Nhà quê châu Âu

Nhà quê châu Âu
TP - Tới nước Đức và các nước EU khác nhiều lần tôi ngộ ra một điều: Không chỉ các thành phố cổ kính với lối kiến trúc gothic đẹp mê hồn mới làm nên vẻ đẹp châu Âu, mà chính những làng quê thanh bình, những cánh rừng xanh ngút ngàn đã làm nên điều khác biệt ở xứ sở này.

Theo thống kê mới đây của Liên minh châu Âu (EU), 56% dân số của 27 nước thành viên EU đang sống ở nông thôn, cái chốn mà chúng ta quen gọi là nhà quê ấy chiếm tới 91% lãnh thổ EU, tức chỉ chưa đầy chục phần trăm là chốn thị thành. Xin lưu ý để bạn đọc khỏi hiểu nhầm, 56% dân số sống ở nông thôn hoàn toàn không có nghĩa là chừng ấy là nông dân.

Nước Đức có khoảng 80 triệu dân nhưng chỉ có vẻn vẹn 380 ngàn nông dân mà thôi, tức chiếm chưa đầy 0,5% dân số, song lại làm ra một khối lượng hàng hóa trị giá tới 50 tỷ euro. Trong khi đó khu vực nông thôn ở Đức chiếm 80% lãnh thổ và có tới 40% dân số Đức sống ở khu vực này. Ngay một nước nhỏ 10 triệu dân mới vào EU như Hungary cũng có tới 45% dân số sống ở nông thôn.

 
Nhà quê châu Âu ảnh 1

Cánh đồng nước Đức sau vụ gặt

Hữu cơ lên ngôi

Từ thủ đô Berlin, chiếc xe chở đoàn nhà báo Việt Nam và châu Âu trong hành trình tìm hiểu về nông nghiệp của EU lao vun vút ra phía vùng ngoại ô. Hôm nay chúng tôi sẽ đi thăm hai trang trại, một theo phương pháp thông thường và một theo phương pháp hữu cơ (organic farm).

Ưu nhược của hai trang trại này ra sao sẽ do mỗi nhà báo tự đánh giá và cảm nhận, chỉ biết thực phẩm hữu cơ đang trở thành một trào lưu tại Đức và nhiều nước châu Âu khác. Canh tác theo phương pháp hữu cơ, có thể hiểu nôm na là làm nông sạch không dùng hóa chất, không gây hại tới đất đai, nguồn nước và môi trường.

Làm nông hữu cơ phải đảm bảo được một chu trình canh tác tự nhiên khép kín. Một phần sản phẩm của cây trồng sẽ được dùng làm thức ăn chăn nuôi, đến lượt chất thải của vật nuôi lại được dùng làm phân bón cho cây. Tất cả các trang trại và thực phẩm được gắn mác hữu cơ tại Đức cũng như các nước thành viên khác đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo của EU.

Ngẫm ra, ở cái xứ sở văn minh này đang có xu hướng tiêu dùng trở về thời... tiền sử, hay nói văn hoa hơn là gần gũi với tự nhiên môi trường. Thật trớ trêu, hình ảnh Hà Nội của một thời tàu điện leng keng, của xe đạp và sự bình yên thư thái... lại hiện ra ở Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan) cái xứ văn minh và phát triển nhất nhì thế giới. Còn cái mốt ăn uống đồ Bio (tiếng Đức là hữu cơ) đắt đỏ bên châu Âu, ông bà tổ tiên chúng ta thời trước dùng hàng ngày như cơm bữa.

Cái thời chưa hề có thuốc trừ sâu, phân bón hóa học hay tăng trưởng này nọ... các cụ chả nuôi trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ là gì? Hóa ra, phải chăng bao nhiêu cái sự văn minh, sau một chu kỳ của sự phát triển và tiến hóa, chính là lặp lại cái cũ nhưng ở một tầng nấc của nhận thức mới cao hơn mà thôi.

Nông dân trẻ Eric Zijlstra trong trang trại nuôi bò Tierzucht Heinersdorf theo phương pháp truyền thống ở ngoại ô Berlin
Nông dân trẻ Eric Zijlstra trong trang trại nuôi bò Tierzucht Heinersdorf theo phương pháp truyền thống ở ngoại ô Berlin.

Trang trại đầu tiên mà chúng tôi tới có tên Tierzucht Heinersdorf, nuôi 975 con bò sữa theo phương pháp bình thường tức không phải hữu cơ. Mùa đông băng giá, tuyết phủ trắng xóa khắp trang trại, trong thành phố Berlin âm 7 độ C, nơi ngoại ô vắng vẻ này đã tụt xuống âm 10 độ C.

Lũ bò được nuôi trong những ngôi nhà lợp tôn kín mít, bên trong có hệ thống sưởi và chiếu sáng hiện đại. Kế bên là khu nhà xưởng dành cho việc vắt sữa. Chủ trang trại Eric Zijlstra cho chúng tôi biết, dây chuyền vắt sữa tự động này có năng suất vắt 160 con bò mỗi giờ, trung bình mỗi con bò ở đây cho 30 kg sữa/ngày.

Sau khi bò được lùa vào đúng vị trí, hệ thống sẽ tự động vắt rồi lại tự động làm sạch chờ lần vắt sau. Chất lượng sữa của từng con bò được kiểm soát ngay qua hệ thống phân tích. Nếu sữa từ một con bò nào đó không đảm bảo dòng sữa sẽ được tách ngay khỏi hệ thống, không cho chảy vào bồn chứa.

Trang trại của anh Zijlstra sản xuất cả bò giống. Giá bê con là 300 euro/con, giá bò sữa trưởng thành vào khoảng 1.800 euro/con. Giá sữa mà trang trại anh bán buôn chỉ có 30 cent/kg, người tiêu dùng mua sữa tươi trong siêu thị ở Đức từ 40-50 cent/kg tùy loại, tương đương 11.000 đồng – 13.500 đồng/kg. Một mức giá sữa tươi quá rẻ so với ở Việt Nam, hiện người Việt phải mua ở siêu thị với giá khoảng 30.000 đồng/lít, đắt gấp hơn 2 lần ở Đức

Rời trang trại Tierzucht Heinersdorf, chúng tôi tới trang trại hữu cơ Jahansfelder Landhof cách đó chừng 1 giờ chạy xe. Khác hẳn với trang trại trước đó, dù trời lạnh tái tê tuyết trắng xóa đàn bò ở đây vẫn đang ở ngoài trời.

Ông chủ Frank Prochnow, phía sau là đàn bò chăn thả theo phương pháp hữu cơ đang lũ lượt về chuồng
Ông chủ Frank Prochnow, phía sau là đàn bò chăn thả theo phương pháp hữu cơ đang lũ lượt về chuồng. Ảnh: Việt Hùng

Chúng được ông chủ Frank Prochnow cho ăn cỏ và rơm khô hoàn toàn thiên nhiên. Đàn bò hàng trăm con to lừng lững, lông dày và mượt đang lũ lượt về chuồng. Gần đó là từng đống phân xanh, phân chuồng đã được ngâm ủ với rơm rạ, được xử lý kỹ hoàn toàn không có mùi hôi, chúng sẽ được dùng làm phân bón hữu cơ để làm giàu cho đất trồng cỏ nuôi bò và các loại rau củ khác vào mùa xuân tới.

Trang trại Jahansfelder Landhof được thành lập năm 1991 và là thành viên của Hiệp hội nông dân hữu cơ Đức, chuyên cung cấp nhiều loại thực phẩm hữu cơ cho các khách hàng ở Berlin và các khu vực lân cận. Hiện tại trang trại có 300 con bò, 200 con lợn và 60 con cừu.

Đàn bò chăn thả theo phương pháp hữu cơ tại trang trại Jahansfelder Landhof
Đàn bò chăn thả theo phương pháp hữu cơ tại trang trại Jahansfelder Landhof. Ảnh: Việt Hùng

Thực phẩm hữu cơ vừa sạch lại vừa ngon, có lợi cho sức khỏe, trong khi môi trường sinh thái được giữ gìn, đất đai không bị ô nhiễm, cằn cỗi. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp hữu cơ ở châu Âu có slogan “tốt cho thiên nhiên, tốt cho bạn” (Good for nature, good for you).

Hai bố con nông dân Hungary và 170 ha đất

Trang trại của ông Baglyas János nằm cách thủ đô Buadapest của Hungary khoảng 40km về hướng Đông, tại thị trấn nhỏ Dány có vẻn vẹn 4.400 dân. Tôi đến thăm gia đình ông giữa lúc mưa tuyết giăng mù mịt khắp đất trời.

Hai bố con nông dân Hungary, ông Baglyas János và con trai Baglyas Gellert. Ảnh: Việt Hùng
Hai bố con nông dân Hungary, ông Baglyas János và con trai Baglyas Gellert. Ảnh: Việt Hùng.

Xe của chúng tôi bám sát chiếc xe dẫn đường của Baglyas Gellert - con trai ông, đang làm nghiên cứu sinh ở một trường Đại học Nông nghiệp gần đó - mà chỉ nhìn thấy cái đèn hậu đỏ lờ mờ lẫn trong màn mưa lẫn sương mù đục quánh.

Thế mới biết, ở xứ Âu này mùa đông vô cùng khắc nghiệt, không những chả cấy hái gì được mà đi lại cũng rất khó khăn, thậm chí là nguy hiểm, chẳng hạn như lúc này tầm nhìn gần như bằng 0 mà đường thì trơn trượt vì tuyết rơi dày. Nông dân châu Âu coi như mất đứt mấy tháng mùa đông để đất trống.

Ngó vô cái xưởng nông cụ giữa lúc nông nhàn của bố con ông Baglyas thấy đầy đủ các loại máy móc hiện đại cho các công đoạn làm đất, gieo trồng hay thu hoạch. Anh con trai nhẩm tính họ đầu tư cho giàn máy móc này ngót 300 ngàn euro.

Chừng ấy tiền để cơ giới hóa, tự động hóa cho 170 ha đất trồng trọt của gia đình ông kể cũng bõ. Anh Gellert hạch toán rằng chỉ có 1,5 nhân công ở trang trại này, vì ngoài ông bố ra thì anh chỉ tính một nửa thôi bởi còn bận làm nghiên cứu sinh ở trường nữa.

170 ha của bố con ông Baglyas trồng chủ yếu là ngô, hướng dương lấy hạt, chỉ khoảng 10% là lúa mạch. Ông cho biết, tính trung bình mỗi ha đất mang lại lợi nhuận 60.000 forint (tương đương 270 USD) cho gia đình.

Như vậy với 170 ha đất canh tác, ông sẽ thu về ngót nghét năm chục ngàn đô la mỗi năm, tương đương cỡ 1 tỷ đồng. Thu nhập 1 tỷ đồng mỗi năm cho một người rưỡi, vị chi khoảng gần 55 triệu đồng/tháng/người.

Anh Gellert cho biết, trang trại gia đình anh còn áp dụng hệ thống đo hiện đại cho phép biết được cây trồng đang thiếu loại phân gì, đạm, lân hay kali... để bón cho đúng liều lượng. Thị trường nông nghiệp Hungary rất phát triển, không hề có chuyện được mùa mất giá hay nông dân bị ép giá như ở ta.

Ông Baglyas cho hay, có nhiều công ty đa quốc gia ở đây để ông lựa chọn đầu ra cho sản phẩm, thậm chí nếu chưa thấy được giá ông có thể bảo quản vào kho để bán vào thời điểm khác, lúc nào ông cũng có ít nhất 3 công ty lớn để lựa chọn. Ngô ông bán cho một công ty đa quốc gia làm xăng sinh học, hạt hướng dương cho một công ty đa quốc gia khác, còn lúa mạch ông bán trong nước.

Tôi hỏi ông Baglyas rằng, ông tự thấy cuộc sống đời nông dân của mình thế nào, có hài lòng và hạnh phúc không? Ông cười lớn rồi nói “cuộc sống của tôi tốt, ở mức trên trung bình rồi”.

Có thể ông hơi khiêm tốn chăng, bởi ông còn muốn trang trại này rộng lớn hơn nữa, muốn đời mình cho tới đời con, cháu... vẫn nối nghiệp ông. Ông còn đang có kế hoạch trồng cây óc chó, loại cây tới 50-60 năm sau mới cho thu hoạch.

Kế hoạch dài hơi là thế hẳn ông phải yêu mảnh đất này lắm, phải thấy hạnh phúc với nghề nông. Chợt chạnh lòng khi nghĩ đến nông dân quê mình, hàng vạn hộ đang phải bỏ ruộng, trả ruộng (42.785 hộ, theo báo cáo của BCĐ T.Ư sơ kết 5 năm thực hiện NQ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn) lên thành phố làm thuê vì không sống nổi với cây lúa, làm một sào ruộng tính ra chỉ có thu nhập 50-80.000 đồng/tháng, tương đương... 2 bát phở.

Cái thị trấn nhỏ của ông Baglyas có khoảng 1.100 gia đình làm nông, chủ yếu là trồng ngô, những gia đình có khoảng 200 ha đất trở lên có cả chục. Ngồi uống trà trong phòng khách đầy đủ tiện nghi của gia đình ông, ngó nhìn trang trại mênh mông đất phía sau nhà tôi thầm ước ao cho nông dân quê mình, bao giờ được như thế?

Trông người lại ngẫm đến ta, chốn nhà quê EU ở xứ người đang được họ ra sức gìn giữ, năm ngoái một ngân quỹ tới 57 tỷ euro đã chi cho khu vực này. Trong khi ở ta ruộng vườn đang ngày một bê tông hóa, không ít vùng nông thôn nửa tỉnh nửa quê, không còn trong lành nữa... Dường như xứ nhà quê ở ta đang đi ngược chiều với những gì đang diễn ra ở xứ người?

Ảnh: Việt Hùng
Những ngôi nhà truyền thống của nông dân miền Bắc nước Đức. Ảnh: Việt Hùng.

EU rất coi trọng phát triển nông nghiệp, bởi họ coi khu vực nông thôn chính là lá phổi, là nơi hấp dẫn để sinh sống, du lịch và giải trí. Khoảng một nửa đất đai EU được sử dụng làm nông nghiệp. Hằng năm, họ chi khoảng 40 tỷ euro để hỗ trợ tận tay người nông dân, ví dụ như ở Đức cứ mỗi ha ruộng người nông dân sẽ được nhận 300 euro/năm “tiền tươi thóc thật”, ở Hungary được khoảng 214 euro/ha/năm...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Toàn quân tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
Toàn quân tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
TPO - Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng xác định, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, toàn quân tăng tốc, bứt phá, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lực lượng CAND nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác đề ra
Lực lượng CAND nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác đề ra
TPO - Phát biểu khai mạc Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80 diễn ra sáng nay (26/12) tại Hà Nội, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Chính phủ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra.