Hãi hùng thủy điện tích nước

Hãi hùng thủy điện tích nước
TP - Khi Cty Cổ phần Thủy điện Trung Nam tích nước lòng hồ công trình thủy điện Đồng Nai 2, hầu như toàn bộ các hộ dân (khoảng 250 hộ) trong vùng bị ngập chưa kịp di dời. Nhiều nhà cửa, tài sản và khoảng 200 ha cà phê chuẩn bị thu hoạch chìm trong nước.

> Thủy điện Đăkmi 4 xé rào xả nước
> Xả lũ đúng quy trình sao dân không kịp trở tay?

Trở tay không kịp

Anh Nguyễn Văn Tiến (trú tại thôn 5, Tân Thanh, Lâm Hà, Lâm Đồng) dẫn phóng viên vượt nhiều cây số đường đất khó đi để xuống thung lũng rộng lớn thuộc các xã Tân Thanh và Liên Hà (Lâm Hà) vừa ngập nước, biến thành lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2. Sau đó, chúng tôi bắt xuồng máy chạy quanh hồ để tận mắt chứng kiến nhiều căn nhà nửa nổi nửa chìm trong nước.

Chỉ tay xuống lòng hồ, anh Tiến cùng nhiều người khác chua xót cho biết: Hàng chục căn nhà và tài sản bị ngập sâu trong nước; hàng trăm héc-ta cà phê trái đang trĩu cành của người dân hai xã phần lớn chìm sâu từ vài mét đến vài chục mét, số cây còn lại nghiêng ngả ven bờ, ken dày những chùm quả, trong đó đã có những quả chín đỏ. Các hộ Nguyễn Như Tin, Nguyễn Đình Giáp, Nguyễn Văn… chạy lên đồi trú tạm rồi bị nước vây, phải đóng bè chuối đi mua thức ăn.

“Vợ tôi đang ốm, nghe tin nước tràn vào nhà thì ngất xỉu. Tôi và cậu con trai chỉ kịp mang theo quần áo và cõng người thân chạy khỏi nhà, tài sản hầu như mất sạch”, ông Lê Đình Minh (68 tuổi, trú tại thôn 5, Tân Thanh) kể. Ông nói rằng, chiều 19/9, vừa được thông báo phải di dời khỏi nhà thì trưa 21/9 nước đã dâng cao. Bởi nhiều hộ chưa được chi trả đủ tiền bồi thường, hỗ trợ nên họ không ngờ thủy điện sẽ tích nước lòng hồ (do đó nhiều hộ chưa di dời). Đến khi nước hồ dâng cao từng giờ, người dân khiêng vác đồ đạc chạy táo tác trong làn mưa mù mịt.

Nhà nửa nổi nửa chìm
Nhà nửa nổi nửa chìm.

“Gia đình tôi cùng một số hộ khác chưa nhận được khoản tiền đền bù nào. Không tiền bạc, nhà cửa, chúng tôi biết đi đâu, về đâu? Chúng tôi phải kéo lên UBND huyện để hỏi vì sao nên cơ sự này. Đến lúc đó, tôi mới nhận được180 triệu đồng trong tổng số 600 triệu mà họ đã thông báo sẽ bồi thường cho nhà cửa và 5,4 ha cà phê. Hiện cứ vài ba hộ dân gom lại thành một nhóm và hùn tiền thuê nhà ở tạm để chờ được đền bù tiếp” - ông Minh nói.

Lãnh đạo UBND xã Tân Hà băn khoăn: Lẽ ra chủ đầu tư và Nhà nước phải có trách nhiệm di dời dân đến chỗ ở mới, an toàn rồi mới tích nước; trước khi tích nước, phải đền bù cho dân. Đằng này, nhiều hộ chưa nhận được tiền đền bù hoặc mới được nhận một phần nên chưa tìm được chỗ trú ngụ mới. Hơn nữa, từ khi nhận thông báo tích nước đến khi nước dâng chỉ cách nhau vài chục giờ thì làm sao người dân trở tay cho kịp? Thiệt hại rất lớn bởi có khoảng 100 ha cà phê sắp sửa thu hoạch và nhiều tài sản khác chìm trong nước.

Chờ giải quyết

Nhiều người bức xúc: Việc xây dựng công trình thủy điện kéo dài gần 5 năm, theo đó, chuyện đền bù, giải tỏa cũng kéo dài nhiều năm khiến người dân không biết có nên tiếp tục đầu tư trồng cà phê, nuôi cá nữa hay không. Các hộ đã nhiều lần nêu thắc mắc, kiến nghị với chính quyền xã và câu trả lời thường là cứ yên tâm đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Vậy mà giờ đây lại đột ngột xảy ra tích nước khiến người dân thiệt hại nặng nề.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, lãnh đạo xã nói rằng đã động viên người dân tiếp tục đầu tư sản xuất thời gian qua, bởi một lãnh đạo huyện cũng có ý kiến như vậy.

Huyện Lâm Hà cho biết, khi xảy ra ngập, đã cấp tốc điều động gần 150 người thuộc lực lượng quân đội, công an và dân quân cơ động để giúp di dời người và tài sản khỏi khu vực lòng hồ Thuỷ điện Đồng Nai 2.

UBND tỉnh Lâm Đồng có công điện với nội dung: Ảnh hưởng của cơn bão số 8 gây mưa nhiều và do chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị nên việc tích nước lòng hồ công trình thủy điện Đồng Nai 2 đã để xảy ra ngập một số công trình nhà cửa và tài sản của một số hộ dân do không kịp di dời. Yêu cầu UBND huyện Lâm Hà xác định thiệt hại phát sinh của các hộ dân và các biện pháp cần hỗ trợ để đề nghị Cty Cổ phần Thủy điện Trung Nam giải quyết.

Chủ tịch UBND xã Liên Hà Đào Xuân Sơn nói rằng, muốn tích nước, phải thông báo trước một tuần hoặc hơn. Ước tính, người dân trong xã thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, trong đó thiệt hại lớn nhất là khoảng 200 ha cà phê chuẩn bị hái quả thì bị ngập sâu.

Nghịch lý là gần 200 hộ phải bỏ nhà cửa, vườn tược để chạy ngập, trong khi nhiều trường hợp chưa nhận được tiền đền bù, khoảng 50% số hộ chưa nhận đủ tiền bồi thường, hỗ trợ. “Chúng tôi đang đề xuất huyện hỗ trợ cho 15 – 16 hộ có hoàn cảnh quá khó khăn trong quá trình chạy ngập”, ông Sơn nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG