Bão Nari càn quét miền Trung

Bão Nari càn quét miền Trung
TP - Chà xát tại tâm bão Đà Nẵng, rồi chuyển hướng vào Quảng Nam, sau đó lấn ra TT-Huế từ 11h đêm 14/10 và bắt đầu quay cuồng, tàn phá đến 8 giờ sáng qua, cơn bão Nari (bão số 11) được coi là dị kỳ và hung bạo nhất trong hàng chục năm qua.

> Miền Trung gia tăng thiệt hại do bão Nari
> Hội An hứng chịu tàn phá của bão Nari

Tan nát phận nghèo

Sáng sớm, vợ chồng anh Lưu – chị Thuận (tổ 170, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) tất bật nhặt từng miếng tôn dùng để che tạm cơn mưa đang đổ xuống khi gió bão vẫn còn quay cuồng. Ngôi nhà cấp 4 mới xây, đóng tôn chắc chắn, nhưng chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, giờ tan tành. “11 giờ gió mạnh, cây cối bật gốc.

Tới 4 giờ sáng, cả mái nhà bị thổi bay ra đường. Chiếc giường nhỏ cho cả nhà nằm cũng bị thổi bay ra vỉa hè. Vật dụng gia đình coi như hỏng hết rồi. Mới thoát nghèo, giờ lại trắng tay”, anh Lưu vừa khiêng tôn, vừa hét trong gió.

Ông Mai Văn Ngân (tổ 170) kể nhà ông chắc chắn, lại được chằn bao cát, cột dây, nhưng chỉ trụ đến 5 giờ sáng thì bị lột toàn bộ. Mái tôn cùng toàn bộ xà gồ nhà ông Ngân bị thổi bay găm thẳng vào căn nhà 2 tầng của anh Nguyễn Văn Hữu ở đối diện. Vợ chồng già Nguyễn Văn Minh cũng đã chằng chống nhà cửa rất chắc, đè lên nóc hai chục bao cát, nhưng cả mái nhà lẫn bao cát đều bay biến.

“3 đứa con, 1 đứa cháu cùng vợ chồng già, làm chưa đủ ăn, lấy đâu ra tiền để khắc phục?”, vợ ông Minh ngậm ngùi. Tại khu tái định cư Làng Vân (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu), 4 ngôi nhà của các hộ dân bị gió tạt nứt toác tường, bay mái.

Liên Chiểu là một trong những điểm bị bão Nari oanh tạc dữ dội nhất. Theo thống kê nhanh từ UBND quận, đến chiều 15/10, đã có gần 50 ngôi nhà sập đổ, 450 ngôi nhà tốc mái; số cây đổ khó đếm xuể; 1 tàu cá neo đậu tránh bão tại đảo Lý Sơn bị sóng đánh vỡ.

Tại quận Sơn Trà, các phường ven biển đường Hoàng Sa như Thọ Quang, Mân Thái, An Hải Bắc… bị thiệt hại lớn nhất. Thẫn thờ bên chiếc ghe bị sóng đánh nát vốn là nguồn nuôi sống cả gia đình 5 miệng ăn, ông Trần Văn Sáu (tổ 21, phường Mân Thái), nói: “Hay tin bão lớn, từ sáng 14/10, mấy cha con tôi đã kéo ghe lên bờ, neo cột rất chặt. Bão tan, chạy ra tìm mãi, mới thấy chiếc ghe bị bão ném ra xa cách đó gần cả cây số”. Tại quận Hải Châu, có 6 nhà sập, gần 400 nhà tốc mái, hư hại, nhiều cây xanh gãy đổ gây tắc nghẽn giao thông.

Ngang ngửa Xangsane

Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ - Đà Nẵng tốc mái. Ảnh: Nguyễn Huy
Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ - Đà Nẵng tốc mái. Ảnh: Nguyễn Huy.
 

Tại Đà Nẵng, khắp nơi cổ thụ bị gió đánh bật gốc đổ ập vào các công trình dân sự. Trên đường Bạch Đằng, một đoạn tường dài 30m của một trường học bị gió đánh đổ sập. Nhiều trụ điện gãy đổ. Hệ thống lan can vỉa hè đường Bạch Đằng gần Cầu Rồng bị gió đánh gẫy trụ, nằm ngổn ngang trên vỉa hè. Nhiều thạch tượng tại đây cũng bị đánh rớt khỏi bệ.

Theo người dân địa phương, bão số 11 cường độ thấp hơn siêu bão Xangsane năm 2006, nhưng mức tàn phá thì ngang ngửa. Chị Trần Thị Hương (38 tuổi, Sơn Trà, Đà Nẵng), từng chứng kiến bão Xangsane, nhận xét bão này đến mạnh và nhanh, nhưng bão Nari cứ “từ từ gặm nhấm, gây thương tích”.

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, cho hay, bão Nari di chuyển chậm nên thiệt hại của nó cũng ngang ngửa với siêu bão… Tại Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 11 (UBND thành phố Đà Nẵng), Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ… cùng lực lượng chức năng thức cùng dân canh bão.

Người dân Quảng Nam sau bão. Ảnh: Nguyễn Thành
Người dân Quảng Nam sau bão. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tại Quảng Nam, tháp truyền thanh huyện ở xã Đại Quang cao 40m bị gãy ngang, ước tính thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Ở thành phố Hội An, hàng ngàn cây cối đổ gãy, nhà cửa tan hoang. Hàng chục khách sạn, nhà hàng đã phải ngừng hoạt động, sơ tán du khách. Tuyến đường Cửa Đại bị bão tàn phá, sóng đánh cao hơn chục mét, tàn phá bờ kè và cày xới nhiều đoạn đường gây ách tắc. Tại huyện Hiệp Đức, hơn 54 ha cao su của người dân bị bão làm đỗ gãy…

Với người dân Phú Lộc (TT-Huế), bão chồng lên bão chỉ trong vòng 1 tuần, khi còn chưa kịp hoàn hồn sau bão số 10. Bão số 11 đã khiến trên 200 nhà dân và trường học đổ sập hoặc tốc mái. Tại thị trấn Lăng Cô, cây cầu gỗ trên tuyến độc đạo dẫn vào thôn Hói Dừa bị cuốn trôi, hơn 100 hộ dân trong vùng bị chia cắt. Hai bên đèo đường bộ Phước Tượng, vùng núi Lộc Bình, gió bão phá nát nhiều cánh rừng keo từ 2-3 năm tuổi. Rừng cao su tại thị trấn Phú Lộc, các xã Lộc Trì, Xuân Lộc bị thiệt hại nặng. Tại huyện vùng cao Nam Đông, gió bão tàn phá gần 170 ha cao su trong thời kỳ cho mủ, tập trung ở các xã Hương Hoà, Hương Giang, Hương Phú.

Trước thực trạng rừng cao su bị tàn phá dữ dội do bão số 11 (190 ha gãy đổ), Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Cao cho rằng, với thiệt hại quá lớn từ bão Xangsane (năm 2006) đến lần này tại huyện Nam Đông, tỉnh sẽ xem xét để quy hoạch lại loại cây trồng phù hợp; cứ có gió bão lại gây thiệt hại lớn cho dân, xem ra cây cao su không bảo đảm hiệu quả kinh tế bền vững.

Khẩn trương khắc phục

Đến 9 giờ sáng 15/10, tuyến QL1A thông xe trở lại sau nhiều giờ tạm cấm phương tiện khi bão đổ bộ vào đất liền. Họp khẩn với các địa phương sau bão số 11 tại Sở chỉ huy tiền phương chiều qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh, thành đến cơ sở khẩn trương rà soát, kiểm tra thiệt hại và hỗ trợ kịp thời giúp dân ổn định cuộc sống; thông và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến QL 1A; ra quân dọn dẹp cây đổ. Ngành Y tế tiến hành biện pháp ngăn chặn dịch bệnh sau bão lũ; tạo điều kiện học sinh sớm trở lại trường khi bão tan; ổn định giá cả thị trường, hàng hóa cung cấp và lương thực cho người dân; ngành điện lực huy động lực lượng khắc phục sự cố mất điện, sớm đóng điện.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu V cho hay, quân khu huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và các phương tiện như ca nô, xe lội nước đến vùng bị thiệt hại giúp các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 11, ổn định cuộc sống. Tại Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố huy động 2.500 cán bộ, chiến sĩ dọn cây cối, vệ sinh đường phố, khơi thông cống rãnh...

Một mối lo là lũ sau bão. Theo ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam), mực nước sông Ái Nghĩa vào đầu giờ chiều 15/10 dâng cao hơn 8m, trên mức báo động 3. Ba thủy điện là Đăkmi 4, sông Bung 4 và A Vương tiếp tục xả lũ cường độ cao từ nhiều ngày nay. Đặc biệt, thủy điện Đăkmi 4 xả hơn 3.000m3/s từ 8h sáng nay. Lượng nước về Vu Gia hiện khoảng 4.000m3/s. Nguy cơ huyện Đại Lộc và các huyện hạ du sông Vu Gia ngập trong đại hồng thủy gần như chắc chắn. Hiện vùng A, B, C của huyện đã bị chia cắt. Phương tiện liên lạc là điện thoại bàn bị sập, mạng Viettel cũng bị ngắt.

Thiệt hại nặng nề

Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, đến 21 giờ 30 hôm qua, bão số 11 làm 4 người chết (Quảng Nam 3 người, Đà Nẵng 1 người) ; 5 người mất tích (Huế 3 người, Quảng Nam 2 người); gần 70 người bị thương, do sập nhà, cây đổ ở Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An. Hơn 40 tàu bị đánh chìm (chủ yếu Quảng Nam), 35 tàu bị hư hỏng (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Bão cũng làm trên 210 nhà bị sập, hơn 16.000 nhà bị tốc mái, ngập trên 2.250 nhà; gần 200 cột điện, hơn 660 ha lúa, hoa màu, trên 5.000 ha cây công nghiệp bị đổ gãy…

Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị tối 15/10, tại Quảng Trị, gió giật từ cấp 9-10 cùng với mưa lớn đã làm 8 người ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hướng Hóa bị thương (trong đó có cô giáo Hoàng Thị Bê, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa bị chấn thương nặng do cổng trường đổ sập trong lúc đi kiểm tra tình hình ảnh hưởng cơn bão số 11 xung quanh khu vực trường).

Đà Nẵng duyệt tạm ứng số tiền 4 tỷ đồng/địa phương để khắc phục hậu quả bão số 11, trong đó 2 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân nghèo sửa chữa nhà ở sập, hư hỏng và 2 tỷ đồng sửa chữa trường học. Trước mắt, hỗ trợ gia đình người chết 2 triệu đồng/người, bị thương nặng 1,5 triệu đồng/người; nhà tốc mái hoàn toàn 2 triệu đồng/trường hợp, tốc mái một phần 500.000 đồng/trường hợp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG