Ngay tại Hà Nội có một làng đàn ông lấy cả chục bà vợ

Ngay tại Hà Nội có một làng đàn ông lấy cả chục bà vợ
Chuyện cứ tưởng như chỉ tồn tại vài thế kỷ trước hay những vùng sâu vùng xa lắm, nhưng ở ngay tại Vân Côn, một xã của huyện Hoài Đức, Hà Nội hầu như ai cũng coi là… bình thường.

Thời các cụ đã đành, cứ phải đôi ba vợ, mà ai cũng là “vợ chính thức” cả. Còn như thế hệ các bác cỡ 50-60 tuổi thì sơ sơ vài làng quanh đây cũng trên dưới chục ông được vợ cả gánh lễ đi hỏi vợ hai cho, chưa kể ra ngoài làm ăn, công tác đặt “chi nhánh” khắp nơi, có ông cả chục bà. Cánh trẻ bây giờ thì không có chuyện cưới hỏi đàng hoàng như thế nữa vì pháp luật không cho phép, nhưng lập “phòng nhì, phòng ba” kiểu “không báo cáo chính quyền” thì không phải là hiếm.

Đi hỏi vợ cho chồng

Ở Vân Côn có một thời lấy vợ lẽ như một cái “mốt”, ông có vợ hai, vợ ba thì tôi cũng phải có. Còn những người phụ nữ thì quan niệm người ta lấy vợ cho chồng được thì mình cũng làm được, mà không lấy, chồng đi với bà khác, không danh chính ngôn thuận cũng chả cấm được. Thế nên mới có chuyện lạ là đàn ông khi lấy vợ bé đều phải được sự đồng ý của vợ cả và phải… cưới hỏi đàng hoàng.

Ông Nguyễn T (thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn) năm nay xấp xỉ 70 tuổi, có 2 vợ và 7 người con. Tôi hỏi 2 người vợ ở cạnh nhau như vậy, có khi nào hai bà đánh ghen với nhau không, ông cười nói như một lẽ đương nhiên: Sao lại đánh ghen, mình lấy vợ hai nhưng vẫn trách nhiệm, không ruồng bỏ vợ cũ thì chẳng có lý do gì mà đánh ghen cả.

Rồi ông phân tích thêm: “Sai lầm của những người đàn ông là cứ bồ bịch xong về ruồng rẫy vợ con nên mới xảy ra chuyện cơm không lành, canh chẳng ngọt. Chứ như tôi, khi phải lòng bà hai này, tôi phải về thuyết phục bà cả mãi, rồi nhờ cả mẹ tôi thuyết phục thì bà ấy cũng nghe, rồi còn sắm lễ quẩy sang hỏi bà hai về. Giờ 4 đứa con bà cả và 3 đứa con bà hai, tôi đều trách nhiệm đầy đủ, không ai phàn nàn gì cả. Các cụ chả bảo: Dù chàng năm thiếp bảy thê/ Cũng không bỏ được nái sề này đâu... mà lại”.

Chuyện của ông T nghe tưởng cá biệt nhưng ở Vân Côn, đó lại là chuyện quá đỗi bình thường. Ông T khoát tay chỉ sang phía nhà hàng xóm cách đó không xa: Như gia đình ông S, cách đây hơn chục năm vợ cả cũng đi hỏi vợ hai cho ông ấy. Lúc xã viết giấy triệu tập ông S lên để hỏi về việc vi phạm “chế độ một vợ một chồng”, năm lần bảy lượt bà vợ cả đều lên xã thay chồng. Xã bảo: “Ơ hay, tôi gọi ông ấy chứ có gọi bà đâu” thì bà ấy cười: “Các bác cứ phạt cháu, cháu đi cưới vợ cho ông ấy chứ ông ấy có tự cưới đâu”. Thế là xã cũng bó tay.

Hay hai vợ chồng nhà chị T đã con cái đề huề, có nếp có tẻ. Ấy vậy mà ông chồng đi làm trên Thái Nguyên, bỗng một hôm rước một cô gái trên đó về, giới thiệu là vợ bé. Hôm sau, thấy chị T sang nói cười rổn rảng như chẳng có chuyện gì: “Thấy nó cứ khoe là xinh lắm, em tưởng thế nào hóa ra đen xấu hơn cả em. Tối em đuổi hai đứa vào buồng ngủ với nhau”. Điều lạ nữa là dù có vợ bé trên Thái Nguyên nhưng gia đình này vẫn sống với nhau hòa thuận bình thường, chị vợ hai cũng sinh được cho anh chồng 2 đứa con đều đã lớn và anh chồng thì vẫn đi đi lại lại giữa hai nơi.

Không chỉ những người phụ nữ chân lấm tay bùn mới chấp nhận đi hỏi vợ cho chồng, không ít người thậm chí làm cán bộ, cộng tác viên dân số cũng chấp nhận điều đó như một lẽ đương nhiên. Chị Phạm Thị N, giáo viên trường Mầm non Vân Côn là một ví dụ. Chị N lấy chồng sớm nhưng không may sau một lần sảy thai chị không đẻ được nữa. Hai vợ chồng yêu thương nhau, bàn nhau đi xin con nuôi nhưng tất cả 7 lần đều không thành.

Cho đến một hôm, anh chồng về thủ thỉ bảo chị sắm lễ sang hỏi cô gái làng bên về làm lẽ, vì cô ấy “trót có bầu” rồi. Không có con, được họ hàng nhà chồng động viên, thuyết phục, cuối cùng chị cũng chấp nhận sắm cau trầu sang hỏi vợ cho chồng và tổ chức đám cưới long trọng cho hợp lẽ.

Cưới xong, chị dựng thêm một ngôi nhà cho vợ lẽ của chồng. Rồi vợ lẽ sinh cho chồng chị 3 người con, 2 gái, 1 trai. Chị cũng xin được thêm một đứa con trai. Giờ chị ở với con nuôi và đứa con gái lớn, còn chị vợ hai thì ở với hai đứa nhỏ. Vậy mà đã mấy chục năm chung chồng như thế, nhưng chị N không một lời phàn nàn, chị nuôi nấng các con bà lẽ như con mình và chúng cũng coi chị như mẹ đẻ.

Hai chị em lấy chung một chồng

Ông giáo Trần L vốn là hiệu trưởng một trường trong xã đã nghỉ hưu lại nổi tiếng với thành tích “mía ngọt đánh cả cụm”. Lúc thanh niên, ông lấy vợ như bao người khác, rồi đẻ sòn sòn 8 người con đến nay đều đã thành đạt, ổn định. Ông có hai bà vợ, nhưng sẽ chẳng có gì phải bàn tán nếu hai bà vợ của ông không phải chị em ruột.

Chuyện là cô em vợ được ông L dìu dắt việc học hành, thi cử, rồi xin việc cho tại ngôi trường ông công tác, rồi nhanh chóng được ông cất nhắc lên vị trí phó hiệu trưởng. Không hiểu lửa gần rơm thế nào, anh rể với em vợ tình trong như đã, họ quan hệ với nhau từ bao giờ có trời mới biết. Chỉ biết là cô em vợ cũng xinh đẹp nhất nhì làng, bao nhiêu đám đến hỏi cô cũng không ưng ai.

Nhưng bỗng đến một ngày, cái bụng cô hiệu phó cứ lùm lùm lên khiến dân làng được phen bàn tán, cô hiệu phó mà lại chửa hoang. Thế là cấp tốc, thiệp cưới được gửi khắp nơi, đám cưới của cô cũng rình rang lắm, có chú rể đàng hoàng nhưng chẳng ai biết chú rể người ở đâu, gia cảnh thế nào. Lạ hơn nữa là sau đám cưới thì chú rể cũng biến mất, cô hiệu phó vẫn một mình sinh cậu con trai, rồi nuôi con khôn lớn. Nhưng càng lớn thì đứa bé càng giống anh rể như đúc, dân làng bắt đầu lờ mờ hiểu ra câu chuyện của ông giáo L và cô em vợ.

Mọi chuyện bắt đầu được công khai khi đứa con của hai người đến tuổi học hành, cần làm giấy tờ cho đàng hoàng. Ông hiệu trưởng khi đó cũng nghỉ hưu nên công khai họp họ hàng nhận con và đổi họ cho thằng bé, cô em dâu hiệu phó thì “mất chức” và chính thức làm “vợ bé” của anh rể với sự đồng tình của chính chị gái mình. Câu chuyện về ông hiệu trưởng bàn tán mãi cũng chán, xóm làng giờ đã quen, coi là chuyện bình thường, còn gia đình của ông bề ngoài vẫn hòa thuận như bao gia đình khác.

Lấy nhiều vợ, đẻ lắm con - chuyện bình thường

Ông Phạm Văn H (làng Vân Côn) có tới 4 người vợ chính thức, vợ nào cũng cưới hỏi hẳn hoi. Không biết tính tình ông H thế nào, có gia trưởng hay trăng hoa quá không nhưng cứ bà vợ nào ở với ông một thời gian cũng đều bỏ đi. Người vợ đầu có 1 con rồi bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Không níu kéo như những người đàn ông khác, vợ bỏ về thì ông H bỏ luôn bà vợ này và cưới bà hai là một cô “gái tân” ở ngay trong làng. Nhưng rồi bà vợ hai cũng bỏ lại hai đứa con cho ông đi lấy người khác. Sau khi lập gia đình cho các con xong, ông lại tìm bà ba, bà ba bỏ, ông lại lấy bà bốn.

Bà bốn nghe nói còn là một phụ nữ thành đạt ở tận trên Yên Bái, ông quen trong thời gian đi làm thuê ở trên ấy, dù đã có chồng con nhưng vẫn phải lòng và lấy ông H. Tuy đã 4 người vợ nhưng ông vẫn cưới xin đàng hoàng, đăng ký kết hôn đầy đủ, cứ rộn rã như trai tân lấy vợ vậy. Cưới xong thì hai vợ chồng cũng không ở hẳn với nhau mà mỗi người một nơi, có lúc ông lên Yên Bái thăm vợ, có khi vợ lại xuống Vân Côn ở với ông. Rồi bỗng nhiên một ngày đẹp trời, bà vợ bốn của ông lại quay về với chồng cũ, thế là ông H lại một lần nữa mất vợ. Nhưng việc bị vợ bỏ, với ông có lẽ cũng chả có gì quan trọng. Nghe nói ngoài bốn bà vợ chính thức, chả biết ông còn bao nhiêu bà nữa.

Cũng ở làng Vân Côn, ông B cũng nổi tiếng với thói trăng hoa. Ông B thì chẳng giàu có gì, lại suốt ngày rượu chè nhưng cũng có tới 2 bà vợ chính thức chỉ cách nhau 1 làng. Nhưng điều đáng nói là ông B làm xây dựng đi khắp các tỉnh miền Bắc, người dân cạnh nhà đã quá quen với việc thi thoảng lại có người phụ nữ đem con đến nhận bố, nhưng tất cả ông đều không nhận.

Lấy nhiều vợ thì tất nhiên đẻ nhiều con, vì vậy mà ở Vân Côn chả thiếu gì những gia đình có 5-7, thậm chí là 10 con. Một cái khó nữa là ở Vân Côn, tư tưởng trọng nam khinh nữ khá rõ rệt, kiểu gì thì kiểu cũng phải có thằng con trai nối dõi mới được. Vậy nên những bà vợ nào đẻ 4-5 đứa con mà toàn con gái là y rằng một là kiếm bà khác cho chồng để đẻ con trai, hai là làm ngơ để chồng đi kiếm vợ bé. Điều lạ là dù vợ hai vợ ba thật đấy, nhưng các bà cả không hề ghét bỏ mà nhiều bà ở với bà hai và con cái bà hai cứ hòa thuận như chị em, mẹ con vậy.

Ngược lại, ông nào không kiếm bà hai, bà ba thì vợ cũng phải đến khổ vì sự nghiệp… đẻ đái. Thế mới có chuyện có gia đình anh nọ mới 45 tuổi mà đã có tới… 7 người con, 6 gái, 1 trai. Cán bộ dân số đến tuyên truyền thì anh ta nói trắng phớ là kiểu gì cũng phải có đứa con trai. Cứ như vậy, năm nào Vân Côn cũng đứng đầu huyện, thành phố trong thành tích… sinh con thứ 3.

Lang thang ở Vân Côn, tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác chỉ xung quanh cái chuyện “phòng nhì”, phòng ba” của các ông chồng. Vân Côn giờ giàu có hơn thật, nhưng chả phải vì thế mà sinh ra cái thói trăng hoa ở đàn ông. Thực tế thì mấy năm trước Vân Côn cũng nghèo lắm, mới gần đây khi Đại lộ Thăng Long chạy qua, có tiền đền bù đất thì kinh tế mới khá lên nhiều.

Khi hỏi nguyên nhân tại sao đàn ông Vân Côn thích lấy nhiều vợ tôi không nhận được câu trả lời nào thỏa đáng. Người thì bảo do phụ nữ ở Vân Côn không biết ghen, nếu phải ở địa phương khác thì có mà mấy mụ vợ chả nhảy dựng lên nhưng ở Vân Côn thì các bà, các chị coi đó là việc bình thường. Có người lại bảo vì đàn ông Vân Côn khéo mồm, “sát gái”, tư tưởng lại phóng khoáng nên “cưa” gái dễ như thay áo. Nhưng đó chỉ là quan niệm và lối sống theo lệ làng của người dân. Còn chuyện năm thê bảy thiếp thời nay rõ ràng là hành vi mà pháp luật không cho phép.

Theo Linh Nhật
Theo An ninh thủ đô
MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.