Tại buổi kiểm tra, ông Dũng chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra chất lượng tất cả các cầu trên địa bàn TP Hà Nội. Đối với cầu Vĩnh Tuy, cần có biện pháp xử lý vết nứt để người dân yên tâm khi lưu thông qua cầu; cần thiết phải cử đoàn chuyên gia đi nước ngoài để tìm hiểu về việc xử lý vết nứt.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, GĐ Sở GTVT Hà Nội cho rằng, qua kiểm tra cũng như theo dõi diễn biến của các vết nứt có thể khẳng định, cầu Vĩnh Tuy an toàn, người dân yên tâm về chất lượng cây cầu.
Đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Tả Ngạn thuộc UBND TP Hà Nội) cũng cho biết: Hiện tượng nứt trụ cầu không nằm trong vùng momen xoắn cao (có thể hiểu là trụ cầu ít bị xoắn, vặn), không có vết nứt ngang, chủ yếu là nứt dọc. Nứt dọc do lực nén lớn; tuy nhiên, đại diện Ban này cho rằng cầu vẫn hoạt động an toàn.
“Việc lưu thông trên cầu vẫn an toàn, tuổi thọ vẫn đạt 100 năm như quyết định phê duyệt dự án. Tuy nhiên, để đảm bảo tuổi thọ cần sớm trám các vết nứt để lõi sắt phía trong không bị gỉ sét, đặc biệt tại vị trí tiếp xúc với nước”.
Ông Phạm Hữu sơn,
Tổng giám đốc Tedi
Trước đó, trong văn bản gửi Sở GTVT, Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT (Tedi, đơn vị khảo sát, thiết kế và giám sát công trình cầu Vĩnh Tuy) cho biết, không chỉ xảy ra nứt ở trụ T22 như thông tin trước đây, các trụ T23, T24 cũng xuất hiện vết nứt nhưng chiều rộng nhỏ hơn. Các vết nứt này xuất hiện từ năm 2010; đến năm 2012, vết nứt không tiếp tục phát triển.
Về mức độ an toàn và tuổi thọ của cầu, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng GĐ Tedi tự tin khẳng định: Vị trí và đặc điểm của vết nứt ít ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của thân trụ trong điều kiện cốt thép ở vị trí vết nứt không bị hư hỏng.
“Việc lưu thông trên cầu vẫn an toàn, tuổi thọ vẫn đạt 100 năm như quyết định phê duyệt dự án. Tuy nhiên, để đảm bảo tuổi thọ cần sớm trám các vết nứt để lõi sắt phía trong không bị gỉ sét, đặc biệt tại vị trí tiếp xúc với nước” – ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, để đảm bảo khách quan, Tedi chủ động đề xuất mời một đơn vị đánh giá độc lập. Trước câu hỏi, vì sao các vết nứt xuất hiện từ năm 2010 nhưng các thông tin này lại bị che đậy? Ông Sơn cho biết, trách nhiệm này thuộc về cơ quan chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng cầu.
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng, thuộc nội thành Hà Nội do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư có chiều dài 3.777m, rộng hơn 19m, kết cấu bê tông cốt thép. Vết nứt đầu tiên được phát hiện nằm tại trụ T22, thuộc gói thầu số 12 do Tổng Cty Xây dựng Thăng Long thi công, đơn vị tư vấn giám sát là Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải (Bộ GTVT).