'Dân chết rồi anh đền mấy chục triệu là xong hay sao?'

'Dân chết rồi anh đền mấy chục triệu là xong hay sao?'
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Trần Thọ gay gắt về việc các cẩu tháp xây dựng không được hạ độ cao hay cột neo cẩn thận trong bão số 11, khiến người dân rất lo sợ.
Bí thư Trần Thọ (thứ 3 từ trái sang) chỉ đạo việc neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang trước khi bão số 11 đổ bộ vào
Bí thư Trần Thọ (thứ 3 từ trái sang) chỉ đạo việc neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang trước khi bão số 11 đổ bộ vào.
 

Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở ngành và quận, huyện đã báo cáo với lãnh đạo Đà Nẵng về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả, đồng thời kiến nghị những giải pháp và xin kinh phí để khắc phục những thiệt hại do bão số 11 gây ra.

Sau khi nghe báo cáo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Trần Thọ - đánh giá cao công tác di dời ngư dân, đưa tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Tuy có một trường hợp cương quyết không chịu rời tàu nhưng Bộ đội Biên phòng đã cưỡng chế, sau đó tàu bị chìm mà không xảy ra chết người.

Về công tác sơ tán dân ở các vùng xung yếu, theo thống kê, toàn TP Đà Nẵng đã di dời khoảng gần 100 ngàn dân, trong đó có khoảng 41 ngàn sinh viên, công nhân ở các KCN đã được đưa ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão đổ bộ vào đêm 14/10.

Có khoảng 40 ngàn cây xanh ngã đổ do bão số 11
Có khoảng 40 ngàn cây xanh ngã đổ do bão số 11.
 

Bí thư Đà Nẵng đánh giá cao lực lượng của QK5, Bộ đội Biên phòng, Công an Đà Nẵng đã kịp thời có mặt và triển khai công việc rất quyết liệt trong công tác sơ tán dân. “Khi tôi có mặt thì các đồng chí đã đến trước tôi rồi”, Bí thư Đà Nẵng nói.

Bên cạnh đó là công tác chằng chống nhà cửa của người dân. Bão số 11 được coi là mạnh gần như ngang ngửa với cơn bão Xangsane năm 2006 với thời gian kéo dài lâu hơn nhưng nhà cửa của người dân bị hư hỏng ít hơn. Đó là do người dân đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão.

Đặc biệt là công tác dọn dẹp lượng khác khổng lồ trên đường phố sau bão để lại. Theo thống kê, có khoảng 15 ngàn tấn rác, lá cây… đã được dọn sạch sau bão. Chỉ trong 4 ngày, cả thành phố huy động tất cả các lực lượng cùng vào cuộc dọn rác.

Đó còn là sự chung tay giúp đỡ của các đơn vị quân đội, công an và doanh nghiệp trên địa bàn. Bí thư Đà Nẵng đề nghị có thư khen ngợi các đơn vị này vì lãnh đạo thành phố “hô” một tiếng là họ đưa quân, máy móc xuống từng tuyến đường dọn sạch bất kể ngày đêm. “Làm hết việc chứ không hết giờ”, Bí thư Trần Thọ nói lời khen các đơn vị.

Ông Trần Thọ cho rằng, nếu chỉ để một đơn vị là Công ty môi trường đô thị thì 1 tháng sau vẫn chưa dọn hết rác, cây cối ngã đổ do bão gây ra.

Xe máy đào và xe tải của một doanh nghiệp tình nguyện dọn dẹp đường phố sau bão
Xe máy đào và xe tải của một doanh nghiệp tình nguyện dọn dẹp đường phố sau bão.
 

Ngoài ra, việc thông tin liên lạc, điện, nước… cũng đã được các đơn vị có trách nhiệm khắc phục nhanh chóng, kịp thời. Việc sửa chữa nhà cửa hư hỏng, các công trình công cộng, giải quyết các chế độ chính sách cho người dân bị thiệt hại do bão cũng được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng.

Tuy nhiên, Bí thư Đà Nẵng cũng đề nghị các địa phương xem lại việc để chết người xảy ra sau bão. Tuy trước bão, lãnh đạo thành phố đã có chỉ thị xuống tận địa phương; thực tế trong khi bão xảy ra thì không có người nào bị chết, chỉ có 12 người bị thương nhưng sau bão lại có đến 3 người bị chết. Nguyên nhân là do sau khi bão tan, người dân nôn nóng trèo lên mái nhà sửa chữa bị điện giật chết hay bị té chấn thương dẫn đến tử vong.

Ông Trần Thọ cũng nói sau bão, lúc đầu kế hoạch dọn rác lúng túng, không phối hợp nhịp nhàng. Ngay sau bão, lực lượng quân đội và các lực lượng khác được điều động xuống hiện trường để dọn dẹp nhưng không có phương tiện, thiết bị nên việc dọn dẹp ban đầu không được triển khai nhanh chóng.

Công an, quân đội cùng vào cuộc dọn dẹp
Công an, quân đội cùng vào cuộc dọn dẹp.
 

Việc các cẩu tháp xây dựng không được hạ độ cao hay cột neo cẩn thận khiến người dân sống bên dưới cũng rất lo sợ. Ông Thọ gay gắt với chiếc cẩu xây dựng tòa tháp của một ngân hàng ngay ngã tư Yên Bái – Trần Quốc Toản. Ông cho biết, tối đó (ngày 14/10), ông và Chủ tịch Văn Hữu Chiến có đến hiện trường, thấy cẩu tháp này quay như chong chóng, rất nguy hiểm.

“Nếu để nó rớt xuống xảy ra chết người thì từng anh một phải từ chức, không thể làm cái biên bản chịu trách nhiệm ký vô là được. Không có biên bản nào, trách nhiệm nào bằng việc chết dân hết. Dân chết rồi anh đền mấy chục triệu coi như xong hay sao?”, ông Thọ gay gắt. Dẫn chứng điều này, ông Thọ cho biết bão Xangsane năm 2006 cũng đã từng xảy ra một trường hợp cẩu tháp đổ xuống làm chết người tại đường Nguyễn Văn Linh.

Đối với cây xanh ngã đổ do bão, ông Thọ đặt câu hỏi: “Vì sao 95% cây xanh (khoảng 40 ngàn cây) ngã đổ? Câu hỏi này dành cho Sở Xây dựng, Công ty Cây xanh”. Đặt câu hỏi xong, ông Thọ cho biết, sau bão ông có nhận được một số tin nhắn của người dân với 3 nội dung về lý do cây ngã đổ nhiều: Thứ nhất là trồng cạn quá, đào không sâu, rễ cây không bám được vào đất. Hai là trước bão không chặt tỉa bớt cành lá, để nhiều quá nên gió mạnh làm ngã đổ. Ba là không chằng chống xung quanh hoặc chằng chống đại khái, qua loa.

“Nếu đúng như vậy thì giải pháp khắc phục làm sao? Ai nghiệm thu, ai giám sát?”, ông Thọ hỏi. Ông đề nghị Sở Xây dựng và Công ty Cây Xanh họp rút kinh nghiệm, tìm hiểu lý do vì sao rồi tìm giải pháp.

Bí thư Đà Nẵng cũng nêu một thực trạng buồn là trong khi lực lượng Đoàn viên, bộ đội, công an ra sức dọn dẹp cho thành phố sạch đẹp trở lại thì rất nhiều thanh niên ngồi quán cà phê trông rất chướng mắt. Ông nói ở Nhật Bản, sau khi xảy ra động đất và sóng thần, từ già đến trẻ đều xông ra dọn dẹp.

Bí thư Đà Nẵng cũng yêu cầu cán bộ, công chức phải làm việc nhiều hơn chứ không phải làm 8 tiếng như mọi khi. Công việc còn ngổn ngang sau bão, lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện phải đôn đốc cán bộ làm hết việc chứ không phải làm hết giờ. Tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Theo Công Bính
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG