Cụ thể, chiếc sà lan thứ nhất có tải trọng 3.800 tấn đã di chuyển từ công trường cầu Bình Khánh (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) qua cảng Lotus để vận chuyển cẩu nổi công suất 500 tấn (lớn nhất tại Việt Nam hiện nay).
Sà lan thứ hai 1.600 tấn đã có sẵn cẩu nổi công suất 150 tấn cùng lên đường đến cầu Ghềnh để kịp thời hỗ trợ khẩn cấp việc sửa chữa cây cầu này.
Mặc dù việc di chuyển 2 cẩu có ảnh hưởng đến tiến độ thi công trụ cầu Bình Khánh, nhưng chủ đầu tư VEC và Nhà thầu thi công đều có chung nhận thức gánh vác và chia sẻ trách nhiệm với ngành GTVT.
Như tin đã đưa trước đó, ngày 20/3, tàu kéo sà lan từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai khi đi qua cầu Ghềnh (phường Bửu Hòa, Đồng Nai) đã đâm gãy một móng cầu khiến 2 nhịp cầu sập xuống nước.
Sau sự cố cầu Ghềnh, giao thông thủy qua khu vực cầu bị phong tỏa tuyệt đối; Nhà ga Biên Hòa, Đồng Nai đông nghịt người. Hàng trăm hành khách về ga Sài Gòn bị kẹt lại, chờ được sắp xếp lên ôtô để về TP. Hồ Chí Minh. Và theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, mố cầu Ghềnh đã sập, việc sửa chữa phải mất rất nhiều thời gian.
Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai dùng đi chung cho cả đường bộ và đường sắt. Cầu Ghềnh bị sập khiến tất cả các chuyến tàu từ TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội và ngược lại qua tuyến đường này phải ngừng chạy để chờ khắc phục.