Nữ Chủ tịch Quốc hội: Con người mới, phong cách mới

Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ trước Quốc hội. Ảnh: Như Ý.
Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ trước Quốc hội. Ảnh: Như Ý.
TP - Đây là lần đầu tiên Quốc hội có nữ Chủ tịch và cũng là lần đầu tiên theo Hiến pháp 2013, nghi thức tuyên thệ nhậm chức được thực hiện. Các đại biểu và cử tri hy vọng vào một con người mới, một phong cách mới sẽ mang lại thay đổi tích cực trong Quốc hội.

Ngày 31/3, với trên 90% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Đây là lần đầu tiên Quốc hội có nữ Chủ tịch và cũng là lần đầu tiên theo Hiến pháp 2013, nghi thức tuyên thệ nhậm chức được thực hiện. Các đại biểu và cử tri hy vọng vào một con người mới, một phong cách mới sẽ mang lại thay đổi tích cực trong Quốc hội.

Trước Quốc hội, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt tay vào bản Hiến pháp và thực hiện nghi thức tuyên thệ trong không khí trang nghiêm. “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ.

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Luôn khắc ghi lời tuyên thệ trước Quốc hội, để thực hiện đầy đủ, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội theo luật định, phát huy truyền thống tốt đẹp của những người đi trước, tôi sẽ cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về nghi thức tuyên thệ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho biết, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội quy định, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân  là người đầu tiên tuyên thệ theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Về cách thức thực hiện, ông Thông cho hay, Hiến pháp và pháp luật chưa quy định “cứng”. Do đó, cách thức thực hiện là linh động, tùy thuộc vào cá nhân người thực hiện. Dù vậy, ông Thông khẳng định, cách thức tuyên thệ mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thực hiện là rất trang nghiêm, nội dung ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc. Tuy nhiên, theo ông Thông, thời gian tới có lẽ cũng cần phải nghiên cứu để có những quy định mang tính nguyên tắc về cách thức thực hiện.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, cho biết thêm, theo quy định các chức danh lãnh đạo chủ chốt có 3 phút để tuyên thệ. Việc tuyên thệ có một điểm chung là tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp. Còn lời thứ hai liên quan đến chức năng nhiệm vụ của mỗi người, ở vị trí khác nhau thì lời tuyên thệ cũng khác. “Đã tuyên thệ, đã hứa nghĩa là sẽ phải thực hiện lời hứa đó. Tôi cho rằng đây, cũng là quy định rất tốt. Tuy nhiên, vì đây là lần đầu tiên thực hiện nên cũng cần nghiên cứu hoàn thiện thêm”, ông Phúc nói.

Nữ Chủ tịch Quốc hội: Con người mới, phong cách mới ảnh 1

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tặng hoa cho tân Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Như Ý.

Động lực để đại biểu nữ vươn lên

Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, nói rằng, ở Việt Nam không có sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong hoạt động chính trị. “Khi tân Chủ tịch Quốc hội thực hiện nghi thức tuyên thệ, những đại biểu nữ, trong đó có tôi cảm thấy rất tự hào, tự tin. Điều đó cũng tạo động lực cho các đại biểu nữ nói riêng và nữ giới toàn quốc nói chung thêm tự tin, phấn đấu nhiều hơn”, bà Khá nói.

Bà Khá bày tỏ mong muốn, các cấp, ngành cơ quan làm công tác nhân sự tiếp tục phát huy sự bình đẳng giới trong việc đề cử, bổ nhiệm cán bộ. “Chỉ cần giao việc là nữ giới làm được. Tôi cũng mong muốn là tới đây trong bộ máy Nhà nước, bộ máy Chính phủ, Quốc hội ngày càng có nhiều lãnh đạo nữ”, bà Khá nói.

Tiểu sử Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

- Ngày sinh: 12/4/1954

- Quê quán: Xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre
- Ngày vào Đảng: 9/12/1981.

- Chuyên môn nghiệp vụ: Cử nhân chuyên ngành tài chính – ngân sách
nhà nước

- Học hàm, học vị: Thạc sĩ kinh tế

- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, X,XI,XII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.

- Trong quá trình công tác, bà trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở địa phương và Trung ương như: Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương,  Thứ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH, Phó Chủ tịch Quốc hội và ngày 31/3, được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.