Nỗi buồn xóm… không chồng nơi biên giới

Nỗi buồn xóm… không chồng nơi biên giới
Rời quê theo tiếng gọi khai hoang mở đất, mấy mươi năm sau nhiều người đã quá lứa lỡ thì. Các chị sáp lại, dựa vào nhau để sống và hình thành nên một xóm có cái tên nghèn nghẹn, ngùi ngùi… xóm không chồng trên vùng biên giới tỉnh Gia Lai.

> Ăn Tết với người Hà Nhì ở ngã ba biên giới
> Xóm sợ Tết

Tuổi xuân bỏ lại nông trường

Những ngày cuối năm, chúng tôi về thôn 3, xã Ia Krai (huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai) để thăm “xóm không chồng”. Mở đầu câu chuyện, ông Nguyễn Xuân Bốn - Bí thư chi bộ 11 của thôn 3 thận trọng: Chúng tôi ở đây ai cũng hiểu nhưng không muốn lời ra tiếng vào khiến chị em tủi thân, nên không gọi đấy là xóm, mà gọi là cụm dân cư ở tổ 5!

Ông Bốn kể: Đầu những năm 1980, một số đơn vị quân đội trên địa bàn Tây Nguyên như các sư đoàn 331, 359… chuyển thành đơn vị kinh tế đa mục tiêu, lập nên các nông trường cà phê. Sau đó, tuyển hàng nghìn thanh niên từ Hải Dương, Bình-Trị-Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bây giờ) làm công nhân, trong đó có nhiều đội sản xuất toàn nữ độc thân. Hồi đó, ông Bốn là Chính trị viên Đại đội thuộc Trung đoàn 705, cũng tham gia khai hoang vỡ đất. Đến nay, nhiều thành viên của “đội độc thân” ngày ấy vẫn chưa chồng.

Vào cái ngõ sâu hun hút ở tổ dân cư 5, “xóm không chồng” hiện ra với những ngôi nhà nhỏ ọp ẹp nằm san sát, vài nhà còn mới màu vôi. Trong căn nhà “mái ấm tình thương” của chị Bóng (SN 1969), các bà quây quần bên nhau, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về thời thanh xuân trên nông trường. Đôi tay, gương mặt chị nào cũng hiện lên nét chai sạn, hốc hác, dãi dầu sương gió.

“Lúc đi, chúng tôi chỉ mới tuổi đôi mươi nên ai cũng háo hức, lao đầu vào việc. Vào đây rừng thiêng nước độc, hoang vu lắm, chỉ rừng với rừng, muỗi vắt dày đặc. Có đợt, tôi bị sốt rét rừng vàng da, rụng tóc. Mặc cuộc sống khó khăn trăm bề, ăn uống toàn rau dại, nhưng chị em đều đồng lòng vượt qua để đạt cho nhiều thành tích !”, chị Thảnh kể.

Vượt mọi gian khổ, các chị đã biến rừng rậm thành những nông trường bạt ngàn cà phê xanh tốt. Thời gian thấm thoát qua nhanh, nhiều chị mới giật mình nhận ra trên mỗi nụ cười, khóe mắt mình đã hằn đầy “dấu chân chim” mà vẫn chưa một lần biết đến chữ “yêu”, biết hơi ấm của đàn ông thế nào. Đêm về, từng mái tóc dài chụm vào nhau thút thít, tâm sự cho vơi bớt tủi hờn. Đội độc thân thưa dần, nhiều chị rồi cũng cố gắng tìm ra bến đỗ. Số còn lại, giấc mơ về một gia đình hạnh phúc ngày càng xa xăm!

Con đường về quê như mờ lối. Không ai thân thích, các chị lại tìm đến nhau vừa để tìm nơi nương tựa đồng cảnh ngộ, vừa tìm nguồn cảm thông nỗi hẩm hiu. Mỗi năm “cái tuổi cứ đuổi cái xuân” đi. Các chị đã bảo nhau phải dũng cảm vượt lên nỗi sợ hãi dư luận để “xin mụn con” khi tuổi xế chiều.

Xin con, tìm hạnh phúc!

Ao ước trở thành mẹ quá lớn lao, khiến các chị bỏ qua mọi rào cản, bất kể người đàn ông đến với mình gia cảnh thế nào, miễn họ chấp nhận và đồng ý thỏa thuận cho các chị “xin con”. Mọi tổn thương do những lời bông đùa, đàm tiếu rồi cũng chai thành sẹo, các chị mạnh mẽ kiên cường sống cho chính mình và đứa con thân yêu.

Mái ấm tình thương ở xóm không chồng
Mái ấm tình thương ở xóm không chồng.

Chia sẻ chuyện đời mình, chị Bóng nghẹn ngào: “Phụ nữ nào chẳng muốn có chồng, có con, có gia đình hạnh phúc, chỉ tại cái duyên số thế nên đành chịu thôi. Cuộc sống vất vả, buồn bã quá nên chị em tôi mới làm liều đi xin con để có được chút niềm vui, an ủi khi tuổi già. Tôi chẳng cần đòi hỏi hay ràng buộc gì với người đàn ông đến với tôi, chỉ cần người ta cho tôi đứa con. Đổi lại, tôi cũng không làm ảnh hưởng hay phá vỡ gia đình êm ấm của người cho tôi được làm mẹ”.

 Tôi chẳng cần đòi hỏi hay ràng buộc gì với người đàn ông đến với tôi, chỉ cần người ta cho tôi đứa con. Đổi lại, tôi cũng không làm ảnh hưởng hay phá vỡ gia đình êm ấm của người cho tôi được làm mẹ 

Chị Bóng tâm sự

Giờ 2 đứa con đã trở thành chỗ dựa tinh thần để chị Bóng vui sống. Theo bà Lê Thị Nhuần, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn 3: “ Ở tổ dân cư số 5, riêng 8 chị không chồng nay đã có đến 17 người con lẫn cháu, nhiều chị đã lên chức bà. Như chị Dựng (SN 1960) đã có 4 người con với 2 cháu ngoại, chị Thảnh (SN 1957) có 2 con, 2 cháu… Các cháu giờ cũng lớn khôn, biết đỡ đần công việc nặng nhọc trong gia đình và kiếm tiền về giúp mẹ. Xưa nay, các chị chưa từng để xảy ra chuyện điều tiếng hay ghen tuông gì ở địa phương!”.

Nhắc đến “những người đàn ông bí mật” của xóm không chồng, chị Thảnh dè dặt: Xưa nay chúng tôi sống rất hòa thuận, xin đứa con xong thì đường ai nấy đi không còn vướng bận. Tên của con được đặt theo họ bố, để sau này lũ con ra ngoài xã hội còn cảnh giác, cố tránh quan hệ huyết thống khi lỡ có tình cảm yêu đương. Đôi khi các con cũng tủi thân vì không có bố nhưng các con cũng hiểu cho hoàn cảnh của mẹ nên rất cảm thông và thương mẹ!

Hiu quạnh đồi C5

Từ năm 1993, do nông trường làm ăn thua lỗ và thay đổi phương thức quản lý trong canh tác cà phê nên các chị dần bị cho thôi việc. Không “mảnh đất cắm dùi”, các chị lên khoảnh đất trống trên đồi C5 dựng chòi tạm mấy chục mét vuông để che mưa che nắng, đi làm thuê, mót cà phê kiếm tiền nuôi con ăn học. Một mình gánh vác chuyện gia đình, nhìn căn nhà dột nát, các chị lại ước ao có bàn tay đàn ông để đỡ đần khi mưa gió.

Xóm không chồng ở đồi C5
Xóm không chồng ở đồi C5.

Nhớ lại tháng ngày kham khổ, chị Bóng nước mắt rưng rưng: Chúng tôi bị cho thôi việc vì già yếu, nông trường chỉ tuyển người trẻ vào làm mà quên đi công lao của chúng tôi. Mất việc, chị em chúng tôi cũng không được hưởng chế độ gì, nhiều lần đơn từ nhưng chỉ tốn công, mất sức!

Đồi C5 mỗi nhà mỗi cảnh, đều éo le. Chị Ngoan đã bước qua tuổi 58 phải lặn lội nuôi con; chị Bóng bị bệnh thần kinh tọa thêm đứa con đầu mắc chứng động kinh, cố làm mấy cũng vẫn nghèo kiệt. Ngày mẹ mất, chị Dựng chỉ biết gạt nước mắt khi không đủ tiền về quê. Do hoàn cảnh khó khăn, con các chị thường chỉ học đến lớp 3, lớp 4 là nghỉ, ở nhà giúp mẹ.

Anh Phạm Ngọc Tưởng, trưởng thôn 3 chia sẻ: “Hoàn cảnh của các chị rất khó khăn, hằng ngày phải đi làm thuê trong khi sức yếu lại có nhiều bệnh tật. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp đất cho các chị sản xuất nhưng do địa phương chưa có quỹ đất nên đến nay vẫn chưa giải quyết được”.

Chúng tôi rời xóm nhỏ trong cái nắng chiều tà, bạt ngàn cà phê xanh tốt xung quanh cũng không nhòa nổi ánh mắt các chị đượm buồn đau đáu nghĩ về một thời con gái!

Bà Nhuần – Hội Phụ nữ thôn nói: Khi địa phương có các chương trình xây nhà tình nghĩa, heo đất tiết kiệm, hũ gạo tình thương, chúng tôi đều ưu tiên hỗ trợ cho các chị. Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ huyện Ia Grai đã xây 3 nhà Đại đoàn kết và 1 nhà Tình thương tặng 4 hộ khó khăn nhất. Trong thôn, còn có cụm không chồng khác gồm 6 hộ ở tổ dân cư 7 vốn là công nhân của Công ty cao su 715 – thuộc Binh đoàn 15, đều thuộc diện hộ nghèo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những anh trai được cứu
Những anh trai được cứu
TPO - Bằng cách này hay cách khác, tất cả nghệ sĩ tham gia 2 show Anh trai đều được hưởng lợi. Có người được tận hưởng trở lại hào quang sau giai đoạn dài mất hút. Nhiều nghệ sĩ đã bứt lên phủ sóng mạng xã hội.