Ở làng Chiềng (Cẩm Quý, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) có dòng họ Cao đang cất giấu bốn bản sắc phong cổ của các đời Vua Y Tông, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định.
Trong những bản sắc phong đó có nhắc tới một kho báu vô cùng quý giá từng được chôn vùi cách đây hơn 400 năm, kèm với những câu chuyện mang màu sắc huyền bí.
Điều đáng nói đó là những dấu tích về kho báu mà các bản sắc phong này đề cập vẫn đang tồn tại và được người dân bản địa bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Từ hai bản sắc phong cổ
Để tìm hiểu về kho báu cổ này, chúng tôi đã tìm gặp ba anh em nhà họ Cao, đó là ông Cao Viết Hưng, Cao Viết Hội và Cao Văn Nguyệt. Theo như chính quyền địa phương cho biết thì hiện tại ông Cao Văn Nguyệt đang giữ 2 trên 4 bản sắc phong có ghi chép về kho báu cổ. Còn bản sắc phong của vua Duy Tân thì do ông Cao Viết Hội cất giữ. Để lấy bản sắc phong cho chúng tôi xem, ông Hội phải thắp hương xin tổ tiên cho phép rồi mới cẩn trọng dùng chìa khóa, tay run run mở một ngăn bí mật trên ban thờ.
Ông Cao Văn Nguyệt cẩn trọng giở hai tấm sắc phong của vua Duy Tân. |
Từ trong hộp gỗ dài khoảng 80cm, trạm trổ hoa văn tinh xảo, ông Hội lấy ra bản sắc phong đã cũ sờn, nhiều chỗ rách nát. Nhiều chữ nho ghi trên đó cũng bị mất, bị nhòe bởi tác động của thời gian. Tuy nhiên, phía dưới bản sắc phong có đóng dấu đỏ và ghi rõ ràng do vua Duy Tân ban ngày 11/8/1909. Theo Ông Cao Sơn Hải - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Thanh Hóa - người chuyên sưu tầm bảo vật cổ về người Mường Voong (tộc người bản địa ở là Cẩm Quý, Cẩm Thủy) thì bí mật về kho báu của tộc người này đều được ghi trong các bản sắc phong của dòng họ Cao, trong đó có bản sắc phong của vua Duy Tân mà ông Hội đang giữ.
Cũng giống như bản sắc phong ông Hội đang cất giữ, tại các nhà ông Cao Văn Nguyệt, Cao Viết Cẩm chúng tôi cũng được thấy hai bản sắc phong tương tự, chỉ khác nhau về mức độ cổ kính nhưng đều nhắc đến kho báu của người Mường Voong. Cả ba ông đều cho biết, trước đây cứ mỗi đợt nắng hạn kéo dài thì dân làng lại tổ chức rước các bản sắc phong và làm lễ cầu mưa. Giờ đây không còn tiến hành lễ nên trưởng nhánh của họ chia nhau giữ để bảo vệ và coi đây là gia bảo, nếu giữ gìn được tổ tiên sẽ luôn ở bên phù hộ.
Nội dung của các bản sắc phong đề cập đến rất nhiều chi tiết cụ thể, tuy nhiên xuyên suốt từ đầu đến cuối chính là câu chuyện về thần rắn trả ơn ông tổ nhà họ Cao. Theo đó: thuở xưa, ở làng Chiềng có một ông già tên Thuật, họ Cao khi đi bẫy cá ngoài suối nhặt được một quả trứng lạ, dù nhiều lần ném đi nhưng trứng vẫn tự động chui vào bẫy mỗi khi ông nhấc lên, thấy lạ nên ông mang về cho gà ấp. Sau ba tuần trăng, trứng liền nở ra một con quái vật to lớn có mào, hình thì giống như rắn. Khi quái vật lớn, thường xuyên gây ra cảnh bắt trộm gia súc, gia cầm của người dân trong bản nên ông Cao Thuật đưa rắn ra sông Ngang (nay gọi là sông Bưởi) thả.
Đôi giếng tiên ở làng Chiềng (Cẩm Quý, Cẩm Thủy, Thanh Hóa). |
Vài năm sau ông Cao Thuật mắc bệnh qua đời, làng Chiềng thì bị hạn hán kéo dài. Nghĩ đến việc người nuôi dưỡng mình không còn, rắn thần quyết định báo đáp bằng cách trị hạn cho dân làng. Rắn khoét một đường hầm từ sông Ngang vào làng Chiêng, nhưng lúc ngóc đầu lên lại đâm nhầm phải các làng Ăn, làng Đầm, làng Chang. Ngày nay, trước đầu những làng ấy vẫn còn dấu vết là các giếng cụt, vẫn được bà con kè đá hẳn hoi. Cuối cùng, rắn ngóc đầu lên ngọn núi cao nhất gọi là Ái Nàng để xác định vị trí quê hương, để đào hầm dẫn nước về. Chính trên ngọn núi ấy, nơi quái vật ngóc đầu chính là một bát nước bằng đá, cứ tát đi nước lại tự động đầy. Vết tích ấy ngày nay vẫn còn trên ngọn núi Ái Nàng.
Tiếng đồn làng Chiềng Voong có ông lão nuôi rắn, được trả ơn mang lại no ấm cho dân bản lan đến tai vua, ngay lập tức vua sai người lập bản sắc phong cho thuồng luồng là Thành hoàng Đại vương Tối linh thần, trao cho trưởng họ Cao lưu giữ. Cũng theo các bản sắc phong thì ngoài việc tạo hai giếng thần không bao giờ cạn, thần rắn còn để lại cho dân làng Chiềng một kho báu lớn với nhiều loại vàng, bạc châu báu quý giá, dân làng chỉ được sử dụng trong những tình huống thật cấp bách, mang tính sống còn (số báu vật này thần rắn lấy từ các tàu thuyền của các lái buôn, những tên trộm khi đi tàu, thuyền qua sông Ngang). Về sau vua Y Tông dựng một nơi an toàn để cất giấu kho báu, vị trí chôn vàng bạc được giữ bí mật, chỉ có một số ít người biết tới.
Truy tìm kho báu cổ
Theo những thông tin lọc ra từ các bản sắc phong, chúng tôi được người dân dẫn đến một ngôi chùa Mỏng thuộc thôn Cẩm Hoa. Theo thời gian, cảnh vật ngôi chùa này đã không còn như miêu tả trong các bản sắc phong, cũng như trong cuốn "Truyện cổ Mường Voong" mà người già làng Chiềng kể lại. Ngôi chùa hiện chỉ còn những dấu tích khó nhận biết, duy miêu tả về một hang đá, bên trong có tượng hình một cậu bé trần truồng há miệng lên trời là vẫn còn. Theo ông Cao Văn Hiền - trưởng thôn làng Chiềng thì ngôi chùa này từng rất to đẹp nhưng bị tàn phá bởi chiến tranh. Thời trước, hằng ngày, trẻ chăn trâu vẫn thường trèo lên đấy nô đùa xung quanh bức tượng mà không hề biết nơi đây ẩn chứa kho báu được nhắc đến trong truyền thuyết Mường Voong.
Ông Cao Viết Hưng và chiếc nồi đồng cổ của dòng họ. |
Khi chiến tranh kết thúc, nghe nói một số người Pháp đã đi ôtô đến đây, rồi mở bản đồ ra. Sau đó họ múc một xô nước rồi trèo lên đổ vào mồm bức tượng. Nước từ "của quý" của "cậu bé" tượng đấy "bắn" ra một vị trí cách đó 2m. Thế là họ liền dùng cuốc xẻng đào xuống. Bên dưới có rất nhiều thùng đồng lớn đã hoen gỉ. Mở ra bên trong toàn là vàng, các thanh vàng óng ánh to như những viên gạch. Theo bà con người Mường ở đây kể lại thì lý do mà người Pháp biết được kho báu là do chúng đã tra tấn dã man một trưởng bản nắm giữ bí mật, sau khi có được thông tin, chúng tìm cách cất giấu vì không thể mang hết về nước được. Theo người dân, tại khu vực này khi canh tác nhiều người đã nhặt được các mẩu vàng nhỏ, đồ trang sức bị vỡ… Đáng chú ý, cách đây 10 năm, người dân làng đã đào được 3 chiếc trống đồng rồi đem nộp cho chính quyền, có lẽ là do Pháp nhận thấy không hữu dụng nên đã bỏ lại.
Theo trưởng thôn Cao Văn Hiền thì hiện tại chính quyền địa phương vẫn đang phải rất vất vả đối phó với những tên săn lùng cổ vật từ các tỉnh khác kéo đến với khát vọng tìm ra được những phần còn sót lại của kho báu cổ. Nhiều kẻ còn điên cuồng định dùng máy xúc, máy dò kim loại bới tung khu di tích chùa cổ, may nhờ có sự cảnh giác của người dân nên đã kịp thời chặn đứng hành vi phá hoại.
Hộp đựng bản sắc phong. |
Cùng với những dấu tích về kho báu cổ, tại làng Chiềng vẫn đang còn rất nhiều di tích khác được nhắc đến trong 4 bản sắc phong. Rõ nét nhất là đôi giếng tiên mà thần rắn đã đào để dẫn nước về. Trong không gian nhuốm màu huyền thoại được tạo nên bởi những cây đa cổ thụ, cặp giếng tiên này hằng ngày vẫn tự trào nước lên trên mà không bao giờ cạn, cho dù hạn hán thế nào đi nữa. Nói về việc nước giếng tự trào ra, ông Cao Viết Cẩm cho biết: "Vào những năm hạn hán nhất, khi tất cả những giếng ăn trong làng chỉ còn vét được vài gầu nước thì hai mó giếng vẫn cứ trào nước ra ngoài. Ngay mùa hè năm ngoái, mấy nhà gần giếng còn bơm nước từ giếng lên vườn để tưới mía. Hút liên tục cả mấy tiếng đồng hồ mà nước trong giếng cũng chỉ giảm một chút rồi lập tức đầy trở lại".
Ông Cẩm cũng cho hay, mỗi khi muốn lấy nước nhiều như vậy thì người lấy phải làm lễ "Vá vong". Nếu không tuân thủ quy định này thì nước giếng sẽ tụt một cách khó hiểu hoặc trào lên dữ dội. Đã có lần hai con trâu đánh nhau, một con trâu trắng rơi xuống giếng khiến nước giếng tụt xuống gần đáy. Lần khác có người mang quần áo bẩn giũ thẳng xuống mặt giếng thì nước bất ngờ trào lên dữ dội, làm ngập cả kho mường. Cũng chính trưởng thôn Cao Văn Hiền cho biết: "Năm 1960 dân làng xây thành giếng bằng xi măng thì không sao nhưng đến năm 1989 tu bổ lại và xây tường bao quanh có dùng thêm vôi thì nước giếng bỗng sôi sục lên, màu nước cũng đỏ một cách đáng sợ".
Chính việc trùng hợp rất nhiều giữa nội dung mà các bản sắc phong đề cập với những di tích, các yếu tố tự nhiên đã và đang tồn tại ở làng Chiềng tạo ra sự mơ hồ giữa thực và hư. Liệu câu chuyện kho báu ở Chiềng Voong là có thật? có thể chúng đã bị lấy cắp hay vẫn đang ẩn mình tại những vị trí bí mật tại làng Chiềng? Câu trả lời có thể sẽ được các nhà văn hóa, khảo cổ tìm ra lời giải trong tương lai. Tuy nhiên "kho báu" là những sự tích, truyện cổ, các bản sắc phong của người Mường ở làng Chiềng thì ngay lập tức cần được tìm hiểu và lưu giữ, nếu chúng ta không muốn mất đi một kho tàng văn hóa quý báu hiếm có ở Việt Nam.
Theo ông Bùi Minh Thông - Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết: Những chuyện kì lạ liên quan tới kho báu Mường Voong và đôi giếng tiên cũng là những câu chuyện từ dân gian có từ rất lâu rồi. Những chuyện kì lạ như nước từ đôi giếng tiên đùn lên không ngừng cũng là có thật nhưng những điều kì ảo xung quanh đó cũng chỉ là do người dân đồn đại chứ chưa có ai kiểm chứng được sự thật. |
Theo ANTG