Nguy cơ sâm Ngọc Linh tuyệt chủng

Nguy cơ sâm Ngọc Linh tuyệt chủng
TP - Sâm Ngọc Linh giả được bán công khai ở Kon Tum với đủ loại giá, từ vài ba triệu đến vài chục triệu đồng/kg củ tươi. Ngoài việc đưa hàng tạ củ được cho là sâm Ngọc Linh từ biên giới phía Bắc vào để bán rầm rộ như bán rau, quả, nguy hại hơn người ta đưa cả giống vào đây để trồng…

> Loay hoay bảo tồn Ngọc linh sâm
> Ngọc linh sâm ma trận: Thật giả khó lường
> Hơn 567 tỷ đồng trồng 1.000 ha sâm Ngọc Linh

Nguồn gen ai quản?

Hơn bất kỳ nơi nào trong nước và trên thế giới, đỉnh Ngọc Linh đã cho ra đời một sản phẩm đặc hữu quý giá là sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis). Năm 1973 ngành dược khu Trung Trung Bộ đã tìm ra cây sâm chi Panax tại độ cao 1.800m trên dãy Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Đăk Tô, Kon Tum, mặc dù trước đó nhiều nhà khoa học cho rằng chi Panax chỉ có ở miền Bắc.

Theo đánh giá của Bộ Y tế: Đây là cống hiến quan trọng cho khoa học, bổ sung tri thức mới về vùng phân bố chi Panax xuống tới vĩ tuyến 15 và bổ sung cho chi Panax ho Araliaceae một loài mới.

Dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam, đến Tây Nguyên vút lên với đỉnh Ngọc Linh cao thứ 2 sau đỉnh Fansipan. Phía đông đỉnh Ngọc Linh là tỉnh Quảng Nam, còn bên tây là địa phận Kon Tum, 2 vùng khí hậu trái ngược nhau. Đỉnh Ngọc Linh quanh năm mây phủ giao thoa cả 2 vùng khí hậu.

Cây sâm Ngọc Linh tự nhiên sinh trưởng ở độ cao từ 1.200m trở lên, dưới tán rừng già, và cho tới nay chỉ có hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là có cây sâm này. Đây là một loại cây thân thảo sống lâu năm, cao 40 cm đến 1m, thoạt nhìn rất giống nhân sâm Triều Tiên, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy thân rễ có sẹo và các đốt như đốt trúc do thân khí sinh rụng hằng năm để lại.

Sâm Ngọc Linh là một chi thuộc họ Panax, nên hình thể rất giống với nhiều loại Panax khác. Chính thế giới buôn sâm đưa củ tam thất từ phía Bắc vào bán giả sâm Ngọc Linh khiến người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn, không thể phân biệt.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, nguy hại hơn, trong mấy năm lại đây do việc mua bán sâm giả bị phanh phui, một số thương lái bắt đầu đưa cả giống tam thất mà họ cho là sâm Ngọc Linh từ phía Bắc vào Kon Tum, Quảng Nam để trồng.

Tỉnh Kon Tum hiện có nhiều tổ chức, cá nhân trồng sâm Ngọc Linh như: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum, Cty Thái Hoà, Viện Dược liệu… một số doanh nghiệp, cá nhân đang tiếp tục xin UBND tỉnh giao đất để trồng sâm kinh doanh do hiệu quả kinh tế của nó.

 Một khi tam thất phía Bắc đã vào lãnh địa pha tạp với sâm Ngọc Linh thì 5-10 năm nữa, có thể lai tạo thành một giống loài mới, hoặc chúng lấn át và đẩy loài sâm Ngọc Linh thuần chủng đi đến tuyệt chủng-một người tâm đắc với cây sâm Ngọc Linh tỏ ra ưu tư. 

Như ở kỳ trước, chúng tôi đã nêu dự án của Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ với đầy tham vọng: "Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh”; Dự án đặt mục tiêu từ nay đến năm 2023 trồng từ 800 đến 1.000 ha sâm Ngọc Linh, tổng vốn trên 567 tỷ đồng từ vốn ngân sách và vốn đóng góp của các doanh nghiệp thành viên.

Trước nhu cầu cây sâm Ngọc Linh thành loại cây thương mại, nhưng quản lý giống sâm Ngọc Linh thuần chủng thì gần như chưa cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm. Các tổ chức, cá nhân tự mình mày mò tìm nguồn giống, tự mình trồng.

Một người trồng sâm Ngọc Linh lâu năm ở Kon Tum cho rằng: Nếu như chục năm trước, khi các loại giống Panax từ phía Bắc chưa tràn vào, có thể tin rằng giống sâm Ngọc Linh thuần chủng. Còn hiện nay không biết đâu mà lần. Kể cả người ta đưa khách lên núi xem vườn cây, nhổ củ từ dưới đất lên cũng chưa hẳn đã là sâm Ngọc Linh thật!

Một nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi cho biết, năm 2013 có khoảng 9kg hạt giống tam thất hoang (nhìn rất giống hạt sâm Ngọc Linh) được đưa theo đường dây không chính thống vào cho một doanh nghiệp ở Kon Tum để trồng.

Bây giờ muốn mua hạt giống cái gọi là sâm Ngọc Linh, chỉ cần cầm điện thoại a lô là có. Củ tam thất dễ trồng, ở độ cao thấp hơn 1.200m cây vẫn sống, vẫn phát triển tốt. Mỗi năm loại này sinh trưởng 7-10 đốt, vì thế chỉ cần 2-3 năm là có thể thu hoạch, khác với sâm Ngọc Linh thật cần trồng cả chục năm, chất lượng mới đảm bảo.

Một khi tam thất phía Bắc đã vào lãnh địa pha tạp với sâm Ngọc Linh thì 5-10 năm nữa, có thể lai tạo thành một giống loài mới, hoặc chúng lấn át và đẩy loài Sâm Ngọc Linh thuần chủng đi đến tuyệt chủng-một người tâm đắc với cây sâm Ngọc Linh tỏ ra ưu tư.

Phát triển nguồn gen Sâm Ngọc Linh – Khoán trắng?

Ông Trần Hảo-Giám đốc Cty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết, năm 2012, một vị ở Viện Dược liệu-Bộ Y tế vào đặt vấn đề với Cty ông phối hợp thực hiện đề tài: Khai thác và phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, xem qua mức giá mà dự án đưa ra, thấy không có hiệu quả kinh tế, nên Cty không hợp tác.

Ông Hảo cho rằng, Viện Dược liệu yêu cầu trồng và cung cấp cho họ 1 ha vườn sâm và 0,5 ha vườn ươm, nhưng tổng kinh phí giao khoán chỉ gần 2,3 tỷ đồng (cộng cả chi phí để các nhà khoa học vào nghiệm thu, kiểm tra đề tài) là quá thấp và phi thực tế.

Ví như mức giá cây giống hiện nay khoảng 80.000-100.000 đồng/cây nhưng mức giá Viện Dược liệu đưa ra chỉ 46.500đồng/cây trong khi mỗi ha sâm cần đến khoảng 40.000 cây. Ông Hảo cho rằng để trồng 1 ha sâm Ngọc Linh hiện nay cần phải đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Dưới mức giá này khó đảm bảo mật độ cây con cũng như hiệu quả của dự án.

Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi được biết Viện Dược liệu cũng đang triển khai một số dự án bảo tồn, phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh tại Kon Tum.

Qua hợp đồng chào hàng của Viện Dược liệu email cho Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum thấy gần như Viện này khoán trắng việc chọn giống, trồng sâm của đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) cho bên B. Hợp đồng thuê khoán công việc ghi rõ:

Bên A (Bên giao khoán) Viện Dược liệu, Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Bích Thu. Bên B… nhận tiến hành triển khai đề tài theo các nội dung sau: Tuyển chọn cây mẹ để xây dựng vườn giống gốc; Tuyển chọn các giống đầu dòng về gieo ươm tại vườn ươm; Xây dựng quy trình kỹ thuật chọn lọc, nhân thuần giống sâm Ngọc Linh; Xây dựng vườn sản xuất cây giống đạt tiêu chuẩn; 1 ha vườn giống gốc với mật độ 45.000 – 60.000 cây/ha; 0,5ha vườn ươm đảm bảo cung cấp 50.000 cây giống/năm;

Theo dõi phát hiện sâu bệnh và xúc tiến các biện pháp phòng trừ; Sản phẩm giao nộp bên A gồm có:01 ha vườn giống gốc; Số lượng cây còn sống: 40.000 cây; 0,5ha vườn ươm.

Báo cáo kết quả trồng sâm Ngọc Linh trong mô hình. Báo cáo chuyên đề về sinh trưởng và phát triển của sâm Ngọc Linh tại vườn giống gốc. Báo cáo chuyên đề về xây dựng qui trình trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch hạt giống sâm Ngọc Linh tại Kon Tum… Kinh phí 2.292.400.000 đồng.

Dự thảo hợp đồng này cho thấy toàn bộ phần quan trọng nhất của dự án như: Tuyển chọn cây mẹ để xây dựng vườn giống gốc, tuyển chọn các giống đầu dòng để gieo ươm tại vườn ươm lẽ ra phải được chủ đề tài lựa chọn và kiểm tra nghiêm ngặt nhưng ngay từ đầu những người làm đề tài đã có ý định “khoán trắng “ cho đối tác. Như vậy, liệu kết quả của những vườn giống gốc sâm Ngọc Linh của Viện Dược liệu đặt hàng còn đáng tin cậy?.

Nguồn gen sâm Ngọc Linh rất cần những vườn giống gốc, không lai tạp. Có như thế mới đặt vấn đề phát triển đại trà sâm Ngọc Linh Kon Tum thành loại cây hàng hoá có giá trị kinh tế cao, đồng thời bảo vệ và phát triển loài cây quý hiếm đặc hữu này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG