> Bình Định vẫn chìm trong biển nước
> Cán bộ xã bị lũ cuốn trôi cùng gần 650 triệu đồng
> Bình Định: Người chết, nhà trôi bởi 'quả bom nước'
Ba mẹ con bà Võ Thị Hoa rơi vào cảnh màn trời chiếu đất sau một đêm. Ảnh: Việt Hương. |
Tính đến 17 giờ ngày 17/11, Bình Định có 17 người chết, mất tích trong cơn lũ lịch sử. Gần 99.000 ngôi nhà sập, ngập và hư hỏng nặng, tổng thiệt hại ban đầu ước tính hơn 2.000 tỷ đồng.
50 năm chưa từng thấy
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty TNHH Khai thác các công trình thủy lợi Bình Định, cho biết, những ngày qua, lượng nước mưa từ thượng nguồn đổ về hồ Định Bình là rất lớn. Nước hồ đang ở cao trình 89 m, lượng nước trong hồ đạt 200 triệu m3 trên tổng dung tích 225 triệu m3.
Để bảo vệ hồ, sáng 17/11, Cty mở 1 cửa hồ xả nước với lưu lượng 400 m3/giây, đầu giờ chiều cùng ngày xả với lưu lượng hơn 600 m3/giây và khoảng 3 giờ xả với lưu lượng 7.200 m3/giây. Với lượng nước hiện có, chỉ cần mưa lớn khoảng 4 giờ nữa thì hồ sẽ đầy nước. Nếu nước hồ đạt cao trình 90m, Cty sẽ xin phép tỉnh tiếp tục điều tiết nước hồ bằng cách mở thêm 1 cửa.
Bà Võ Thị Hoa (53 tuổi, ở thôn Tiên Hòa, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn), mếu máo: Cứ ngỡ mưa như mọi khi, nhưng lũ ở đâu đổ ào vào nhà. Căn nhà đổ ầm, 3 mẹ con vội vàng kéo nhau bò lên đường 1 để lánh nạn. Năm hộ dân kế bên cùng chung cảnh ngộ với bà Hoa, đến giờ vẫn không hiểu nguồn nước từ đâu đổ về mà trong suốt 50 năm nay sống ở địa phương chưa từng thấy.
Ông Bùi Hưng nói: “Tui không hiểu được vì sao khủng khiếp đến vậy. Dân cả tổ này đều xây nhà kiên cố và sống lâu đời, mà không ai lý giải được. Nếu có việc xả lũ từ thượng nguồn thì cũng nên báo trước cho dân chúng tôi một tiếng để còn kịp trở tay, khỏi tan nát thế này chứ!?”.
Cha con ông Võ Văn Trừ sống gần bên cũng một phen hú vía bởi tự dưng “bom nước” dưới nền nhà ùn lên và ôm trọn một gian nhà giữa, khiến hai cha con ông bị thương phải cấp cứu. Anh Võ Văn Nhân, con trai ông Trừ, nói: “Nước nó thốc từ dưới lòng đất lên, từ hai căn nhà bị sập bên cạnh và ôm luôn cha con tui xuống đó. May mắn, cha con tui bám chặt được vào thành tường nên thoát chết”.
Tại tâm lũ An Nhơn, Tuy Phước và Tây Sơn, nhiều cụ già bảo đây là cơn lũ hung dữ nhất, lần đầu tiên chứng kiến, nước lũ lên rất nhanh và chảy xiết, quá bất ngờ nên tất cả người dân trở tay không kịp. Bà Nguyễn Thị Phúc (50 tuổi, ở thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn) nói: “50 năm sống ở đây chưa có cơn lũ nào nước lớn nhanh như vậy, chỉ trong một giờ đồng hồ, nước dâng cao hơn 1m, chảy xiết. Gia đình tôi kéo nhau leo lên nóc nhà cố thủ, khi ấy nếu nước tiếp tục dâng chắc cả nhà cũng trôi luôn”.
Tại khu vực Vĩnh Liêm, Kim Châu, Liêm Trực thuộc phường Bình Định, thị xã An Nhơn, nước lũ dồn dập đổ về lúc nửa đêm, nên người dân không kịp trở tay, không lấy được gì, dù chỉ là một chai nước để cầm hơi trong lúc trèo lên mái nhà ngồi.
Gấp rút cứu trợ
Đến chiều 17/11, các đơn vị chức năng Bình Định liên tục tiếp nhận và tìm mọi cách chuyển tận tay người dân vùng rốn lũ từng gói mì tôm, chai nước suối, nhu yếu phẩm cho dân.
Ghi nhận của PV Tiền Phong trong ngày 17/11, đã có 30.000 người dân ở các vùng bị ngập nặng trong tỉnh đã được cứu và di chuyển đến các địa điểm an toàn tại Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn.
Lãnh đạo Bình Định xuống tận tâm lũ để ứng cứu cùng người dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết, tỉnh đã huy động tối đa nguồn lực ứng cứu dân và khắc phục những đoạn đường bị sạt lở. Hiện nay, thiệt hại nặng nhất là An Nhơn và Tây Sơn. “Trước mắt là không để bất cứ người dân nào bị đói, rét”, ông Lộc nói.
Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định, mực nước sông Côn đang ở mức cao. Đến 3 giờ chiều 17/11, mực nước sông Côn tại Thạnh Hòa trên báo động I, tại Bình Nghi dưới báo động II 0,13m, tại Thanh Hòa trên báo động II 0,49m.
Phải làm rõ thủy điện có xả vượt lũ tự nhiên? Theo nhiều chuyên gia, lũ đột ngột và dâng cao bất thường mấy ngày qua ở miền Trung có thể liên quan hệ thống thủy điện tại khu vực này. TS Đào Trọng Tứ (Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam) cho rằng, việc phá rừng đầu nguồn và hệ thống thủy điện dọc miền Trung có thể là tác nhân làm lũ bất thường dịp này. Khi mưa lũ dồn dập, ở đợt mưa lũ trước, các hồ chứa thủy điện tích đầy nước. Đến đợt mưa lũ tiếp theo, ngoài việc xả lũ tự nhiên, thủy điện phải xả thêm nước trong hồ để đảm bảo an toàn cho đập. Trong trường hợp ấy, lũ sẽ gia tăng. “Miền Trung vừa hứng chịu nhiều cơn bão đi qua, cần làm rõ việc xả lũ của từng hồ chứa thủy điện có vượt quá mức lũ tự nhiên hay không”, ông Tứ nói. Theo ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện đang là cuối mùa mưa nên lượng nước tại chỗ như ao hồ, sông suối đầy khiến lũ càng lên nhanh. Việc các hồ chứa thủy điện không làm tốt chức năng điều tiết nước mùa lũ cũng gây ảnh hưởng. Ông Đức cho biết, nhiệm vụ của các hồ chứa là cắt lũ. Lẽ ra trước khi lũ về, các hồ chứa phải xả nước để khi lũ đến nước dồn về các hồ, hạn chế tác động cho khu vực hạ du. Ngoài ra, việc lũ đột ngột dâng cao mấy ngày qua ở các tỉnh miền Trung cũng do cường độ mưa quá lớn. Ông Đức cho biết, nước lũ dâng phụ thuộc vào tổng lượng mưa, cường độ mưa và lượng nước sẵn có tại chỗ như nước trong các ao hồ, sông suối. Đợt lũ này, tổng lượng mưa không lớn bằng trận lũ lịch sử năm 1999 (nơi cao nhất đạt khoảng 600-700mm/ngày) nhưng cường độ lại rất lớn, chỉ trong một đến hai giờ, mưa lên đến 150mm. Vì thế có nơi lũ đạt đỉnh và vượt mức trận lũ lịch sử 1999. |