> Truyền cảm hứng cho người khuyết tật Việt Nam
> Chợ đen 'hét' giá vé xem Nick Vujicic 2 triệu đồng/cặp
Là những cuộc tranh cãi từ gia đình đến cơ quan, quán nhậu, vỉa hè. Là những cuộc bút chiến trên mạng, là sự tẩy chay nhau trên facebook, và cả trong cái nhìn “chính trị hoá” cực đoan của một số người.
Thật khó để nhớ hết những câu nói hay như danh ngôn của Nick. Cũng dễ hiểu, vì anh là diễn giả chuyên nghiệp tầm thế giới. Nhưng có câu này hình như anh dành riêng để nói với người Việt: “Trên hết, người Việt cần yêu thương và giúp đỡ người Việt”. Với tâm hồn nhạy cảm, có lẽ Nick đã kịp hiểu sâu sắc tâm thế của người Việt lúc này.
Nick sang Việt Nam đúng thời điểm nhạy cảm. Khó khăn kinh tế chồng chất, niềm tin vơi cạn, quan hệ xã hội biến chuyển tiêu cực, tâm thế con người phân rẽ. Hơn 6 triệu người khuyết tật ở khắp mọi nơi, đa phần đang ở dưới đáy cuộc sống, trong sự cô độc và bị kỳ thị.
Câu chuyện không dừng lại ở chân tay, thể xác hay ý chí vươn lên, mà còn được dư luận nâng lên nhiều pha, về sự “tàn tật của tâm hồn”, sự chia rẽ ý thức hệ, quan niệm về chính trị, xã hội, truyền thông, tiền bạc… Sự bất công đang diễn ra, không chỉ giữa hai bộ phận giàu-nghèo, giữa người bình thường với người khuyết tật, mà còn trong chính cộng đồng những người bất hạnh, khó nghèo.
Nick, sang Việt Nam lúc này, vừa như liều thuốc an thần, lại vừa là một cú hích. Khiến vết thương tinh thần của người Việt phải tự vỡ ra, để mỗi người tự nhìn rõ mình và nhìn rõ nhau hơn.
Cho dù sự hòa hợp chưa nói là dân tộc, mà ngay chính cùng một thế hệ, từng gia đình vẫn còn xa ngái, nhưng có những vết thương âm ỉ sẽ tự lành. Sẽ có thêm nhiều “Nick Việt Nam”, mà vốn do thờ ơ lãnh đạm nên người ta không “chịu” nhìn thấy hoặc trân trọng.
Cách đón tiếp đặc biệt và “sức nóng” của người Việt so với những quốc gia Nick đã đi qua đã khiến anh vô cùng sửng sốt. Thậm chí phần nào phản tác dụng, khi tạo ra sự “cách biệt” lớn giữa nhân vật được mời với những người đồng cảnh bản địa. Nhưng rồi rất có thể âm hưởng ấy cũng sẽ nguội lạnh rất nhanh. “Cái nước mình nó thế” chăng, ưa ồn ào, nhưng cũng mau “rã đám” ?
Ngày mai Nick về nhà. Người khuyết tật liệu có nhận được nhiều hơn sự quan tâm trợ giúp để bớt đi mặc cảm, khó khăn, ghẻ lạnh? Có bớt đi sự đố kị, nhỏ nhen, giằng xé, bức hại lẫn nhau giữa con người?
Điều này thì dù có ở hẳn Việt Nam làm tấm gương, chắc Nick cũng chẳng giúp gì được. Nên không phải ngẫu nhiên con người mà sự khôn ngoan, thông tuệ chiếm chỗ thay mọi phần thân thể ấy đã nhắc chúng ta, rằng sẽ chẳng thay đổi được gì nếu chính dân mình không thương yêu, chia sẻ và hoà giải với dân mình.