Phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội

Phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội
TPO-Báo cáo trước Quốc hội về Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, báo chí phản ánh.

> Quay lại cơ chế thu hồi đất, tham nhũng sẽ nhiều hơn

> Phải đáp ứng nguyện vọng của nhân dân

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Chính phủ nhận định việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới phát hiện sai phạm.

Trong khi đó hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về PCTN còn hạn chế; vai trò của xã hội trong công tác PCTN chưa được phát huy đầy đủ. Công tác giám sát, kiểm tra, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên; công tác kiểm toán, thanh tra, điều tra hiệu quả chưa cao; việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn có biểu hiện nương nhẹ.

Trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu hồi 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.

Về nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong công tác PCTN, Chính phủ cho rằng một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi chưa tốt; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.

Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có cả các cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó là bệnh thành tích và né tránh trách nhiệm nên vẫn còn tình trạng bao che cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý.

Một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN có nhiều quy định mang tính hình thức, thiếu tính khả thi, thiếu những giải pháp có tính đột phá; mô hình, tổ chức các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng chưa hợp lý, chưa đủ mạnh.

Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; chưa giảm được các thủ tục không cần thiết có thể làm nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

 Tham nhũng chưa có dấu hiện giảm

Chính phủ đánh giá tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội.

Theo Viết
MỚI - NÓNG