> Lại cấm mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi
“Thí sinh không được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh và thiết bị mà người sử dụng có thể nghe được âm thanh,
xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ hoặc có thể truyền thông tin ra ngoài phòng thi”.
Nhưng kèm theo đó: “Thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.
Làm sao kiếm được ngay các thiết bị chuyên dụng như thế để “được mang vào phòng thi”? Thí sinh làm gì để có thể vừa làm bài vừa làm thám tử cùng một lúc?
Các giám thị có đủ chuyên môn để phân biệt ngay đâu là thứ được và không được phép mang vào phòng thi? Một văn bản cấp bộ vừa ban hành đã có hiệu lực ngay liệu có hợp pháp, có phù hợp với quy định ban hành các văn bản pháp luật chung của nhà nước?
2. Tuyển sinh đầu cấp không phải chuyện mới, thế mà năm nào cũng như canh hẹ. Năm nay cũng vậy dù không phải là năm bùng nổ số trẻ vào lớp một do các em sinh vào năm đẹp theo tử vi.
Tại Hà Nội, tình hình đã nóng từ trước 2-7, ngày các trường mầm non, tiểu học và trung học sơ sở (THCS) bắt đầu tuyển sinh theo quy định. Tại sao?
3. Xem ra các cuộc thi đầu cấp (đại học ở ta có người ví là giáo dục phổ thông cấp 4) vẫn là gánh nặng lớn cho xã hội, nhất là gánh nặng tinh thần.
Thi vào đại học, bỗng dưng Bộ Giáo dục&Đào tạo ngẫu hứng giải thích rõ thêm những thứ được và không được mang vào mặc dù quy chế cũ đã bao quát rồi.
Sửa gấp thế có phải chỉ vì sức ép của dư luận hay còn vì điều gì khác, vì sự thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận người có trách nhiệm? Đây đâu có phải lần đầu ở cơ quan quản lý giáo dục ban hành một quyết định khiến ai nấy ngã ngửa.
Thi vào đầu các cấp khác lại thấy rõ hơn trách nhiệm của tất cả các bên. Thang giá trị ở ta bao năm nay cổ súy cho bằng cấp. Hệ thống giáo dục qua bao lần cải cách vẫn lấy khoa cử làm đầu.
Chính quyền địa phương năm nào cũng ra rả ưu tiên cho giáo dục nhưng, thực tế, quỹ đất cho xây trường học bao giờ cũng đứng sau các dự án kinh doanh.
Bị bủa vây bởi trùng điệp các hàng rào ấy, các thế hệ phụ huynh vẫn quyết chí vì con để vì mình, không chịu thua kém hàng xóm. Càng ở cấp dưới, cuộc đua do phụ huynh tạo ra càng khốc liệt.
Thế mới có chuyện một số hiệu trưởng phải thay số điện thoại để né sức ép nhờ cậy.
Thế mới có chuyện có trường phải tổ chức bốc thăm khi phụ huynh nào cũng đều ở thế thượng phong. Và thế mới có chuyện cứ mỗi lần thi đầu cấp là cả làng lại nháo nhào, lại nín thở chờ… hậu quả.