Nan đề sự thật

Nan đề sự thật
TP - Vừa làm xong bài thi tốt nghiệp về thói dối trá, hai học sinh lớp 12 ở Bắc Giang, những người quay phim tố cáo tiêu cực ngay trong phòng thi có thể đối mặt với một thứ bi kịch - hệ quả trực tiếp của việc nói lên sự thật.

> Tiêu cực thi tốt nghiệp: 'Chủ yếu xử lý người lớn'

Trước mắt, hai học sinh trên đã được công an mời lên làm việc.

Dù có nhiều tiếng nói bảo vệ của những người có trách nhiệm cũng như đông đảo dư luận, nhưng với việc phạm quy do mang máy quay vào phòng thi, xét theo qui chế, rất có thể các em sẽ bị kỷ luật, nặng nhất là hủy kết quả thi.

Thực tế, hai em hiện đang chịu rất nhiều áp lực từ chính không ít thầy cô, bạn bè, bị nhiều đối tượng quá khích gây rối, xúc phạm, kể cả trên mạng.

Với áp lực xấu kể trên, cộng với mức án kỷ luật nặng nề nếu có, các em sẽ nghĩ gì về sự công tâm, công bằng của người lớn, của xã hội?

Nghĩ gì về sự dấn thân trong sáng mà với tuổi các em cũng đủ hiểu rằng làm như vậy chỉ nhằm góp phần làm trong sạch môi trường học hành, thi cử?

Nan đề của việc tố cáo giả dối, nói lên sự thật với cái giá phải trả đã thật rõ ràng. Không chỉ trong phạm vi của một hội đồng thi, mà nan đề ấy còn đang đánh đố toàn xã hội, trong mọi lĩnh vực.

Cần hay không cần những hành vi “tiêu cực có ích” để có bằng chứng giúp phanh phui ra những tham nhũng, tham ô hối lộ, trù dập chèn ép đang được che chắn kín bưng ở nhiều nơi, mà người dân thấp cổ bé miệng nhiều khi không thể “kêu tới trời”? Nếu cần, thì ở mức độ nào, phạm vi nào?

Cơ chế nào giúp phân xử những hành vi “tiêu cực có ích” ấy để bảo vệ người tố cáo, đảm bảo tính công bằng vì cái lợi lớn hơn cho xã hội?

Thực tế xã hội đang diễn ra không ít những phản ứng cực đoan của một bộ phận người dân với mục đích thu hút sự quan tâm xem xét của các cấp, các ngành và báo chí đối với vụ việc của mình. Như từng xảy ra ở Tiên Lãng, mới đây là Cần Thơ …

Công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng hiện đang rất cam go với kết quả không như mong đợi. Một trong những nguyên nhân là do quy trình thanh kiểm tra, điều tra đã trở nên “bất thường”.

Bất thường, bởi vì nó… bình thường đã quá lâu, vẫn theo những quy trình, quy định, quy chế quá cứng nhắc, cũ kỹ và quan liêu. Nếu không có bước đột phá, thì tâm thế xã hội vẫn gia tăng sự bất ổn, niềm tin không còn, mức độ nguy hại khó thể lường hết được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG