> Điêu tàn sau cơn bão kép
> 'Kẻ khóc người cười' trong ngành cao su
Sau bão Xangsane năm 2006, dân Nam Đông (TT-Huế) vẫn tiếp tục trồng, phát triển diện tích cao su để rồi nhận thêm “quả đắng” do bão Nari gây ra. Ảnh: Ngọc Văn . |
Chỉ sau vài giờ quần thảo sáng 15/10, bão Nari (bão số 11) đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân Nam Đông - địa phương dẫn đầu tỉnh TT-Huế về canh tác cao su tiểu điền, với khoảng 3.585ha.
Từ xã Hương Phú qua Hương Hòa đến Hương Giang, Hương Hữu, Thượng Long, đi tới đâu cũng thấy những gương mặt thảm não, vô vọng. Bà Lê Thị Thu (xã Hương Hòa) mếu máo: “Mới tuần trước cả nhà vẫn còn háo hức chờ tới ngày lấy lứa mủ cao su đầu tiên sau mấy năm chắt chiu chăm sóc. Vậy mà nay chẳng còn gì. Vườn cao su gần 3 ha gãy nát chừ chỉ còn để làm củi”.
Chủ vườn cao su Dương Đình than: “Nhìn vườn cây ngã đổ, thân túa nhựa trắng mà lòng đau như dao cứa. Nhiều gia đình trong xã như tui đây không biết tính làm răng nữa, nợ vay ngân hàng để trồng cao su vẫn còn đó”. Ông Trần Hữu Quang (xã Hương Hòa) nói: “Vườn cao su của tui gần 300 cây, trong thời kỳ thu hoạch mủ, là nguồn thu nhập chủ yếu cho hai con ăn học và để trả nợ vay ngân hàng. Không còn cao su, không biết tính sao, chưa kể khoản vay 30 triệu đồng chưa trả xong”.
Theo thống kê bước đầu của Văn phòng UBND huyện Nam Đông, bão số 11 làm hư hại gần 170 ha cao su, cùng với trên 370 ha rừng keo, 10 ha sắn, 60 ha vườn cây ăn trái... Tổng thiệt hại vật chất trên các lĩnh vực do bão số 11 gây nên tại Nam Đông ước tính hơn 27 tỷ đồng.
Năm 2006, Nam Đông chịu thiệt hại rất nặng do bão Xangsane, với hơn 600 ha cao su bị gãy đổ, bật gốc. Sau trận thiên tai kinh hoàng đó, dân vẫn tiếp tục trồng cao su. Đến cơn bão lần này, tuy thiệt hại ít hơn, nhưng vẫn như là ác mộng.
“Ở vùng cao này, cao su là cây xóa đói giảm nghèo, được trồng rất nhiều, cho hiệu quả tốt nếu không có bão. Nay mọi thứ trở lại con số 0, xót lắm”, bà Nguyễn Thị Hòa (xã Hương Hòa) rầu rĩ.
Trước mắt, lãnh đạo huyện Nam Đông chỉ đạo các cơ quan chức năng huy động lực lượng giúp dân dựng lại số cao su bị đổ theo phương châm “còn nước còn tát”; số cây bị gãy nhưng vẫn còn thân gốc bám đất sẽ xử lý theo hướng cưa bỏ phần hỏng bên trên rồi dùng thuốc, hóa chất tái tạo chồi, nhằm tránh tình trạng chặt bỏ lãng phí như lần thiệt hại sau bão Xangsane.
Tuy nhiên, trước thực trạng rừng cao su lại bị tàn phá dữ dội do bão số 11, với 190 ha gãy đổ trong toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, sẽ xem xét lại quy hoạch cây trồng phù hợp ở vùng cao này. “Nếu cứ có gió bão lại gây thiệt hại lớn cho dân trồng cao su như thế, xem ra cây trồng này khó bảo đảm hiệu quả kinh tế bền vững tại Nam Đông”, ông Cao nói.