Kỹ năng chạy bão của người miền Trung

Kỹ năng chạy bão của người miền Trung
TP - Từ hàng trăm năm nay, mỗi năm đương đầu trên dưới 10 cơn bão, nặng có, nhẹ có và siêu bão cũng có, người miền Trung bây giờ đã có kỹ năng chạy bão phải nói là “siêu đẳng”…

> Người Việt ở tâm bão tại Philippines: An toàn nhưng... trắng tay
> Nhiều nước đề nghị hỗ trợ Philippines khắc phục hậu quả siêu bão

Thần tốc như thời chiến

1 giờ chiều ngày 9/11, ông Dương Thành Thị - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay, bắt đầu từ thời điểm đó, người dân di dời từ vùng xung yếu, từ nhà cấp 4, nhà liền kề tới nơi kiên cố. Tổng cộng trên địa bàn quận di dời hơn 80 ngàn người tới hơn 60 điểm tập trung, một con số khổng lồ.

Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau, khi chúng tôi tiếp cận hiện trường của 5 phường, cuộc sơ tán lịch sử đã diễn ra được phân nửa và đang rất khẩn trương. Chuyện gì đã xảy ra? Ông Hồ Đắc Thắng – Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, trả lời: Người dân đã tự động di dời. Thống kê sơ bộ, chỉ mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, quận Liên Chiểu gần như đã hoàn tất cuộc di dân lịch sử.

Chở thuyền bằng xe máy, vù vù chạy bão Haiyan. Ảnh: Nam Cường
Chở thuyền bằng xe máy, vù vù chạy bão Haiyan. Ảnh: Nam Cường.

Còn nhớ ngày 9/7/2005, Hòa Hiệp Nam rộn rạo với bản tin “sóng thần 50m ập vào phường ta”. Dân hốt hoảng chạy lên Hải Vân trốn đại nạn. Tin hớ, ông Chủ tịch phường hồi đó là Bùi Văn Quốc bị nhắc nhở.

Có điều, ông vẫn ấm ức: tin phát xuống, tui không cho dân chạy, chết ai chịu? Ngẫu nhiên, sau đó hơn 1 năm, vào tháng 12/2006, tức là sau cơn bão khủng khiếp Xangsane mấy tháng, tin báo sóng thần lại đến vào ban đêm. Dân tán loạn, lãnh đạo thành phố cũng vội vàng vạch phương án sơ tán, chạy sóng thần… với kịch bản rất bài bản.

Bắt đầu từ chiều 9/11 đến đêm, hàng ngàn ngôi nhà ở Đà Nẵng đã được chèn chống kỹ càng. Nhà cấp 3, thậm chí cấp 2 hoặc những khách sạn kiên cố được giằng néo.

Có nơi còn đưa cả xe tải, container chắn trước cửa. Anh Phạm Sáu (phường Hòa Cường Nam), nói: “Hậu quả năm 2006, cơn bão Xangsane vẫn còn hiển hiện. Bão cấp 13 nhưng biến Đà Nẵng thành một bãi hoang tàn. Bây giờ, những phản chiếu từ Philippines cho thấy, chủ quan là chết”.

Ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, người có mấy chục năm đứng ở vị trí trực chiến chống bão lụt (phó Ban PCBL &TKCN thành phố), cho rằng, người miền Trung, hàng chục năm qua đã quá thành thạo với kỹ năng chạy bão, bởi mỗi năm, họ có mấy lần diễn tập thực tế chạy bão.

Có nghĩa, chạy siêu bão, đối phó thiên tai, ngập lụt, sóng thần… đã là chuyện thường ngày. Thực tế cũng chính là diễn tập mà diễn tập cũng là thực tế. Năm 2009 có một cuộc diễn tập chạy siêu bão, lũ lụt ở Cẩm Lệ, năm 2011 thêm một diễn tập quy mô cấp quốc gia ở Sơn Trà, chạy sóng thần. Đó là hai cuộc diễn tập duy nhất, đa số còn lại là kinh nghiệm, bản năng của người dân.

“Ví như cuộc chạy siêu bão Haiyan vừa rồi chẳng hạn. Đã có nhiều cái mới nhưng người dân vẫn nhanh chóng áp dụng và thuần thục. Nhà kiên cố cũng phải chèn chống. Nhà cấp 4, thậm chí cấp 3 cũng di dời. Rồi người dân không được tự ý di dời lung tung, phải có vị trí, có điểm tập kết rõ ràng. Nếu không phải là dân miền Trung quanh năm hứng chịu bão lụt, sẽ không có một cuộc di dời, sơ tán dân lịch sử một cách thần tốc như vậy. Dân không chủ quan, đó là tín hiệu đáng mừng” – ông Huỳnh Vạn Thắng nói.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.