Những chiếc cầu ván mỏng manh bắc từ bờ ghe lên bờ oằn mình theo nhịp chân của các trai, gái ì ạch khuân vác than lên bờ. Đa số là ghe chở than giao hàng, duy chỉ có một chiếc ghe nhỏ neo đậu lạc lõng ở đó.
Men theo bờ tường để đến chiếc ghe lạc lõng, tôi dừng lại. Vừa toan hỏi chuyện thì được chủ ghe là một ông già mời với giọng thờ ơ “anh xuống ghe chơi”.
Bước lần theo những bậc thang bằng cây tràm đóng tạm bợ. Tôi kéo chiếc ghe nhỏ vào bờ và bước lên. Sau vài câu chào hỏi thân mật, chúng tôi cởi mở trò chuyện.
Ông ta là Trịnh Văn Hồng 65 tuổi, đã 8 năm tạm trú dưới chiếc ghe nhỏ cùng vợ là Phùng Thị Mội 57 tuổi. Ông kể:
Cách đây mười năm (2004), tôi chuyên mua bán hàng bông, mua chuối nhà vườn lúc thì ở Lục Sĩ Thành, lúc thì ở Vĩnh Xuân ( Trà Ôn) chèo về Cần Thơ bán.
Đời thương hồ lênh đênh rày đây mai đó, làm kẻ hải hồ lang bạt. Trong một lần giao chuối cho chủ vựa, tôi đã gặp người đàn bà cũng ngược xuôi mua chuối bán như tôi. Thế rồi chúng tôi quen nhau, quê bà ở chợ Phong Thạnh, Cầu Kè, Trà Vinh, bà đã có 1 con.
Như định mệnh an bài. Chúng tôi cùng nhau chung sống, cùng nhau hành trình trên sông nước gian truân. Một xác ghe hư, mục bỏ lại, tôi và vợ tôi cùng nhau ở chung một ghe với trọng tải 2 tấn.
Ông Hồng Lấy ghe làm nhà
Thời gian, chúng tôi càng lớn tuổi, không còn sức lực chèo đi xa vả lại cũng không còn khuân vác nổi những buồng chuối nặng nề. Nên vợ chồng tôi neo ghe tại chợ Cái Khế, ngày ngày tôi đi bán vé số, vợ tôi đi xin ăn tối về sum họp.
Trước đây, ghe tôi đậu bến bên trong chợ, vì an ninh mấy ông bảo vệ không cho ở, nên chúng tôi dời về đây, nhưng cũng lắm bấp bênh, chưa biết lúc nào bị đuổi đi. Thật khổ.
Sổ lĩnh tiền Thương Binh
Câu chuyện trở nên thân mật, với giọng trầm buồn, ông kể : Quê tôi ở Lục Sĩ Thành, có vợ và 5 con. Hai vợ chồng hay cự cãi nhau nên chia tay.
Trước đây, tôi đi bộ đội thuộc Tiểu Đoàn Tây Đô 1, bị thương ngay đầu gối chân phải năm 1968 ( Mậu thân). Hiện là thương binh 3/4 . Mỗi tháng lãnh được gần 800000 đồng. Bị thương tật nên đi lại rất khó khăn
Ông Hồng , Bà Mội ở BV Ung Bướu Cần Thơ
Những tưởng cuộc sống bập bềnh trên sông nước mong qua ngày đoạn tháng, vậy mà chưa yên thân. Cách đây 2 tháng, bà Mội vợ ông phát bệnh, xuất huyết tử cung, hiện nay bà nằm ở bệnh viện khoa ung bướu Cần Thơ.
Vào hết 6 xị máu, tốn hơn 10 triệu đồng. Hoàn cảnh thật khó khăn, vợ tôi sống xin cơm từ thiện, còn tôi ngày đi bán vé số để dành tiền cho vợ vào hóa trị, chiều cũng ghé xin cơm từ thiện mà sống lây lất. Nghe đâu, bác sỉ bảo vợ tôi nằm viện đến ra tết để vào hóa trị, nên tết này chúng tôi không về quê mà ở lại nuôi bà.
Rời bên than khu thương mại Cái Khế, lên cầu Bình Thủy. Sát chân cầu chỉ một vài xuồng đậu chờ khách qua các cồn, bên cạnh có chiếc ghe mua bán phế liệu cũng nghỉ ở đó.
Chiều cuối đông, dưới chân cầu hơi nước bốc lên lành lạnh, vợ chồng chủ ghe mua bán phế liệu ngồi co ro trong khoan thuyền. Với nụ cười thân thiện chào hỏi, được chủ thuyền mời lên chơi.
Ông ta tên là Lê Văn Liêm 42 tuổi vợ là Lê Thị Thanh cùng tuổi quê ở xã Tân Bình, Huyện Bình Tân, Vĩnh Long. Hai người xuống ghe xuôi ngược mua bán cũng hai mươi năm rồi.
Tiếng thì mua bán phế liệu, nhưng gặp gì bán có lời thì họ đều lăn xả vào làm. Đến mùa cây gòn cho trái thì đặt cọc tiền, trái già thì leo hái đem qua chợ Bà bán. Đến mùa khoai lang dở củ thì họ mua khoai lang qua Đồng Tháp bán. Đời sống gian khổ nhưng họ rất vui:
Ông Lê Văn Liêm trên ghe mua ve chai của mình
Đạo nào vui cho bằng đạo đi buôn
Xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông.
Ngoài ra, trên anh ghe còn có hai bình thổi bong bóng bay, họ vừa mua phế liệu vừa bán bong bóng bay.
Anh Liêm với dáng vẻ phong trần của người sông nước anh cho biết: Vợ chồng chúng tôi sống trôi nổi đã thay qua 5 xác ghe, hiện có hai con, một trai một gái, lúc còn nhỏ đi theo ghe quá cực khổ, nhất là sợ chúng té sông, chưa kể những đêm khuya đau ốm... Nhờ có ông bà ngoại thương nên gởi lên bờ ngoại nuôi đi học.
Anh thở dài cho biết: Hai mươi năm ngược xuôi sông nước, chịu mưa chịu rét, nhưng do nhiều lý do trong cuộc sống, những người nghèo khổ như chúng tôi không thể tự kiếm cho mình miếng đất cất nhà để có một chỗ trú ngụ ấm áp, tiện nghi.
Hiện nay chiếc ghe đã hư chảy mà chưa có tiền đóng lườn, nửa đêm phải thức dậy tát nước ra. Đã vậy, vợ chồng tôi còn nợ củ chiếc ghe 3 triệu đồng chưa có tiền trả.
Trước đây, chúng ta đi xa để mua phế liệu như Cà Mau, Vĩnh Thuận, Miệt Thứ, Núi Sập… Bốn năm nay không đi xa nửa vì xăng dầu ăn hết tiền.
Năm nào cũng vậy, thường thì 27al – 28al vợ chồng chúng tôi về nhà cha mẹ vợ ăn Tết, để họp mặt đầy đủ anh chị em. Cuộc sống nghèo khổ, nên khi về ăn Tết chỉ mua một ít gạo, đóng cho mẹ vợ hai, ba trăm ngàn để chi xài trong mấy ngày tết.
Có năm, tết đến rồi mà không tiền về xứ, nhớ bàn thờ lạnh lẽo khói hương, nhớ cha mẹ anh em. Thường thì về quê ăn Tết mấy ngày lại quày quả lên đường mưu sinh, nuôi con ăn học, nhưng con cái học hành chẳng giỏi giang gì, mong sao biết đọc, biết viết rồi bươn chải mưu sinh.
Chị Thanh vợ anh Liêm ngồi gọt những củ sắn được người quen cho, chị cũng trò chuyện cùng tôi. Chị nói: Vợ chồng tôi đậu bến này trên 10 năm, mối lái mua bán quen rồi, họ thường đem hàng xuống bán. Có người cho củ cải, bó rau, con mắm…
Những đêm trăng gió mát, khách trên bờ xuống xuồng trà nước, nói chuyện đời, chuyện người tha phương cầu thực, ghe xuồng tụ lại nhiều thêm, vô cùng thú vị. Nhưng mấy năm nay, tụi xã hội đen, xì ke, ma túy thường chiếm lĩnh chân cầu, nên ban ngày chúng tôi đậu, gần tối là phải dời nơi khác an toàn hơn.
Chợ nỗi Ba Ngàn trên sông Cái Côn là điểm dời của chợ Nỗi Phụng Hiệp ( Hậu Giang) cách 3 cây số. Nơi đây là bến đậu của anh Nguyễn Văn Tân 50 tuổi, chân phải teo nhỏ và co rút lại, anh sống một mình trên chiếc ghe tam bản nhỏ. Sau khi mời anh uống cà phê, tôi được anh rũ xuống ghe chơi.
Anh kể: Năm tôi 24 tuổi, trên đường lang bạt mưu sinh với bản tính tự lập, thích lênh đênh sông nước, rày đây mai đó, khi vào đến Ngã Bảy, Hậu Giang, thấy kinh rạch chằng chịt, tôi dừng chân chọn nghề thợ lặn ve chai đồ mủ, thu gom phế liệu trôi nổi trên sông độ nhật qua ngày. Từ đó, tôi chứng kiến cảnh xuồng ghe thường đụng nhau trên sông, nào con trẻ chết đuối, người mất của cải….
Động mối từ tâm trước nỗi đau của khách thương hồ, cũng như có duyên nợ với nghề lặn vớt, tôi đã nói lên ý định mua xuồng với chủ trại xuồng và anh mua được chiếc ghe trả tiền góp hằng tháng.
Trên 25 năm trong nghề mưu sinh trên đáy nước, vớt được nhiều người và nhiều xác người, trong đó không dưới 10 em bé thoát chết mà chẳng đòi chút công lao, tiền bạc.
Ngoài ra, anh còn giúp bà con cô bác lấy lại biết bao nhiêu của cải bị chìm trên dòng sông ngã 7 Hậu Giang. Được bà con thường gọi anh với cái tên thân thương “ Tân què rái cá”
Ba năm sau, chiếc xuồng rã mục thì anh cũng đi lặn nhiều nơi như Sóc Trăng, Long Mỹ, Bạc Liêu, sông Cái Côn, Vị Thanh.
Cứu người, vớt xác nhiều nên được bà con tạo điều kiện giúp cho anh chiếc xuồng mới để tiếp tục hành nghề.
Cuộc sống trơ trọi một mình, chiếc ghe nhỏ trống hươ trống hoác là nhà trú mưa nắng, rày đây mai đó trên dòng sông, ai kêu gì lặn nấy, lặn không kể ngày đêm, thời tiết lạnh lẽo .
Cũng hơn 25 năm, anh ăn những cái Tết trơ trọi đơn lẻ, bà con giúp gì thì hưởng đó, anh chẳng có tiền bạc để về thăm quê.
Nhìn phương tiện trang bị hành nghề trên chiếc ghe nhỏ của anh, thật đơn sơ một máy honda 5,5 mã lực, cây neo, bình hơi và ống dây. Những lúc khó khăn đòi hỏi phải có đủ phương tiện thì anh phải đi mướn như dây buộc, thùng phuy…
Cuộc sống nghề hạ bạc không giàu có gì, có lúc ăn toàn mì gói, đời sống trên sông nước đã dạy cho anh bài học sinh tồn, khách thương hồ là bạn. Đời thợ lặn, suốt ngày ngâm mình dưới đáy nước, đôi mắt thường đỏ quạch, tai nạn rình rập theo từng bất trắc không ngờ.
Với mái tóc dài bồng bềnh lãng tử, nụ cười thật hiền, chìa bàn tay đầy vết cắt xước, Tân nói : Người ta lặn có “đôi”, có “đoàn” còn tui một thân một mình, cái chân như khúc mía đong đưa, chiếc nạng làm bạn cùng tôi từ tuổi thơ đến bây giờ, nắng hay mưa cũng mặc độc chiếc quần lồng.
Sống một mình, lấy cái tâm làm gốc, trước khi xuống nước không nghĩ chuyện tham lam, không tơ tưởng đến tiền bạc khổ chủ. Nhưng sợ nhất là những khi lặn xuống đáy nước, miệng ngậm sợi dây dưỡng khí nổi lên, ghe xuồng qua lại đông đúc không may giật lìa sợi dây khỏi bình oxy, chết sống như đường tơ kẻ tóc.
Câu chuyện trở nên thân mật, Tân kể: Có lần, một xác người trôi sông đã thối vữa, mặt mày biến dạng chẳng ai nhận ra. Chờ đêm đến, tôi vớt lên, mua manh chiếu bó lại, rồi mang ra nghĩa trang chôn cất đàng hoàng. Lần nhớ nhất trong cuộc đời vớt xác là vớt được em bé 7 tuổi của hai vợ chồng người buôn hàng bông ở Sóc Trăng.
Khi đứa con chìm xuống nước, người vợ cầu cứu la làng náo động cả khúc sông: “Ai cứu dùm con tôi, bao nhiêu tiền tôi cũng trả”. Tân què nhảy xuống, sau một hồi lặn mò đã vớt đưa được em bé lên bờ, vợ chồng ôm con khóc rồi cho máy nổ chạy luôn.
Thấy Tân lẻ loi, chạnh lòng tôi buột miệng: Chẳng lẽ anh sống một mình đến già sao?
Đâu có! Tôi cũng có vợ có con mà anh
Tôi không mấy tin, với giọng trầm buồn anh kể câu chuyện về cuộc đời mình:
- Cách đây hơn mười năm, lúc trời hừng sáng, người con gái bán hàng bông đến tìm tôi cho hay hai chiếc xuồng đụng nhau, xuồng lật, hàng hoá một số bị chìm, một số bị trôi, nhờ tôi đi vớt.
Nhìn người con gái mình đẫm ướt, tay chân run rẫy, đôi mắt cầu khẩn tôi liền chèo ghe theo vớt hàng cho cô gái. Từ đó, chúng tôi quen nhau, thời gian theo con nước bập bềnh, tình cảm chúng tôi càng xích lại gần nhau và mối tình trên sông nước cho ra đời đứa con gái, đến nay cũng được 10 tuổi, cháu ở với mẹ. Chuyện tình của tôi không được gia đình cô ta chấp nhận, biết thân phận mình, tôi sống đơn độc cho đến nay.
Hiện nay, bến sông ngã bảy đã giải tỏa, di dời đến Ba Ngàn sông Cái Côn. Anh Tân cũng theo dòng người xuôi ngược đến chợ nổi mới với nghề lặn vớt xác trôi sông