”, ông Thuận nói. Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết đã cho thu thập số điện thoại các hộ kinh doanh mặt tiền để nhắn tin nhắc nhở, vận động.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: “Nãy giờ các quận, huyện báo cáo đều quyết liệt cả nhưng quan trọng là phải có kết quả, chứ quyết liệt mà sau đó vỉa hè tiếp tục bầy hầy là không được”, ông Phong nói.

Phải thấu tình đạt lý

Phó Ban An toàn giao thông Nguyễn Ngọc Tường nhận định: “Phải có người chống lưng mới như vậy. Nội bộ mình chắc chắn có vấn đề”. 

Ông Đinh La Thăng nói ngay: “Hồi sáng, anh Tư Phong (Chủ tịch Nguyễn Thành Phong) mới cho tôi xem tin nhắn của người dân báo hằng tháng đều có nộp tiền cho phường để được sử dụng vỉa hè. Nếu không nộp thì làm sao bày ra như vậy được. Cán bộ đảng viên phải gương mẫu chấp hành, không chống lưng, bảo kê, không thu tiền”. 

“Tôi đề nghị UBND TPHCM phải công khai, minh bạch thành phố có bao nhiêu chỗ đậu xe, mức thu tiền như thế nào. Có phường tận dụng chỗ này, chỗ kia cho đỗ xe thu tiền, nhưng không nộp ngân sách. Làm như vậy là không được”, ông Thăng nói.

“Tôi cam kết trong quý 1 sẽ trả lại sự thông thoáng cho các tuyến đường, nếu không làm được, cuối năm nay, tôi xin nhường công việc này cho người khác” 

Bà Trương Thị Minh Tín - Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM Tô Thị Bích Châu nói người dân đồng tình với chủ trương lập lại trật tự vỉa hè, nhưng phương pháp và cách làm của quận 1 vừa qua tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. Thực tế, đây là nơi mưu sinh, nguồn sống của nhiều người dân, gia đình. Khi giải quyết vấn đề này, TPHCM cần có lộ trình cụ thể, có biện pháp chuyển đổi, tạo công ăn việc làm mới hoặc chỗ buôn bán mới cho người dân. 

“Khi chúng ta làm thấu tình đạt lý thì người vi phạm sẽ đồng thuận… Không ai phản đối hay nói việc lập lại trật tự vỉa hè là không đúng. Ở đây cũng nên thấy vì cuộc sống mưu sinh, không ít người già, phụ nữ và cả trẻ em phải bưng gánh bán hàng rong hằng ngày, buộc phải rơi vào cảnh lấn chiếm vỉa hè. Đây là vấn đề mang tính xã hội mà trách nhiệm của Nhà nước là phải quan tâm giải quyết vì đằng sau mỗi gánh hàng rong là cả một gia đình”, bà Châu nói.

Ông Trần Thế Thuận cho biết, quận 1 đã lập danh sách gần 500 hộ nghèo, buôn bán hàng rong và đã sắp xếp nơi kinh doanh ổn định cho 71 hộ, sắp tới tiếp tục bố trí các hộ còn lại. UBND phường Đa Kao (quận 1) hỗ trợ các hộ kinh doanh hàng rong học nghề, vay vốn chuyển đổi mô hình.

 Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói rằng, công tác lập lại trật tự lòng lề đường đã có chỉ thị của Trung ương và Nghị quyết của Chính phủ; Thủ tướng đã biểu dương Hà Nội, TPHCM, đem lại niềm tin cho người dân. 

Tuy nhiên, ông Thăng lưu ý quá trình thực hiện cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả, đúng quy trình, quy định pháp luật. 

“Quyết liệt nhưng phải nhân văn, thấu tình đạt lý. Người dân ngoài mưu sinh cũng đóng góp cho thành phố. Phải biết kết hợp giữa siết chặt kỷ cương với đảm bảo an sinh xã hội, sắp xếp, tạo công ăn việc làm cho người dân”, ông Thăng nêu rõ.

MỚI - NÓNG