Ai chịu trách nhiệm vỡ bờ bao?

Ai chịu trách nhiệm vỡ bờ bao?
TP - Đó là băn khoăn của nhiều đại biểu (ĐB) trong phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM (khóa VIII) vào chiều 9/12.

> Vỡ bờ bao, nhà dân ngập nặng
> Bình Dương bất ngờ bị ngập sâu 3 m

Hơn 200 hộ dân bị chìm trong biển nước sau sự cố vỡ đê nghiêm trọng xảy ra tối 4/12 trên đường số 42 thuộc khu phố 8, P.Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). ảnh: Nguyễn Dũng
Hơn 200 hộ dân bị chìm trong biển nước sau sự cố vỡ đê nghiêm trọng xảy ra tối 4/12 trên đường số 42 thuộc khu phố 8, P.Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). ảnh: Nguyễn Dũng.

Trước đó, tại phiên khai mạc sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM Võ Thị Dung đề nghị UBND TPHCM kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân trong vụ để lọt 600 bánh heroin qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Càng chống, càng… ngập

ĐB Trần Quang Thắng bức xúc: Chương trình giảm ngập nước năm 2013 tuy xóa được 3 điểm nhưng lại làm xuất hiện 21 điểm ngập mới do nhà thầu chặn dòng thi công các dự án. Chống ngập không đạt được hiệu quả do thi công thiếu đồng bộ, chưa căn cơ.

Theo ĐB Trần Trọng Dũng, năm nào TPHCM cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng song bờ bao vỡ hàng loạt thì không thể chấp nhận. ĐB Võ Văn Sen đặt vấn đề: Trong đợt triều cường vừa qua, bờ bao rạch Làng (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) bị vỡ khiến hàng nghìn hộ dân bị ngập nặng là do đâu? Có phải địa phương làm không hết trách nhiệm hay cơ quan phòng chống lụt bão thiếu kiểm tra, đôn đốc, không gia cố các đoạn bờ bao xung yếu? Đề nghị các đơn vị liên quan giải trình, làm rõ trách nhiệm.

ĐB Nguyễn Tấn Tài đồng tình: TPHCM đã đổ rất nhiều tiền để đầu tư xây dựng đê bao, bờ bao chống ngập cấp bách, lâu dài. Hiệu quả của những công trình này đến đâu? Mỗi lần vỡ bờ bao, triều cường gây thiệt đơn, thiệt kép. Đồ đạc, tài sản, vật dụng hư hỏng, kinh doanh buôn bán ế ẩm. Thiệt hại này ai bù đắp cho người dân?

Theo ĐB Trần Văn Khuyên, cơ quan chức năng cần nâng cao khả năng dự báo. “Đừng đổ thừa cho biến đổi khí hậu, do mưa lớn quá, nước dâng cao quá nên vỡ bờ bao, ngập úng. Nếu dự báo tốt, ứng phó phù hợp thì sẽ hạn chế được thiệt hại cho người dân” - ông Khuyên khẳng định.

Truy quét tội phạm: đánh trống, bỏ dùi?

ĐB Trần Văn Khuyên nhận định: Tội phạm cướp giật ngày càng nhiều, táo tợn và liều lĩnh. Người dân ngày càng bất an, nhiều người ra đường không dám đeo nữ trang, mang tài sản quý phải cất kỹ trong người.

ĐB Võ Văn Sen lên tiếng: Cuối năm 2012, kỳ họp HĐND TPHCM đã từng “nóng” bởi tình trạng cướp giật gia tăng, tội phạm manh động, liều lĩnh, chặt tay người đi đường. Lúc ấy, lực lượng công an phối hợp cùng quân sự tổ chức nhiều đợt ra quân, trấn áp tội phạm. Nhờ vậy, tình hình tội phạm cướp giật đã giảm, vì sao đến nay tăng trở lại, đặc biệt là tội phạm ma túy, cướp giật, các băng nhóm xã hội đen?

ĐB Cao Thanh Bình nêu vấn đề: so với cùng kỳ năm 2012, tội phạm cướp giật tăng hơn 280 vụ, trộm cắp tăng hơn 200 vụ còn tội phạm ma túy tăng hơn 160 vụ, nhưng UBND TPHCM chưa làm rõ tình trạng tăng đột biến các loại tội phạm là do đâu và cần triển khai biện pháp gì để giải quyết. “Vụ lọt lưới 600 bánh heroin tại sân bay Tân Sơn Nhất, cử tri rất quan tâm. Đề nghị lãnh đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan” - ông Bình thẳng thắn.

Theo ĐB Nguyễn Văn Tươi, cần xem xét lại công tác kiểm soát ma túy không chỉ ở cửa khẩu sân bay mà cả những bộ phận khác. “600kg ma túy được đưa ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất đã vào Việt Nam bằng cách nào? Bao nhiêu tấn ma túy đang còn ở trong nước ta?”- ông Tươi đặt câu hỏi.

Ngân sách dư 10.000 tỷ, sao lại đi vay?

ĐB Lâm Thiếu Quân phân tích: Gói 30.000 tỷ đồng hiện cả nước mới giải ngân được khoảng 300 tỷ, trong đó TPHCM khoảng 31 tỷ. Việc khó tiếp cận gói tín dụng này dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hàng loạt các dự án bất động sản. ĐB Lâm Thiếu Quân đề nghị UBND TPHCM làm rõ: Vì sao mỗi năm, ngân sách thành phố kết dư 10.000 tỷ đồng. Số tiền này gửi Kho bạc nhà nước, lãi suất tiền gửi 0%. Thay vì sử dụng khoản tiền này chi cho đầu tư phát triển, UBND TPHCM lại “chơi sang”, chọn phương án huy động 3.000 tỷ đồng trái phiếu, phải trả lãi hàng năm.

Theo giải trình của giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan, về nguyên tắc, khoản kết dư ngân sách năm trước sẽ chi cho đầu tư phát triển năm kế tiếp. Tuy nhiên, do thủ tục thanh quyết toán kéo dài nên TPHCM không thể sử dụng. “Kiểm toán nhà nước vào kiểm tra, cũng từng có ý kiến như ĐB Quân. Chúng tôi đã trình bày rõ, chưa sử dụng được thì chúng tôi làm thủ tục tạm ứng. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã tạm ứng để mua quỹ nhà tái định cư và chi cho dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm”, bà Lan giải thích.

ĐB Lâm Đình Chiến, Chánh Thanh tra TPHCM đề nghị kiên quyết thu hồi mặt bằng nhà đất các đơn vị được giao nhưng sử dụng sai công năng. Ông Chiến cho biết vừa qua, UBND TPHCM giao mặt bằng tại một vị trí đắc địa cho bốn đơn vị thuộc trung ương để hợp tác sản xuất. Được giao, bốn đơn vị này lẳng lặng bán cho đơn vị khác với giá hơn 200 tỷ đồng rồi… rút.

* Sáng 9/12, HĐND tỉnh Gia Lai khai mạc kỳ họp thứ 6, khóa X. Tại kỳ họp, nhiều vấn đề “nóng” như: an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi; thủy điện xả lũ; sai sót trong việc chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su… sẽ được đưa ra bàn thảo.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 137 hồ chứa thủy lợi và thủy điện với dung tích hàng chục triệu m3. Về phòng chống lụt bão, chỉ có 25/38 công trình thủy điện lập Ban chỉ huy PCLB và chỉ có 12/38 đơn vị có trang bị phương tiện thông tin cảnh báo cho vùng hạ du. Lê Kiến

* Ngày 9/12, HĐND tỉnh Lạng Sơn khai mạc kỳ họp thứ 8, với nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi lên các báo cáo, giải trình về việc công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, có khoảng 28.000 lượt người (tăng 10.500 lượt so với năm trước), vượt biên sang nước bạn. Nguyên nhân do đời sống khó khăn, ruộng nương ít, thu nhập bấp bênh, nên mặc dù được cấp ủy, chính quyền giải thích song số lượng người bỏ quê đi “lao động chui” ngày càng nhiều, dẫn đến các hệ lụy đau lòng. Có tới 1.600 trường hợp bị phía Trung Quốc bắt giữ, phạt tiền, cưỡng bức lao động công ích, đẩy đuổi về nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG