Nhà trẻ không phép đóng cửa, các bé đi đâu?

Nhà trẻ không phép đóng cửa, các bé đi đâu?
TP -Chỉ thị của UBND TPHCM về việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non (có hiệu lực từ ngày 30/12) yêu cầu “kiên quyết đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện”. Nhiều gia đình lo lắng không biết gửi con ở đâu.

> Mẹ trẻ mầm non bị bạo hành nghỉ việc chăm con
> ‘Nước mắt tôi ứa ra khi thấy họ hành hạ các bé’

Dư chấn của vụ bạo hành trẻ em tại nhóm trẻ gia đình Phương Anh (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM) khiến nhiều cơ sở, nhóm trẻ gia đình, phụ huynh lo lắng.

Con sâu làm rầu nồi canh

Bà Hương, chủ nhóm trẻ gia đình (đường số 6, khu phố 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) nói rằng, ban đầu, bà nhận giữ mấy đứa cháu nội, ngoại để các con đi làm.

Thấy bà mát tay, nhiều gia đình công nhân thuê trọ gần đó sang năn nỉ, nhờ bà trông con giùm. Gần 14 năm qua, đã có hàng chục đứa trẻ trưởng thành, ngoan ngoãn, xem bà như người mẹ thứ hai khiến bà rất vui và gắn bó hơn với nghề giữ trẻ.

“Nhiều lần, tôi làm thủ tục xin cấp phép hoạt động theo yêu cầu của cán bộ phường, nhưng vướng hết cái này đến cái khác, nên đến nay vẫn chưa có giấy phép. Nghe phường nói sắp tới sẽ đóng cửa các nhóm trẻ không đủ điều kiện, tôi đã yêu cầu cha mẹ các cháu gửi đến hết tháng rồi tự lo, tôi chỉ giữ mấy đứa cháu trong nhà thôi. Già rồi, còn kinh doanh, làm ăn gì nữa mà xin giấy phép.

Thấy các cháu mến tay mến chân, tôi thương lắm, ngưng mà không đành. Chuyển đến nơi khác, các cháu có được chăm sóc tốt không? Làm nghề này, quan trọng nhất là tấm lòng của bảo mẫu”, bà Hương rơm rớm nước mắt.

Cách điểm giữ trẻ của bà Hương không xa là nhóm trẻ tư thục không phép A.B. Chủ nhóm trẻ nói rằng, đã làm hồ sơ hơn một năm nay, nhưng chưa được cấp phép hoạt động do vướng điều kiện mặt bằng. Lần này, phường kiên quyết nên nhóm trẻ A.B đã tháo bảng.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 24/12, không ít phụ huynh vẫn muốn gửi con tại cơ sở của bà Hương và A.B. Chị Nga, công nhân làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức), lo lắng: “Các cháu ở đây quen rồi. Người trông trẻ lại chu đáo, sạch sẽ. Nghe nhà trẻ sắp đóng cửa, vợ chồng tôi rất lo, không biết gửi cháu ở đâu để an tâm đi làm”.

Anh Hùng cũng làm việc ở Khu chế xuất Linh Trung rầu rĩ: “Gửi con ở trường mầm non công lập bất tiện lắm. Trường chỉ giữ cháu trong giờ hành chính, trong khi bố mẹ làm việc theo ca, gần Tết có lúc tăng ca cả thứ bảy, chủ nhật.

Địa phương lúng túng

Theo ông Lê Quốc Đạt, Phó chủ tịch UBND phường Linh Trung, phường hiện có 58 điểm giữ trẻ, trong đó có 7 nhóm trẻ có phép (5 nhóm có trên 6 trẻ) và 46 nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) không phép, đang chăm sóc 1 - 5 trẻ.

Ông Đạt băn khoăn: Nếu đóng cửa ngay tất cả các nhóm trẻ này thì sẽ gây khó khăn cho bố mẹ các cháu, bởi hầu hết đều là công nhân, có ít thời gian chăm sóc con cái.

Vừa qua, phường đã đề nghị các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ có phép trên địa bàn bố trí các cháu trong các NTGĐ vào học tạm thời. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là trẻ ở các NTGĐ tuổi rất nhỏ, thông thường 8-24 tháng, nên các trường, cơ sở có phép không nhận vì sĩ số mỗi lớp tăng quá cao so với quy định.

Bà Hoàng Thị Em, Phó chủ tịch UBND phường Linh Xuân, cho biết, phường hiện có khoảng 15 nhóm trẻ không phép và gần 20 NTGĐ tự phát. UBND phường đã vận động phụ huynh đưa con đến các trường tư thục có phép, trường mầm non công lập để gửi. Tuy nhiên, phường hiện có khoảng 60.000 dân, trong đó người nhập cư chiếm hơn một nửa và có xu hướng ngày càng tăng, nên các trường không kham nổi.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Nguyễn Thọ Truyền, quận này chưa bố trí được chỗ học cho 100 trẻ ở phường Linh Xuân, 415 trẻ ở phường Bình Chiểu, vì bố trí vào các trường, nhóm lớp được cấp phép sẽ khiến sĩ số ở những nơi này tăng hơn 45 trẻ/lớp, vượt quá quy định. Riêng với số trẻ trong độ tuổi 6-12 tháng, chỉ còn cách vận động phụ huynh tìm hiểu kỹ, chọn những nơi tin cậy, an toàn.

10.000 cộng tác viên dân số trẻ em ở đâu?

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em TPHCM (hiện đã giải thể) Hồ Tâm cho biết, thành phố có khoảng 10.000 cộng tác viên nhận trợ cấp hằng tháng làm công tác dân số và chăm sóc trẻ em tại từng tổ dân phố. Vụ việc vừa qua cho thấy lực lượng này ở một số nơi làm chưa tốt, thậm chí thiếu trách nhiệm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG