Ánh sáng từ những người đã khuất

Ánh sáng từ những người đã khuất
TP - Những ngày này, cũng như mọi con dân Việt, tâm tưởng tôi hướng về các hoạt động tri ân các thương binh, gia đình chính sách, và nhất là về các nghĩa trang liệt sĩ, những mảnh đất thiêng có lẽ có ở hầu hết các xã trên đất nước ta.

> Triệu ngọn nến tri ân
> Sôi nổi hoạt động tri ân

1. Tôi đã đi qua không biết bao nhiêu nghĩa trang như thế và đặt chân đến những nghĩa trang rất lớn ở Điện Biên, ở Nghệ An (Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào, nơi có 11 nghìn chiến sĩ yên nghỉ), ở Quảng Trị (Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, cũng có khoảng 11 nghìn ngôi mộ), Phú Quốc - Kiên Giang, Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk... Ở đâu, tôi cũng tìm thấy những bia mộ liên quan đến mình: hoặc người cùng xã, hoặc gợi nhớ những kỷ niệm hằn sâu.

Lần cùng các bạn học đến Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, trong tiếng khóc của cô bạn người Thái Nguyên bên cạnh mộ người họ hàng mà cô vừa bất chợt tìm thấy, tôi lần đến khu vực mộ liệt sĩ Thanh Hoá. Không thể kịp lên hương hết cho mộ từng cô bác, anh chị, chỉ cắm một bó lớn ở đầu ngọn gió vì riêng liệt sĩ Thanh Hoá thôi cũng đã quá nhiều.

Tôi sững lại trước mấy ngôi mộ đề tên các nữ TNXP người xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân. Trí nhớ vụt lên rất rõ cảnh tiễn các TNXP ở xã này vào khoảng cuối những năm 60 thế kỷ trước, khi tôi mới khoảng 5 - 6 tuổi.

Cơ quan của mẹ tôi lúc đó sơ tán đến xã. Trong số nữ TNXP ra đi hôm đó có con gái bà chủ nhà tôi trọ.

Chị rất tốt, hay bế, tắm rửa, cho tôi lưng bát cơm gạo mới thơm ngon. Có lẽ vì thế mà tôi cứ lưu mãi đến tận giờ hình ảnh chị và quang cảnh buổi tiễn chị và các bạn vào chiến trường.

chị lên những chiếc xe tải quân sự phủ bạt kê băng ghế gỗ. Hơn 40 năm mà tôi vẫn nhớ lời chú chỉ huy dặn: “Đường vào mặt trận rất nhiều xe đi lại, các em không được thò tay ra ngoài”.

Đã quá lâu, tôi không nhớ được tên chị nên trong cái buổi trưa Trường Sơn nắng khét cháy ấy, bên cạnh mấy nấm mộ nữ TNXP giữa bạt ngàn bia liệt sĩ, tôi đứng cúi đầu nghẹn ngào: “Chị ơi, em mong là chị còn sống, nhưng không biết người nằm dưới nấm đất này có phải là chị không?”.

Lần đến Hang Tám Cô ở Quảng Bình, tôi lặng nhìn danh sách 8 liệt sĩ đều là đồng hương Hoằng Hoá, Thanh Hoá với tôi trong đó có hai người cùng xã quê nội Hoằng Thịnh, cùng họ Lê: Lê Thị Mai (1952 - 1972) và Lê Thị Lương (1953 - 1972).

Và mỗi năm đôi lần, tôi về Nghĩa trang Liệt sĩ Hàm Rồng, Thanh Hóa để thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ yên nghỉ nơi đây, trong đó có em họ mẹ tôi, LS Nguyễn Hoà và bác ruột vợ, thượng úy Phạm Tùng Lâm - người sĩ quan hải quân trẻ tuổi hi sinh tại Quảng Ninh năm 1965 ở một trong những trận đánh đầu tiên chống giặc trời Mỹ.

Tôi đã đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ, luôn để ý xem có tình cờ tìm được mộ của người anh họ Lê Xuân Lơi không. Chưa thấy, nhưng bắt gặp nơi yên nghỉ của nhiều người cùng xã quê nội, quê ngoại.

Tôi nghĩ mình hoàn toàn không phải là người đặc biệt. Nghĩa là rất nhiều người, mà có khi là hầu hết những người đến với những mảnh đất linh thiêng đó của Tổ quốc đều thấy, đều gặp hoặc người thân, người quen, hoặc những mối quan hệ sâu xa như thế.

Mới thấy, mới cảm nhận sâu sắc hơn quy mô những mất mát mà dân tộc phải chịu đựng, tầm cỡ của những gì đã đạt được và giá trị của cuộc sống thanh bình ngày hôm nay.

2. Năm 1990, tôi bắt đầu làm báo chuyên nghiệp. Vào dịp 27-7 năm đó, toà soạn nhận được một bức ảnh cộng tác viên chụp các nữ sinh áo dài trắng đang dọp dẹp và thắp hương trên hàng mộ các liệt sĩ.

Tôi đã nắn nót viết lời chú thích cho bức ảnh: “Không ai bị lãng quên, không gì bị lãng quên”.

Đó là câu thơ của nữ thi sĩ Nga Ônga Becgôn được khắc trên bức tường tưởng niệm tại nghĩa trang khổng lồ ở Saint Peterbourg (TP Leningrad cũ), nơi yên nghỉ của 600 nghìn người dân và chiến sĩ của cố đô Nga đã ngã xuống để bảo vệ thành phố trong chiến tranh chống phát xít Đức.

Đã thành chuyện thường nhưng vẫn cứ xúc động khi thấy những hoạt động đền ơn đáp nghĩa được tiến hành thường xuyên và mỗi dịp 27-7 lại đạt cao trào.

Xúc động bởi Đoàn, Hội, thanh thiếu niên luôn đi đầu trong những hoạt động như thế, bởi rõ ràng là khi mà thế hệ trẻ làm những việc đó thì chắc chắn lịch sử bi tráng của dân tộc và những anh hùng, liệt sĩ của đất nước sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Những đốm đầu các nén hương đang đỏ lên trên các đền đài và mộ liệt sĩ, ánh sáng của vạn vạn cây nến lung linh trong các nghĩa trang.

Đó là thứ ánh sáng tri ân của người sống hôm nay rọi về quá khứ. Cũng là ánh sáng soi đường cho chúng ta từ lịch sử, từ ông cha, từ những người đã khuất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG