Ba cháu bé tử vong: Đình chỉ ngay chương trình phẫu thuật Nụ cười

“Chúng tôi làm việc thiện, để mang lại nụ cười cho các cháu, không ngờ có hậu quả đau xót như thế này”, BS Thanh Bình nói
“Chúng tôi làm việc thiện, để mang lại nụ cười cho các cháu, không ngờ có hậu quả đau xót như thế này”, BS Thanh Bình nói
TPO - Sau vụ 3 cháu bé tử vong khi phẫu thuật hở hàm ếch ở Khánh Hòa, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu đình chỉ ngay chương trình phẫu thuật Nụ cười của OSCA. Các đơn vị liên quan được yêu cầu phải có báo cáo ngay trong hôm nay về vụ việc.

Ngày 23/8, có ba cháu bé được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện Quân y 87 (BV87) sang Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa (BVKH) với ba cháu đều có tình trạng giống nhau, nghi là sốc phản vệ sau gây mê. Các cháu lần lượt qua đời trong 3 ngày 23/8/, 24/8 và 25/8.

Ba nụ cười chưa kịp nở

Bác sĩ Nguyến Tiến Dũng, Trưởng Phòng Hành chính – Tổng hợp BVKH cho biết, lúc 9 giờ 47 phút ngày 23/8, bé Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (sinh ngày 24/8/2013, ở thôn 1, Diên Phú, Diên Khánh, Khánh Hòa) được chuyển tới BVKH trong tình trạng ngưng tuần hoàn hô hấp, mạch chậm 53 lần/phút, thân nhiệt 36,5 độ C…

Một giờ sau, bé Pi Năng Tuấn Hữu (sinh ngày 30/4/2013, dân tộc Raglai, ở xã Khánh Bình, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) được chuyển tới BVKH trong tình trạng tương tự. Bệnh viện Khánh Hòa đã truyền dịch, đặt ống nội khí quản, cho Tuyết Vân và Tuấn Hữu thở máy…, đến 12 giờ ngày 23/8 hội chẩn toàn viện để tìm cách cứu hai bé với phương châm “còn nước còn tát”.

Nhưng đến 14 giờ 45 ngày 23/8, bé Tuyết Vân tử vong. Bé Tuấn Hữu mất lúc 10 giờ 5 phút ngày 25/8. Bé thứ ba được chuyển từ BV87 sang BVKH lúc 13 giờ 30 phút ngày 23/8 là bé Nguyễn Quang Minh (sinh ngày 21/6/2013, ở thôn Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa), trong tình trạng suy hô hấp sau phẫu thuật, hôn mê sâu, nhịp tim nhanh… Đến 14 giờ 20 phút ngày 24/8, bé không qua khỏi. 

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đã yêu cầu đình chỉ ngay chương trình phẫu thuật nụ cười của OSCA. 

Bé Tuyết Vân bị khe hở môi và hở vòm miệng (hàm ếch) bẩm sinh, được phẫu thuật tạo môi tại Bệnh viện trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh ngày 18/3/2014. Sau phẫu thuật, Tuyết Vân phát triển khỏe mạnh, đã đứng chựng và bắt đầu bập bẹ gọi ba, mẹ.
Do vậy, sáng ngày 23/8, khi Tuyết Vân được xếp số 1 trong danh sách phẫu thuật vá hàm ếch tại BV87, cha mẹ bé không mấy lo lắng. Ai ngờ, nỗi đau ập tới… Sáng ngày 25/8, gia đình Tuyết Vân đã đưa bé ra nghĩa trang. Còn gia đình bé Quang Minh không muốn gặp nhà báo, vì quá đau đớn trước mất mát. 

Ba cháu bé tử vong: Đình chỉ ngay chương trình phẫu thuật Nụ cười ảnh 1

“Tôi đưa con gái đi phẫu thuật để sau này nó có nụ cười xinh, ai ngờ cháu mất chưa đầy 1 tuổi” - Chị Tuyết Sương, mẹ bé Tuyết Vân

Cháu trước bị tai biến, vẫn gây mê cháu sau

Bà Đặng Thị Thu Hoài, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA, Hà Nội) cho biết, từ năm 2009 đến năm 2013, OSCA đã phối hợp với BV87 tổ chức thành công 2 chương trình phẫu thuật nụ cười.

Trong lần thứ 3 phối hợp với BV87, OSCA dự định phẫu thuật tái tạo nụ cười cho 56 em bị khe hở môi/vòm miệng, trong các ngày 23/8 và 24/8. OSCA chịu trách nhiệm hoàn toàn về quy trình chuyên môn và ê-kíp phẫu thuật, BV87 cho mượn phòng bệnh, trang thiết bị để phẫu thuật, cung cấp thuốc. Người phụ trách gây mê chính là Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Bình.

BV87 báo cáo, ngay trong ngày 23/8 đã niêm phong toàn bộ thuốc, dịch truyền dùng cho chương trình phẫu thuật nụ cuời, cả số đã sử dụng và số chưa sử dụng. Sáng 25/8, chúng tôi đã yêu cầu mở niêm phong để kiểm tra, thấy các loại thuốc đều có niên hạn sử dụng đến năm 2016, được cung cấp cho BV87 thông qua đấu thầu. Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã cho niêm phong lại. 

BS Lê Tấn Phùng 

BS Bình cho biết, bà có thâm niên hơn 35 năm trong lĩnh vực gây mê, ở Bệnh viện tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ), Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Hà Nội) và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Trong buổi sáng 23/8, hai cháu đầu tiên được BS Bình gây mê trước khi phẫu thuật vá hàm ếch là Tuyết Vân và Tuấn Hữu. Loại khí gây mê được dùng là Servofrane, loại thuốc gây mê được dùng là Fresfol.

Tại sao thấy hai bé có triệu chứng bất thường sau gây mê, OSCA không dừng phẫu thuật, mà vẫn tiếp tục? BS Bình nói, khi Tuyết Vân có triệu chứng trụy hô hấp, rối loạn nhịp tim, bà cho rằng trường hợp Tuyết Vân là ca sốc phản vệ sau gây mê cực kỳ hiếm hoi, khó có khả năng có ca thứ hai. Do vậy, sau khi bé Tuyết Vân được cấp cứu tại chỗ và tình trạng của bé khá hơn, BS Bình tiếp tục gây mê bé Tuấn Hữu.

Kể cả khi Tuấn Hữu có triệu chứng sốc phản vệ như Tuyết Vân, BS Bình và BS Phí Thị Hồng Lê (Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh) vẫn tiếp tục gây mê cho 9 bé nữa, sau đó 9 bé này đều đã được phẫu thuật, trong đó bé Quang Minh, được phẫu thuật tạo hình vành tai phải và vá hàm ếch. Sau phẫu thuật, sức khỏe Quang Minh vẫn bình thường, bé đã được đưa sang phòng hậu phẫu. Hơn 30 phút sau đó Quang Minh mới có dấu hiệu suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê…

Trong ngày 26/8 phải báo cáo

Theo Đại tá, BS Phạm Văn Tiện, Phó Giám đốc BV87, các thủ tục, quy trình tiến hành chương trình phẫu thuật nụ cười của OSCA đều đúng quy định. Trong số 9 cháu bé được phẫu thuật, có 8 cháu vẫn khỏe mạnh bình thường, đã được ra viện sáng 25/8… BS Lê Tấn Phùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, trước khi tiến hành chương trình phẫu thuật nụ cười tại BV87, OSCA trình đầy đủ hồ sơ của đơn vị và chứng chỉ hành nghề của các cá nhân tham gia chương trình. 

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Khánh Hòa đã làm việc với OSCA, BV87, BVKH, yêu cầu trong ngày 26/8 OSCA và BV87 phải có văn bản báo cáo về toàn bộ các nội dung liên quan. Sau khi xem xét báo cáo, đặc biệt xem xét về thuốc gây mê, quy trình gây mê, liều lượng gây mê, Sở Y tế mới có thể có ý kiến về nguyên nhân tử vong của các cháu.

"Công an Khánh Hòa đã niêm phong hiện trường phẫu thuật nụ cười ở Bệnh viện 87, niêm phong và thu giữ toàn bộ dụng cụ, thuốc men liên quan chương trình này, để phục vụ việc điều tra. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra lại toàn bộ những người tham gia phẫu thuật, chủ yếu là kiểm tra bằng cấp, trình độ chuyên môn của họ.

Việc thứ ba là khám nghiệm tử thi. Có thể gia đình các cháu không muốn việc này, nhưng đây là điều luật bắt buộc, cần phải làm để làm rõ nguyên nhân tử vong của các cháu. Kể cả các cháu đã được chôn cất thì chúng tôi cũng phải thuyết phục gia đình cho khám nghiệm tử thi".

Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh,
Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa 
MỚI - NÓNG