> Dân thôn nghèo chết trẻ vì mưu sinh bằng miệng
> 'Làng ung thư', nhà máy và môi trường
Chết trẻ
Ông Nguyễn Ngọc Thuyên, trưởng thôn Tú Ngọc A dẫn tôi đi vòng quanh xóm. Cái lạnh chớm đông càng khiến cho xóm làng trở nên đìu hiu quạnh quẽ, những cánh đồng lênh láng nước bọc quanh làng. “Quanh năm bão lũ, nghề nông thất bát, nay lại thêm lo sợ bệnh tật nên kéo nhau đi làm ăn xa hết rồi”, ông Thuyên giải thích.
Mới cách đây hai năm, nhiều người trong làng mất vì bệnh ung thư. Ung thư vú, ung thư máu, ung thư tuyến tụy…, toàn những cái chết trẻ. Nhà anh Võ Đến (44 tuổi) nằm ở giữa làng. Vợ anh, chị Võ Thị Thường mất vừa tròn 1 năm vì ung thư máu. Nhà anh Đến thuộc hộ nghèo, nên khi thấy người mệt cũng không dám đi khám vì sợ tốn kém. Cho tới khi phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối thì đã không còn cơ hội. 6 tháng sau, chị Thường mất, khi mới 43 tuổi. “Cũng vì nghèo nên người dân hay chủ quan, tới khi bệnh nặng mới cuống quýt chạy chữa thì không kịp nữa rồi. Nhiều người còn mê tín, kêu thầy về cúng bái không xong mới chịu lên bệnh viện”, ông Thuyên lắc đầu. Ngay cả một cán bộ thôn mất cách đây 2 năm, bị ung thư phổi nhưng thay vì tìm đến bác sĩ lại mời thầy về để giải bệnh.
Ba năm rồi người dân Bình Tú mòn mỏi chờ nước sạch từ dự án. ảnh: H. Văn. |
Bấy lâu nay gia đình chị Võ Thị Thu Kiều chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh cho con trai đầu lòng mới 3 tuổi. Năm 2011, cháu Lê Minh Huy, con chị mắc chứng u thận nhưng sau đó phát hiện ung thư ở xương hàm. “Xưa giờ cả nhà có ai bị thế bao giờ, không biết có phải do ăn uống hay nguồn nước bẩn không”, bà Phan Thị Lời, bà ngoại của Huy rầu rĩ. Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Gái quạnh quẽ bởi vòng hoa, trướng liễn treo khắp nhà. Nhà vốn neo người, có hai mẹ con thì đứa con gái bỗng một ngày mắc bệnh ung thư vú rồi mất cách đây 4 tháng.
Ông Thuyên nhẩm tính: Mỗi năm có tới 5-6 trường hợp chết do ung thư, đó là chưa tính hiện tại có bao nhiêu trường hợp đang mắc mà chưa phát hiện ra. Ai cũng lo sợ. Nhiều người cho rằng do ô nhiễm nguồn nước. Người dân chủ yếu dùng nước giếng nhưng lại bị nhiễm phèn.
Ông Trịnh Văn A, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú, xác nhận: “Đúng là mấy năm nay trong xã nhiều người chết vì mắc bệnh ung thư. Nhưng do điều kiện, vẫn chưa thể có một chương trình nào cụ thể để điều tra, nghiên cứu về nguyên nhân của nó cả”.
Mỏi mòn chờ nước sạch
Năm 2009, xã Bình Tú tiếp nhận dự án nước sạch do tổ chức Đông Tây Hội ngộ tài trợ với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Theo đó, nhà tài trợ sẽ đầu tư xây hai bể nước ở Đông Bình Tú và Tây Bình Tú, cùng đường ống dẫn vào làng. Người dân vui mừng hì hục đào hố, lắp ống, rồi nộp tiền mua đồng hồ đo nước, ống dẫn về nhà… Thế nhưng hơn 3 năm trời, vẫn chưa có giọt nước nào.
Nhà ông Phan Tấn Khôi nằm ngay cạnh ruộng, giếng nước đào tới hai lần vẫn nhiễm phèn nên ngày nào cũng xách thùng đi xin nước. Khi có công trình nước sạch, ông khấp khởi mừng, đóng tiền đầy đủ, rồi góp công, để rồi thất vọng. “Đấy, ống thì chỏng chơ, đồng hồ cũng hoen gỉ cả rồi mà có thấy nước đâu”, ông bức xúc. Giờ, ông không thể tiếp tục bỏ ra 14 - 15 triệu để khoan giếng. Mỗi ngày nghe tin người chết, ông Khôi lại lạnh người, rồi cặm cụi đi xách nước.
Ông Nguyễn Đình Yên, Phó chủ tịch xã, lắc đầu: “Giờ hỏi đến dự án đó cũng không biết xử lý thế nào. Bấy lâu nay dân cũng hỏi nhiều rồi, còn nhà tài trợ họ vẫn còn nghiên cứu, có thể sẽ phải đầu tư đào giếng sâu hơn nữa mới hết phèn. Nhưng về thời gian cụ thể thì chưa thể chắc chắn”. |