>Thủ tướng đề nghị Chính phủ có 5 Phó Thủ tướng
Theo ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM), sửa Luật xây dựng lần này cần phát huy tối đa vai trò giám sát của cộng đồng dân cư đối với lĩnh vực xây dựng. Cụ thể nên có một cơ chế để người dân được tham gia giám sát những công trình dự án xây dựng lớn, hoành tráng. Mục đích của việc giám sát chính là nhằm ngăn chặn thất thoát do làm công trình không phù hợp quy hoạch, kém hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách. “Thực tế có rất nhiều công trình tốn kém, gây lãng phí với nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Cần phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, của dân để chống tiêu cực” – Bà Dung kiến nghị.
ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) cho rằng, cần tách riêng nội dung quy hoạch xây dựng ra thành Luật khác ví dụ như Luật quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo ĐB này, quy hoạch xây dựng là một vấn đề rất quan trọng, kinh nghiệm ở một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc có cả luật xây dựng, luật quy hoạch. Ngoài ra, cần quy định rõ ràng về việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng, trách nhiệm giải trình của các đơn vị quy hoạch, tư vấn nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm trong việc lập quy hoạch. Tại Dự thảo luật quy định thời gian lấy ý kiến nhân dân đồ án quy hoạch là 30 ngày, đối với cơ quan là 15 ngày, ĐB Lê Trọng Sang đề nghị tăng thời gian gấp đôi, sẽ bảo đảm chặt chẽ hơn. “Đề nghị có một số đồ án quy hoạch do UBND tỉnh chỉ định, còn lại nên cho đấu thầu đơn vị lập quy hoạch đồ án để tránh thông đồng lợi ích, ngăn chặn tiêu cực” - ĐB Lê Trọng Sang góp ý.
Để ngăn chặn “chạy, điều chỉnh quy hoạch vô tội vạ”, ĐB Sang đề nghị cần quy định những thông số kinh tế-xã hội cụ thể, như dân số tăng lên bao nhiêu thì mới điều chỉnh quy hoạch, chứ không để chung chung sẽ là kẽ hở dễ bị lợi dụng.
Bồi thường quy hoạch treo
Ván đề cấp phép xây dựng tạm, ĐB Lê Trọng Sang cho rằng, dự thảo luật chưa đưa ra khái niệm rõ ràng. Bản thân khái niệm xây dựng tạm là không ổn. Vì để xây dựng gì thì người dân cũng đã phải bỏ rất nhiều tiền, tài sản để làm, đến lúc hết “tạm” thì lại phế bỏ, rất lãng phí. Cần phải quy định cụ thể hơn nội dung này để giải quyết bức xúc của người dân, giải quyết tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch tạm. “Nên thay khái niệm cấp phép xây dựng tạm bằng được cấp phép trong khu vực đã có quy hoạch”- ĐB Lê Trọng Sang đề nghị.
Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Huỳnh Thành Lập góp ý, nội dung lấy ý kiến nhân dân đồ án quy hoạch phải ghi rõ những người sẽ được mời lấy ý kiến, ví dụ đại diện mặt trận, phụ nữ… tránh tình trạng chung chung, dân không được biết việc lấy ý kiến. “Đối với các dự án treo, cần quy định rõ Nhà nước bồi thường như thế nào cho người dân đối với các quy hoạch đã hết hạn sử dụng mà chưa triển khai. Vừa qua TPHCM thu hồi các dự án treo, dân rất phấn khởi” – Ông Lập cho biết.
Theo ĐB Đỗ Văn Đương, Luật nên quy định về những hành vi cấm trong đó có việc cấp phép sai gây hậu quả rất lớn. Ngoài ra, cần làm rõ vấn đề cấp phép tạm, cần có quy định không cấp phép tạm trong một số trường hợp cụ thể.
Vi phạm môi trường phải xử hình sự
Thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) và một số ĐBQH cho biết ô nhiễm môi trường hiện nay là đáng báo động, tác động đến đời sống nhân dân. Theo ĐBThiện, Luật không có chương về bảo vệ môi trường rừng là điều đáng tiếc vì tình trạng phá rừng, khai thác rừng trong xây dựng thủy điện đã mang đến tác hại rất lớn đối với đời sống người dân, điển hình là tình trạng lũ lụt ngày càng phức tạp. “Cần đưa chế tài ngay trong luật để xử phạt hành chính đủ nặng, đủ sức răn đe với tổ chức, cá nhân vi phạm, cũng như chấm dứt tình trạng cơ quan quản lý vẫn đi kiểm tra, giám sát, chỉ ra sai phạm, sau đó xử phạt nhẹ nhàng và bỏ ngỏ vụ việc” – Ông Thiện nói.
ĐB Nguyễn Văn Phụng (TPHCM) cho biết xử phạt trong lĩnh vực môi trường chủ yếu là phạt hành chính, chưa có vụ nào truy cứu hình sự dù hành vi rất nghiêm trọng. “Veedan vi phạm nặng thế nhưng chỉ bị phạt 200 tỷ đồng. Hào Dương vi phạm tới lần thứ 10 nhưng cũng chỉ bị phạt hành chính. Trong khi hành vi của các doanh nghiệp này là không thể chấp nhận được, khi xả thải trực tiếp ra môi trường” - Ông Phụng nói.
“Luật đưa ra nhiều hành vi cấm nhưng chế tài xử phạt lại nhẹ. Nếu tác động đến đời sống người dân thì phải xử hình sự để đủ sức răn đe” - ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) kiến nghị.