Thống đốc NHNN: “Cứ có bão, cần cơ chế xử lý thiệt hại ngay”

Thống đốc NHNN: “Cứ có bão, cần cơ chế xử lý thiệt hại ngay”
TP - Toàn bộ hồ tôm và máy móc bị vùi lấp, thuyền cá bị đánh nát, tổng thiệt hại mà các ngân hàng bị “nướng” vào cơn bão số 10 và 11 ở Quảng Bình lên tới trên 6% tổng dư nợ.

> Xây dựng kém chất lượng, quy trách nhiệm cơ quan quản lý

Người dân có nguyện vọng tha thiết được khoanh nợ, xóa nợ. Ngày 30/11, tại Quảng Bình lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình cùng bàn cách tháo gỡ khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông báo: “Không chỉ lúa đang thu hoạch hỏng, mà 12 ngàn ha cây cao su thiệt hại, mới đây hoàn lưu của bão Hải Yến gây thiệt hại tiếp khoảng 600 tỷ. Về viện trợ các tổ chức trong ngoài nước tài trợ khoảng 70 tỷ. “Hiện 150 trường học bị hỏng nhưng tỉnh không có tiền chi cho sửa chữa”- ông Hoài nói.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiến nghị các ngân hàng thương mại nếu có thể thì nên thực hiện xóa nợ đối với các hộ nghèo, các DN, đặc biệt là DN ngư nghiệp.

Đại diện Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cũng cho hay: Quảng Bình là tỉnh nghèo, thiệt hại tới 5,8% dư nợ cho vay, gây khó cho tỉnh, mặc dù các ngân hàng có nhiều giải pháp nhưng do những khó khăn tình trạng chung nên nhiều DN bỏ trốn khỏi địa bàn, ngân hàng không liên lạc được để đòi nợ vì tài sản bảo đảm quá thấp so với giá trị vay.

Về thiệt hại của DN, đại diện Ngân hàng BIDV thống kê: Tập đoàn Trường Thịnh dư nợ 440 tỷ đồng, thiệt hại trực tiếp từ bão 99 tỷ; hiện BIDV đã giảm lãi suất vay ngắn hạn còn 8,5% và trung dài hạn còn 7% cho DN này. Lãnh đạo NHTM Agribank cũng thông tin DN Đại Tài Phát vay 12 tỷ đồng, bão vào đã lấp đầy cát toàn bộ hồ nuôi tôm, hiện DN mất trắng không còn gì. Ngân hàng rất muốn cho vay lại nhưng còn chờ cơ chế…

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình điểm lại thiệt hại đối với hơn 14 ngàn lượt hộ vay cá nhân, và cho biết: Cần miễn giảm, đặc biệt là phần lãi, cho toàn bộ chu kỳ vay sản xuất vừa rồi của nông dân; đối với những hộ mất trắng, đề nghị khoanh nợ, khoanh bao nhiêu cần kiến nghị NHNN; giảm lãi cho một số hộ khác.

“Nghị định 41 chỉ cho khoanh xóa là bão trên diện rộng nhưng việc xác định như thế nào lại hết sức định tính. NHNN sẵn sàng cho vay không tài sản thế chấp với những hộ có khả năng phục hồi sản xuất. Với DN nuôi tôm nếu mất trắng do bão lũ, chính quyền xác nhận thì vẫn cho vay mới để họ sản xuất bình thường. Đối với nợ cũ, chia làm 2 loại, thấy loại nào xóa được thì xóa luôn nhưng phải làm kỹ, tránh lợi dụng.

Trường hợp nào có thể khắc phục thì khoanh cho họ vài ba năm. Trên cơ sở phải cho vay mới, tôm mất rồi thì phải nuôi mới, dù không có tài sản thế chấp, nói chung cần cố gắng tạo điều kiện tối đa để DN hoạt động trở lại”- Thống đốc NHNN chỉ đạo 12 NHTM trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ông Bình cho hay hiện NHNN đã kiến nghị Chính phủ tháo gỡ cơ chế: “Chúng tôi đề nghị cứ có bão, có thiệt hại là cho ngành ngân hàng cơ chế để xử lý ngay nợ và lãi vay chứ không thể chờ xác định thế nào là thiệt hại trên diện rộng. Ví như cơn bão số 10 vừa qua, thiệt hại quá nặng rồi còn gì”.

Nói rồi ông Bình chỉ đạo ngay các NHTM trên địa bàn tỉnh: “Từ nay đến 5/12 cần làm báo cáo tổng hợp xong về các ngân hàng đồng thời gửi số liệu tổng hợp chi tiết chính xác từ địa phương cấp xã lên NHNN.

Phải làm sao để mọi vướng mắc của bà con, của doanh nghiệp đều được lắng nghe trân trọng. Cái gì làm được thì làm ngay, không làm được thì báo cáo lên để trên xem xét. Hệ thống ngân hàng là ngành dọc, cần cố gắng phục vụ phát triển kinh tế địa phương”.

Nhân dịp làm việc với tỉnh Quảng Bình, thay mặt toàn ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã gửi tặng quà của ngành ủng hộ các địa phương thiệt hại vì bão. Cụ thể, tặng tỉnh Quảng Bình 500 tấn xi măng, tặng trường mầm non Phú Hải (TP Đồng Hới) bị tốc mái, đổ cổng 400 triệu đồng để xây dựng lại và mua sắm trang thiết bị vật chất. Tặng xã Quảng Phúc (Quảng Trạch) 10 tấn gạo và 330 suất quà trị giá 300.000 đồng/suất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.