Đề xuất bơm keo trám khe nứt trụ cầu Vĩnh Tuy

Vị trí vết nứt ở trụ cầu Vĩnh Tuy. Anh: T.Đ
Vị trí vết nứt ở trụ cầu Vĩnh Tuy. Anh: T.Đ
TP - Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, trên thế giới, một vài cây cầu lớn cũng bị nứt, nhưng vẫn an toàn khai thác, vì vậy, việc xuất hiện các vết nứt tại trụ cầu Vĩnh Tuy không đáng lo ngại, có thể bơm keo để trám.

Ông Nguyễn Văn Nhậm, nguyên Tổ trưởng Tổ chuyên gia thuộc Hội đồng Nghiệm thu cầu Vĩnh Tuy, nói rằng, với tư cách là người trực tiếp tham gia quá trình thi công cầu, đánh giá vết nứt tại các trụ cầu, ông nhận định, cầu vẫn trong tình trạng an toàn và khai thác bình thường. 

Tuy nhiên, ông Nhậm cho rằng, cần tìm được chính xác nguyên nhân gây nứt để có biện pháp xử lý dứt điểm. Ngoài ra, cần phải xem xét vết nứt có tiếp tục phát triển, có gây hoen gỉ cốt thép bên trong hay không? “Không chỉ siêu âm trụ mà kể cả đục ra cũng cần phải làm. Còn trước mắt, phải bơm keo vào để hơi ẩm và nước không lọt vào trụ gây hoen gỉ cốt thép”, ông Nhậm đề xuất.

Theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Phó chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, qua đánh giá ban đầu của các bên, hiện tượng nứt của cầu Vĩnh Tuy không đáng lo, nhưng không được chủ quan mà phải thận trọng, tất cả vì sự an toàn của công trình. 

“Tôi đồng tình với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là cần thuê ngay đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá mức độ, tìm ra nguyên nhân chính xác và xử lý dứt điểm vết nứt. Từ đó, đưa ra kết luận sự cố có gây mất an toàn hay ảnh hưởng tới tuổi thọ của cầu hay không?”, ông Liên nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Bùi Xuân Cậy, Trưởng Bộ môn Đường bộ - Đại học GTVT Hà Nội, cho rằng, nếu chỉ là nứt do bị co ngót bê tông thì không có gì nguy hiểm, bởi không ảnh hưởng chất lượng công trình cũng như khả năng chịu lực, khả năng chống thấm.

“Đây là tình trạng xảy ra đối với hầu hết công trình có kết cấu bê tông khác. Để khắc phục, chỉ cần bơm keo phủ kín vết nứt để bảo vệ kết cấu, nhất là cốt thép ở bên trong”, ông Cậy nói. 

Tổng Cty Tư vấn Thiết kế GTVT (Tedi), đơn vị thiết kế và giám sát công trình cầu Vĩnh Tuy, cũng đề xuất bơm keo trám kín khe nứt, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của môi trường tới lớp cốt thép chịu lực, nhất là đối với vị trí chịu ảnh hưởng do mực nước thay đổi.

Trao đổi với PV, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết, theo đánh giá tại thời điểm này, nguyên nhân gây nứt trụ cầu không chỉ do co ngót bê tông mà còn nguyên nhân khác tác động đến. Vì vậy, cần phải chờ đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đưa ra kết luận cuối cùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, làm rõ và xử lý theo thẩm quyền sự việc xuất hiện vết nứt ở trụ cầu Vĩnh Tuy, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra thực tế vết nứt tại trụ cầu. Tại hiện trường, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói rằng, qua kiểm tra cũng như theo dõi, có thể khẳng định, cầu Vĩnh Tuy an toàn, người dân yên tâm về chất lượng cây cầu.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.