>Dụ bán hàng đa cấp bằng mức thu nhập 40.000 USD/tháng
Trường hợp của chị H.T.T (28 tuổi, quê Kiên Giang) là một trong rất nhiều cô gái rơi vào hoàn cảnh éo le đó. Hơn một tháng sống trong “địa ngục” tại Malaysia, chị T. vừa thoát về ngày 16/11 với những ký ức nặng nề ở xứ người.
Công an tỉnh Tây Ninh giải cứu 2 cô gái trong đường dây mua bán người. Ảnh trích từ clip do Phòng Công tác Chính trị (PX15) Công an Tây Ninh cung cấp |
“Bán hàng lương cao”
Bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, với nét mặt tái bệch, bộ đồ nhàu nhĩ, chân mang đôi dép lê đã cũ, chị H.T.T nói với PV Thanh Niên trong nước mắt: “Về đây như chết đi sống lại đó anh à”. Chị T. là một trong những người may mắn trốn được về nước sau hơn 1 tháng bị lừa bán sang Malaysia.
Người phụ nữ này từng là chủ một quán cà phê ở thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) và mẹ đứa trẻ 6 tuổi. Do gia đình lục đục, khó khăn nên chị có ý định xuất ngoại mong thoát khỏi cuộc sống đang bế tắc. Biết ý định của T., một người bạn tên Ly thới thiệu chị sang Malaysia bán hàng với viễn cảnh “thu nhập tính ra bằng hàng chục triệu đồng mỗi tháng”. Tin bạn, T. đưa hộ chiếu cho Ly để lo thủ tục.
Tối 9/10/2013, T. bắt xe lên TP.HCM và được chở thẳng ra sân bay Tân Sơn Nhất. Tại đây, chị cùng 7 cô gái khác được một người đàn ông trạc 50 tuổi làm thủ tục và bay sang Kuala Lumpur. Đến nơi, một người tên Tú Oanh (quê Biên Hòa, Đồng Nai) ra đón và đưa cả 8 người về một căn nhà “cách sân bay 3 tiếng chạy xe taxi”. Tú Oanh dẫn các cô gái vào nhà rồi thu giữ tất cả giấy tờ tùy thân.
Nhóm chị T. ở cùng với hơn 20 cô gái Việt đã sang trước đó và họ kể rằng phải đi “phục vụ karaoke” chứ không phải bán hàng. Biết bị lừa, T. đòi về lại Việt Nam thì Tú Oanh nói: “Qua đây rồi, muốn về phải trả 25 triệu đồng chi phí đi lại mới được về. Nếu không có, lo đi làm kiếm tiền mà trả, xong nợ thì mới được tự do”. Không có tiền trả nợ, tiền ăn, tiền ở ngày một phát sinh, buộc lòng chị T. phải theo các cô gái khác đi phục vụ tại quán karaoke Mykado. Ngày đi làm đầu tiên, T. đã bị cảnh sát Malaysia bắt giữ cùng 19 cô gái khác tại quán. “Khi cảnh sát bắt tôi mừng muốn rơi nước mắt, vì tưởng họ sẽ trả lại về Việt Nam”, T. nói.
Thế nhưng, cảnh sát chỉ giam T. và các cô gái Việt chung một phòng giam 14 ngày, sau đó chủ quán karaoke đem tiền tới chuộc các cô về. Được chuộc về, các cô gái bị chủ kê thêm một khoản nợ nữa là “tiền chuộc khỏi đồn cảnh sát”.
Bỏ đói, đánh đập hoặc bán sang nơi khác
T. may mắn hơn mọi người là liên lạc với cô em họ đang sinh sống tại Kuala Lumpur nhờ giúp đỡ. Trên đường đến chỗ làm, T. đã bỏ trốn tới nơi cô em này đang ở. Ngày 12/11, T. tới Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia xin được cấp giấy thông hành bay về nước. Khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, T. không có tiền để về quê, hành lý chỉ còn mấy bộ đồ cũ kỹ và ký ức buồn về những ngày ở xứ người.
“Ở đó, ngày nào tôi cũng khóc chỉ mong sớm về được nhà”, T. tâm sự. Chị cho biết, hầu hết những cô gái phục vụ tại quán karaoke và các dịch vụ “nhạy cảm” nơi chị bị đưa tới đều là người Việt Nam. Những cô gái bị chủ giam lỏng và bắt buộc phải đi làm nếu không sẽ bị bỏ đói, đánh đập hoặc bán sang nơi khác. Để có tiền ăn, trả nợ, hầu hết những cô gái này đều phải đi tiếp khách và bán dâm mới hy vọng đủ tiền trả nợ cũng như chi tiêu cuộc sống hằng ngày.
Trong khi đó, vốn là công nhân của một công ty gỗ ở Đồng Nai, L. (23 tuổi) và T. (20 tuổi, cả hai cùng ngụ H.Châu Thành, Tây Ninh) cũng bị một phụ nữ cùng xóm tên Út lừa sang Singapore với lời hứa “làm việc ở quán ăn, với mức lương 9 - 10 triệu đồng/tháng”. Do chỉ phải đóng 3 triệu đồng làm giấy tờ nên cả hai háo hức lên đường. Đến Singapore, T. và L. được yêu cầu tắm rửa, thay đồ và được một người đàn ông dẫn đi “tham quan chỗ làm”. Sau một hồi đi xe buýt, cả hai được đưa lên lầu 8 của một tòa nhà. Tại đây, họ tiếp tục được đưa vào một quán bar và karaoke.
“Tôi thấy nhiều cô gái người Việt, người Trung Quốc trên người không một mảnh vải che thân đang phục vụ khách nên phát hoảng. Khi hết giờ tham quan, chúng tôi được chủ đưa trở lại phòng trọ. Tối hôm đó, những cô gái chung phòng về tới cũng khoảng 2 - 4 giờ sáng. Người nào cũng mệt nhoài nên đặt chân tới phòng là lăn ra ngủ như chết”, L. nhớ lại.
Biết bị lừa, L. và T. bàn tính chuyện bỏ trốn. Lợi dụng mọi người ngủ say, hai chị em lần xuống cầu thang và may mắn gặp một phụ nữ người Việt cũng đang tìm cách bỏ trốn. Cả nhóm gọi cho một người quen đang là sinh viên theo học tại Singapore để giúp đỡ. Lập tức, sinh viên này gọi cảnh sát Singapore và Đại sứ quán Việt Nam.
“Tụi em thật không ngờ chỉ vì mong muốn được đổi đời, giúp đỡ gia đình, mất cảnh giác mà đã bị bọn xấu lừa gạt, nếu không gặp được những người tốt giúp đỡ nơi xứ người thì chẳng biết sẽ ra sao…”, L. nghẹn ngào nói.
(Còn tiếp)
Theo Công Nguyên - Giang Phương
Thanh Niên