Liên quan đến vụ tiêm thuốc an thần vào gần 4.000 con heo trước khi giết mổ ở lò mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi, TPHCM mới bị cơ quan chức năng phát hiện, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, số heo này không chỉ bị tiêm thuốc một lần.
Theo ông Dũng, theo như thông báo trên bao bì của thuốc an thần thu được tại lò mổ, loại thuốc này được sản xuất ở Bỉ, sau khi tiêm vào heo 24h sẽ đào thải hết. Tuy nhiên, với số heo bị giữ lại ở lò mổ Xuyên Á, có số lượng heo đến 36h sau vẫn còn tồn dư chất an thần. Vì vậy, các thương lái đã tiêm một loại thuốc khác trên đường vận chuyển đến đây, sau khi nhập trại tiếp tục tiêm thuốc của Bỉ.
“Loại thuốc tiêm trên đường đi đến khi về trại giết mổ vẫn chưa phân hủy hết, họ tiếp tục tiêm thêm loại thuốc an thần này nữa. Nếu không phát hiện kịp thời, thịt heo ra thị trường , đến tay người dân thì rất nguy hiểm”, ông Dũng nói.
Các loại thuốc tiêm vào heo trước khi giết mổ
Do số lượng heo quá nhiều, công tác tiêu hủy không kịp nên phải đưa vào tủ cấp đông để đảm bảo công tác chống dịch. Trước khi đưa vào tủ cấp đông, toàn bộ tang vật đã bị niêm phong và có người canh gác. “Với một huyện chăn nuôi lớn có đến trên 8.000 con bò khai sữa và 6.000 con heo nái, nếu sơ sểnh, dịch bệnh lây lan ra ngoài thì cực kỳ nguy hiểm nên công tác tiêu hủy và trữ trong tủ cấp đông là hết sức chặt chẽ”.
Ông Dũng cho biết, trong thời gian từ 2015 đến tháng 3/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện đến 19 vụ tiêm thuốc an thần và bơm nước vào heo trước khi giết mổ. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó, đến nay lại phát hiện vụ việc lớn như thế này thì phải có biện pháp mạnh tay xử lý nếu không sẽ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Sử dụng thuốc an thần tiêm cho heo trước khi giết mổ là không được phép.
Hiện nay chưa có biện pháp để phân tích kiểm tra tồn dư của hoạt chất Acepromazine trong thịt heo. Thanh tra bộ cũng kiến nghị với Bộ NN&PTNN nhanh chóng thẩm định và chỉ định đấu thầu kiểm tra nước tiểu, thịt heo để kiểm tra thuốc an thần trên thị trường. Hiện nay không chỉ ở các lò mổ, còn thịt heo ở các nơi khác đưa vào thành phố nữa nên không có các biện pháp kiểm tra thuốc an thần trong thịt thì rất nguy hiểm.
Về số heo bị bệnh tại lò mổ Xuyên Á nhưng cán bộ thú y tại địa bàn không biết, việc truy tìm nguồn gốc lây bệnh là rất khó khăn. Bởi có thể heo ủ bệnh dài, khi nhốt chung với số lượng lớn mới lây bệnh. Hiện nay, cơ quan công an sẽ tiếp tục làm việc với 17 cán bộ thú y làm việc tại cơ sở Xuyên Á đồng thời tiếp tục trích xuất camera để xem có dấu hiệu thông đồng, tiếp tay không thì sẽ có biện pháp xử lý tiếp.
Ông Nguyễn Tiến Dũng tại buổi họp báo cung cấp thông tin về việc tiêm thuốc an thần vào heo
Ông Dũng cho hay, Bộ NN&PTNN đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh thành tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên môn nếu phát hiện có hành vi này thì tham mưu cho chủ tịch tỉnh quyết định tiêu hủy để tạo sức răn đe trong khi chờ sửa đổi nghị định.
“Bởi cũng như heo có salbutamol, trước đây cho nuôi để đào thải hết thì được giết thịt, trường hợp tái phạm mới bị tiêu hủy. Còn dựa trên tình hình hiện nay, chúng tôi sẽ đề nghị nếu phát hiện là buộc tiêu hủy hoặc tăng mức phạt nặng hơn. Xem lại các kẽ hở trong quản lý, điều hành quy trình, cái nào còn sơ hở để các thương lái lợi dụng thì phải siết chặt lại để quản lý tốt hơn”, ông Dũng nói.