Võ sư giữ hồn Hùm thiêng bằng sáo sắt

Võ sư giữ hồn Hùm thiêng bằng sáo sắt
TP - Ông dẫn tôi ra bờ sông Thương rồi cứ thế, tiếng sáo sắt vang lên vắt vẻo, tinh nghịch, lẳng lơ, rồi lại loang loáng, dồn dập với những chiêu thức biến tỏa lúc như thác đổ, khi như nước trôi lững lờ của tuyệt kỹ võ thuật một thời gắn với oai danh nghĩa quân Hùm thiêng Yên Thế thuở nào.

> Cao thủ võ sáo

Võ sư Trịnh Như Quân có cái kiểu nói chuyện ngang tàng, tự phụ như thể môn võ sáo trời Nam không còn ai có thể sánh kịp ông. Mà ông tự phụ cũng có cái lý của nó: từng biểu diễn ở những sân khấu hoành tráng bậc nhất Việt Nam, phim tài liệu làm về ông cũng nhiều, có cả phim tài liệu được giải Bạc quốc tế… Nhưng hỏi, ông có thấy mình giỏi không? Ông giật mình: Không, mình chỉ chịu khó thôi. Mình chỉ nhận là con chim hót giọng người …

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.

Danh chấn “Thiết địch thần phong” 

Bao nhiêu cái ních nêm mà mọi người gắn cho Trịnh Như Quân, nào là dị nhân, nào là truyền nhân cuối cùng, rồi là võ sư sáo sắt… nhưng tôi thì thấy, cái chất nghệ sĩ trong con người ông lúc nào cũng như muốn bùng cháy, muốn thăng hoa.

Lại nhớ cố nhà thơ Xuân Hồng, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí sông Thương (Bắc Giang) lúc sống nói về Hoàng Hoa Thám: Lạ, chưa có thủ lĩnh nào đầy tính nhân văn như thế, trong chiến trận ác liệt ông vẫn tổ chức lễ hội hàng năm cho quân dân Yên Thế, duy trì tục phóng ngư, phóng điểu, thả hoa đăng thể hiện khát vọng tự do, ước muốn hòa bình.

Võ sư giữ hồn Hùm thiêng bằng sáo sắt ảnh 2

Con người ấy là con người của văn hóa, là một chiến tướng nhưng đầy lãng mạn, khảng khái mà sâu sắc, yêu thương! Võ sư họ Trịnh này dường như cũng có cái chất ấy…

Uống vài ba chén rượu, ông dẫn tôi ra bờ sông Thương rồi cứ thế, tiếng sáo sắt vang lên vắt vẻo, tinh nghịch, lẳng lơ, rồi lại loang loáng, dồn dập với những chiêu thức biến tỏa lúc như thác đổ, khi như nước trôi lững lờ của tuyệt kỹ võ thuật một thời gắn với oai danh nghĩa quân Hùm thiêng Yên Thế thuở nào.

Tôi không cho là mình giỏi mà mình chỉ là con chim hót giọng người, một kẻ chịu khó cày mà thành thôi

Võ sư Trịnh Như Quân

Ông Quân cho biết, nét độc đáo của võ sáo là sự kết hợp tuyệt vời giữa âm thanh bay bổng khuấy động lòng người với các chiêu thức võ thuật.

Trong đó, tiếng sáo có vai trò dẫn đạo, hướng dẫn hành động của người chiến binh khi thì uyển chuyển mềm mại, khi thì cuồn cuộn sóng dâng, lúc nhanh như tiếng cắt giữa rừng, khi lặng lẽ như chiếc lá rụng. Quân thù sẽ bị tiếng sáo mê hoặc, khi đau xót nhớ về quê hương, lúc cảm cảnh thương buổi sa trường đầu rơi, máu chảy mà mất đi ý chí chiến đấu…

Kho sáo sắt khổng lồ

Ông Trịnh Như Quân học võ từ năm lên 6 tuổi nhưng lại khá đam mê sáo dân tộc. Chính vì thế nên khi tình cờ gặp được cụ Triệu Quốc Úy ở bản Rừng Phe, Tam Tiến, Yên Thế (Bắc Giang) - truyền nhân cuối cùng của môn võ sáo Đề Thám xưa, ông mới thực sự kết hợp được 2 tinh thần ấy: Đó là sự mạnh mẽ của võ thuật và sự mềm mại, uyển chuyển đến da diết của tiếng sáo.

Nhưng võ sáo với Trịnh Như Quân không chỉ có 6 thế tấn, 13 đặc dị kiếm pháp và 51 chiêu võ thuật dị ảnh kỳ hình mà cụ Úy truyền cho ứng trên nền nhạc liêu trai của “Thiết địch thần phong” hay “Ánh trăng Phồn Xương” mà quan trọng là cần phải có những vũ khí đặc biệt để thể hiện.

Vậy là ông mày mò chế tạo những cây sáo sắt có một không hai trên thế giới. Năm 1993, cây sáo sắt đầu tiên có tên là Giọt mưa thu dài 1 mét, nặng 2,8 kg do ông chế tác đã hoàn thành. Giống như những chiến tướng ngày xưa đúc được vũ khí ưng ý, cây sáo sắt đã theo ông suốt những chặng đường đời và tham gia trình diễn nhiều sự kiện văn hóa quan trọng.

Sau đó ông còn đúc được thêm nhiều cây sáo với những hình thù kỳ dị như cây “Thăng Long đệ nhất sáo” với hình bông hoa sen dài 2,1 mét, nặng 4 kg, cây “Thích Tiêu Tương” dài 1,6 mét, nặng 4 kg… Đặc biệt mới đây ông dồn công làm thêm 2 cây sáo “Rồng giun” và “Mãng xà vương” như hình con rắn, nặng 4,6 kg.

Cây “Mãng xà vương” như một con hổ mang bạnh được đúc riêng cho những người chơi sáo bên trái như ông không chỉ là một vũ khí lợi hại mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. Người chơi ngoài khả năng sử dụng sáo thì phải có được nội công thâm hậu để giữ cân bằng cho sáo.

Nhìn ông sử dụng cây sáo khi nhanh, lúc chậm, khi réo rắt, lúc dồn dập, nhiều khi chỉ bằng 2 ngón tay đã giữ và thổi được cây sáo như thế đủ thấy được một sức khỏe tốt như thế nào. Ông Quân cho biết, ông phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt mới có thể có được sức khỏe để chơi võ sáo như hiện nay.

Đồng diễn võ sáo tại lễ hội Hoàng Hoa Thám
Đồng diễn võ sáo tại lễ hội Hoàng Hoa Thám.

Những truyền nhân võ sáo 

Võ sáo không phải là loại võ thuật dễ học bởi ngoài những phẩm chất của một võ sĩ lại phải có tâm hồn và đôi tay của một nghệ sĩ sáo. Cân bằng cho được hai mảng tưởng chừng như khắc chế nhau là võ và nhạc mới có thể học được võ sáo. Chính vì thế, việc tìm truyền nhân võ sáo là điều không hề đơn giản. Ông Quân cho biết, trước đây để nắm được hồn cốt của võ sáo, ông đã phải ở nhà cụ Triệu Quốc Uý hàng năm trời khổ luyện.

Sau này, ông lại say đắm với âm nhạc. Để thổi “Thiết địch thần phong”, ông tìm về tận đất Phồn Xương để cảm nhận cái khí phách, sự khoáng đạt của những người nghĩa sĩ Yên Thế ngày xưa, mới thấy hết được cái hay của bài võ sáo. Hay có ngày, ông thuê thuyền thả dọc sông Thương để học bài “Con thuyền không bến” mới ngộ ra được cái man mác, da diết của lữ khách độc hành…

Cứ thế, ông say với cây sáo như say một người đàn bà đẹp. “Mà chinh phục một bài sáo hay còn vất vả hơn chinh phục một người đàn bà. Nhiều lúc mình phải bỏ ăn, quên ngủ chỉ vì muốn tìm cho ra cái hồn của từng bài sáo” - Ông Quân tâm sự. Hơn thế nữa, tập với sáo sắt đòi hỏi nội công lớn bởi vừa phải giữ cây sáo nặng đến vài cân lại vừa phải lấy hơi để thổi sáo. Bàn tay ông vì thế mà sần sùi, chai sạn.

Nhưng đến giờ, ông có thể tự hào thổi được hàng trăm bài sáo, kể cả những bản nhạc nước ngoài và tự tin hòa tấu cùng những dàn nhạc chuyên nghiệp nhất. Nhưng ông vẫn yêu hơn cả là những bản nhạc mang âm hưởng dân ca, những “Suối Mơ”, “Thiên Thai”, những “Giọt mưa thu”, “Lời ru bên suối” say đắm, da diết hồn quê…

Tuy nhiên, ông không muốn là truyền nhân duy nhất của võ sáo Yên Thế, càng không muốn võ sáo bị mai một theo thời gian, nhưng đưa được môn võ sáo này đến với quảng đại quần chúng cũng là điều không dễ. “Nhiều nơi họ cứ nghĩ rằng tôi phải biểu diễn ở những sân khấu lớn nên quy mô nhỏ là họ cũng ngại mời. Nhưng tôi chỉ muốn được diễn cho mọi người cùng hiểu và biết về võ sáo, để cùng tôi cảm được cái khí phách, khí tiết của những anh hùng Yên Thế xưa” - Ông Quân chia sẻ.

Chính vì thế, ông rất vui khi những năm tháng ở cái tuổi ngoại lục tuần, ông đã tìm được những truyền nhân đích thực cho môn võ sáo để những bí kíp này không bị thất truyền. Nhiều võ đường ở Bắc Giang, Bắc Ninh cũng đưa môn võ này vào giảng dạy. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2012, võ sáo được UBND huyện Yên Thế đưa vào giảng dạy cho hơn 200 học sinh và đã biểu diễn tại các kỳ Lễ hội Hoàng Hoa Thám (ngày 16/3 dương lịch hàng năm).

Cho đi hàng trăm cây sáo sắt

Những chiếc sáo khủng của võ sư Quân
Những chiếc sáo khủng của võ sư Quân.
 

Ngoài ra, trong kho sáo sắt của ông có hàng trăm cây sáo các loại với đủ kích thước khác nhau. Thời gian qua, ông cũng tặng 200 chiếc sáo sắt, mỗi chiếc dài khoảng gần 1 mét cho huyện Yên Thế để duy trì và phát triển môn võ sáo có một không hai này.

Gặng hỏi về việc chế tác những cây sáo này như thế nào, ông chỉ cười: Xin giữ làm bí mật của riêng mình. Nhưng nói chung để đúc được một cây sáo phải mất hàng tháng trời, chọn những loại sắt tốt, kiếm được nơi đúc giỏi… rồi phải thuê người đục lỗ sao cho chuẩn. Lỗ sáo dù chỉ sai một sợi tóc, thổi lên đã khác.

Ông khẳng định, những cây sáo của ông đều đã được thẩm định, giọng Đô trưởng chuẩn quốc tế và đương nhiên những tác động do thời tiết, nhiệt độ không ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.