> Đứng tát nước trong nhà, bị điện giật chết
>Triều cường cao nhất trong 52 năm
Một người thiệt mạng
Chiều 21/10, bất chấp triều cường đã ngập lấp xấp bậc thềm, rất đông người tìm đến căn nhà số 238 Trường Lưu (phường Long Trường, quận 9) để chia buồn với gia đình nạn nhân Lê Tuấn Thanh bị thiệt mạng trong đợt triều cường tối 20/10.
Ông Tươi (50 tuổi, bố anh Thanh) không cầm được nước mắt: “Cháu đi sửa xe máy về, định thay đồ chở người yêu đi chơi ngày 20/10 thì thấy nước tràn vào nhà nên gọi tôi cùng tát nước. Tôi đang tát nước trước nhà thì nghe tiếng con kêu la dưới nhà bếp liền chạy xuống thì thấy cháu té ngã nằm sấp xuống mặt xuống nền nhà. Tay chân tôi cũng tê rần vì bị điện giật. Tôi liền ngắt cầu dao rồi hô hoán mọi người cùng đưa đến bệnh viện quận 9 để cấp cứu nhưng cháu không qua khỏi. Hôm trước, cháu cùng người yêu tát nước ở dưới bếp mà có sao đâu”.
Theo người nhà nạn nhân, nguyên nhân anh Thanh bị điện giật là do dây điện trên tường bị hở nên chiếc tủ sắt đựng quần áo phía dưới bị nhiễm điện. Trong quá trình tát nước, nạn nhân chạm người vào chiếc tủ nên bị điện giật. Gia đình nạn nhân thuộc diện hộ nghèo của phường Long Trường.
Căn nhà của gia đình nạn nhân là nhà tình thương, được các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương xây tặng. Mẹ anh Thanh đi làm nghề giúp việc. Anh Thanh vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự và hiện đang làm nghề chạy xe ba gác thuê phụ giúp gia đình.
Chao đảo
Chiều tối 21/10, hàng chục tuyến đường, nhà dân trên địa bàn TPHCM đã chìm trong biển nước trước đợt triều cường lên cao. Trước đó, tối 20/10 triều cương dâng cao hơn 1,60m, được xem là đợt triều cường lịch sử nhấn chìm hàng chục tuyến đường…
Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều tối 21/10 tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) lên tới 1,65m. Đỉnh triều tối ngày 20/10 lên đến 1,68m cao nhất từ trước đến nay. Hiện nay, các chuyên gia khí tượng chưa thể lý giải vì sao triều cường dâng cao bất thường trong khi hồ Dầu Tiếng không xả lũ, thủy triều ở biển Vũng Tàu đã hạ thấp và gió mùa đông bắc đã suy yếu. |
Trên địa bàn quận Thủ Đức, triều cường xảy ra vào thời điểm tan ca chiều, nhiều tuyến đường ngập sâu khiến cuộc sống sinh hoạt cũng như đi lại của người dân bị ảnh hưởng.
Từ 5 giờ chiều 21/10, đoạn đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức nước ngập sâu tràn vào nhà của người dân khiến đồ đạc trôi lềnh bềnh.
Khu vực chợ đầu mối Nông Sản Thủ Đức nước vừa xuống trong sáng ngày 21/10 đến chiều qua lại dâng cao ngập cao gần nửa mét khiến nhiều chủ sạp để hàng dưới nền không kịp di dời nên bị hư hỏng nặng.
Toàn bộ khu đường dẫn vào chợ bị ngập sâu gần 1 mét khiến nhiều xe container cũng chết máy. Nước dâng cao khiến rác thải và hoa quả trôi dạt khắp chợ thối rữa gây ô nhiễm nặng cho khu vực này.
Nằm ngay đoạn ngã ba sông cùng với đường bến Phú Định, nhiều nhà của các hộ dân ở đường Rạch Cát – Bến Lức, phường 7, quận 8 cũng bị nước tràn vào nhà khiến cuộc sống bị đảo lộn. Theo ghi nhận thì bờ kè xung quanh nhà các hộ dân nơi đây nhiều đoạn đã bị nước tràn qua do địa hình thấp.
Đại lộ Võ Văn Kiệt ít xảy ra tình trạng ngập trước đây nhưng trong đợt triều cường này nhiều đoạn cũng chìm trong biển nước. Đường Lương Định Của, quận 2, hàng trăm xe chết máy khi qua dòng nước sâu do triều cường dâng cao cùng với mặt đường thấp.
Phấp phỏng
Khoảng hơn 14 giờ ngày 21/10, tại các con đường Đặng Nguyên Cẩn và Tân Hóa, Tân Hòa Đông (thuộc Phường 14, Quận 6, TPHCM) nước bắt đầu tràn qua đường. Đến hơn 17 giờ cùng ngày thì nhiều nhà dân bị nước tràn vào khiến nhiều đồ đạc, vật dụng, áo quần bị ướt.
Một dòng nước đen ngòm và mùi hôi nồng nặc bốc lên, bao vây khu dân cư. Nhiều hộ dân phải dùng máy bơm để bơm nước thoát ra ngoài, đồng thời dùng bao tải để ngăn không cho nước tràn lại vào nhà. “Chưa bao giờ nước ngập nhiều như hai hôm nay”- anh Thắng ở đường Đặng Nguyên Cẩn nói.
Theo anh này, mấy hôm nay nước ngập một đoạn dài hơn cả trăm mét, kéo dài từ đường Tân Hóa đi qua đường Tân Hòa Đông đến đường Bà Hom, chỗ sâu nhất ngập cả mét.
Một chủ quán cơm trên đường Tân Hòa Đông, quận 6 cho biết, triều cường khiến quán xá bị ngập không buôn bán gì được. Đã thế nước ngập là nước cống, đen ngòm và hôi thối hết chịu nổi. Hai ngày nay, ngoài cuộc sống của người dân đảo lộn, nhiều người sống ở khu vực này còn chịu cảnh mất tiền vì xe máy liên tục chết máy.
Ông Ngô Văn Bảy (63 tuổi) ở hẻm 319 đường Bình Qưới cho biết, đoạn bờ bao bị vỡ hơn 5 mét, nước tràn quá nhanh nên không trở tay kịp khiến ti vi, tủ lạnh, cùng nhiều vật dụng khác bị ướt hết.
Nhiều đô thị ở ĐBSCL ngập chưa từng có Triều cường Rằm tháng Chín âm lịch kết hợp lũ thượng nguồn đổ về đang làm các đô thị ở ĐBSCL ngập sâu chưa từng có. Mỗi ngày hai lần triều cường, sáng sớm và chiều tối, các ngày 20 và 21/10, rất nhiều khu vực ở trung tâm TP Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long và hàng loạt thị trấn, thị tứ chìm trong biển nước, nhiều nơi xe máy không còn đi lại được. Nhiều con sông lớn, nước tràn bờ đổ ào ạt vào đường phố, nhà dân như sông Hậu đổ vào TP Cần Thơ, sông Cổ Chiên đổ vào TP Vĩnh Long. ĐBSCL năm nay lũ thấp, hiện ở vùng thượng nguồn sông Mê Công, nước đã xuống dưới mức báo động 2, còn ở hạ lưu nước đang lên trên mức báo động 3, tuy nhiên nhiều đường phố trước đây không ngập thì năm nay cũng ngập. |