'Vụ cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu đánh chết': Hên xui phận nghèo

'Vụ cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu đánh chết': Hên xui phận nghèo
TP - Bàng hoàng, xót xa, phẫn nộ... Bao nhiêu ngôn từ cũng chưa nói hết cảm xúc của dư luận trước cái chết tức tưởi của bé trai 18 tháng tuổi bị bảo mẫu đánh chết tại TP.HCM chỉ vì lỗi quấy khóc, không chịu ăn.

> Chân dung 'bảo mẫu' giẫm chết trẻ qua lời kể hàng xóm
> Bảo mẫu đánh chết bé trai nức nở trong trại giam

Bé là con một cặp vợ chồng công nhân tỉnh ngoài về TPHCM kiếm sống.

Tha phương kiếm kế sinh nhai, cặp vợ chồng công nhân trẻ ấy tạm bằng lòng với căn nhà trọ tồi tàn hơn 10 mét vuông, tạm bằng lòng với đồng lương ba cọc ba đồng mà ở quê đã là một số tiền không nhỏ. Gánh nặng cơm áo gạo tiền thêm đè nặng khi cục cưng đầu lòng của họ ra đời. Một người đi làm chả thể lo nổi ba miệng ăn. Gửi con cho bảo mẫu là giải pháp duy nhất.

Vợ chồng anh Đức đau đớn trước cái chết của con.
Nỗi đau tột cùng của bố mẹ bé trai tử vong do bị bảo mẫu hành hạ.

“Chẳng thể an lòng khi giao con cho người lạ, chỉ hy vọng gặp được người tốt, không thì đành chịu” - lời tâm sự đau đáu của những công nhân nghèo xóm trọ TPHCM mà PV Tiền Phong tiếp xúc sau vụ án. Chả phải nhãn tiền rồi sao? Báo chí từng dày đặc thông tin về những vụ tương tự, như vụ bảo mẫu “tắm đòn” bé 3 tuổi ở Bình Dương, vụ cô giáo nhốt trẻ vào thang máy vận chuyển thức ăn, cho thang máy chạy lên chạy xuống khiến toàn thân bé trầy xước cũng tại TPHCM... Chưa kể có vụ bé tử vong bất thường tại lớp nhóm trẻ, mà nguyên nhân được kết luận sau này là do... bệnh lý, do sặc cháo!

Nhưng không nhờ bảo mẫu thì biết làm sao? Trong khi các con chưa đủ tuổi vào mẫu giáo bé. Trong khi hệ thống giáo dục công không tiếp nhận các con không có hộ khẩu nội thành. Trong khi bố mẹ các con, một người nghỉ làm trông con thì cả nhà đói. Trong khi với số tiền 1,5 triệu đồng mỗi tháng, tìm mỏi mắt những ông bố, bà mẹ ấy không thấy một trường mẫu giáo tư thục nào tại thành phố có mức chi tiêu đắt đỏ nhất cả nước này. Trong khi Cty nơi họ đang làm thuê không tổ chức lớp nhóm trẻ với chi phí hợp lý để công nhân an tâm làm việc. Trong khi, những ông bố bà mẹ trẻ đó cái nghèo, cái khó mãi đeo đẳng.

Ngày mai, bố mẹ các con - hàng vạn công nhân, người lao động nghèo tại thành phố này - lại tiếp tục một ngày làm việc mới. Và các con của họ lại tiếp tục được gửi gắm cho những người trông trẻ, với hy vọng mong manh: May ra gặp được người tốt!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG