> “Đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn”
> Lương 'sếp' công ích Hà Nội bao nhiêu?
Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, tuyến đường Trường Chinh (mặt bằng dự án đường vành đai 2 đi qua) có chiều dài gần 2km, trong khi đó nút giao thông Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng đã xây dựng và hoàn thành trong các năm 2006 - 2007.
Do vậy việc xây dựng, nâng cấp đường Trường Chinh để nối hai nút giao thông là rất cần thiết và đáp ứng nhu cầu của người dân. “Đây cũng là dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt với mục tiêu hoàn chỉnh tuyến đường vành đai 2 theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Trường Chinh, chỉnh trang đô thị và phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, ông Bảo nói.
Cũng theo ông Bảo, việc xây dựng, nâng cấp đường Trường Chinh thuộc dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng có tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB là 2.022 tỷ đồng.
Dự án sẽ xây dựng tuyến đường đô thị cấp II có chiều dài 1.979m, rộng 53,5 - 57,5 với điểm đầu giao với phố Vương Thừa Vũ, điểm cuối giao với đường Giải Phóng. Cùng với hệ thống cấp, thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè đồng bộ, dự án còn xây cầu qua sông Lừ với chiều dài 34,8m, rộng 21m. Theo kế hoạch dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015.
Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, tuy Quân chủng Phòng không - Không quân đã bàn giao mặt bằng để dự án được khởi công, nhưng dự án vẫn còn khối lượng phải GPMB rất lớn, trong đó quận Thanh Xuân có 49.246m2 của 170 hộ dân, 8 cơ quan; quận Đống Đa có 68.515m2 của 438 hộ dân, 27 cơ quan cần phải di dời.
Ông Khôi yêu cầu hai quận có dự án đi qua cần phối hợp với chủ đầu tư và các sở ngành liên quan để đạt được mục tiêu từ nay đến cuối năm. Quận Thanh Xuân và quận Đống Đa phải hoàn thành công tác GPMB là tháng 6/2014.
Thông đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu cuối năm
Đường Trường Chinh được kỳ vọng sẽ hết ùn tắc sau năm 2015 . |
Sau lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cùng các sở, ngành đã đi kiểm tra tiến độ dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu và nút giao thông Ô Chợ Dừa.
Theo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (chủ đầu tư), đến nay công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành, hiện chỉ còn 12/480 phương án chưa thu hồi mặt bằng. Với các trường hợp đất có hình thửa bất hợp lý gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, nằm ngoài phạm vi xây dựng tuyến đường Vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu; UBND quận Đống Đa và Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội đã có văn bản đề xuất thu hồi để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Với nút giao thông Ô Chợ Dừa, chủ đầu tư cho biết, đã trình Sở Quy hoạch – Kiến trúc phê duyệt phương án kiến trúc và quy hoạch tổng thể mặt bằng. Theo kế hoạch đến tháng 11/2013 các sở, ngành sẽ có ý kiến đóng góp và trình thành phố phê duyệt dự án.
Tại công trường đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, ông Khôi chỉ đạo, quận Đống Đa tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, nhà siêu mỏng, siêu méo ở hai bên đường; cấp phép xây dựng cho các căn hộ mặt đường phải ngang nhau về số tầng, chiều cao để đảm bảo mỹ quan. Riêng với dự án vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu chủ đầu tư phải đảm bảo hoàn thành thông xe kỹ thuật vào tháng 12 tới.
Dự án đường vành đai 2 có tổng chiều 34 km. Dự án có điểm đầu tại cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối nút giao Sài Đồng - QL 5. Đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng có chiều dài khoảng 2km, dự kiến khi thực hiện dự án sẽ có 1.500 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Đống Đa phải di dời nhà cửa. |