Xây dựng khách sạn quan trọng hơn… phòng chống lụt bão?

Xây dựng khách sạn quan trọng hơn… phòng chống lụt bão?
Xâu chuỗi lại sự việc, mọi người dễ dàng nhận thấy rằng, UBND tỉnh Thái Nguyên quá “ưu ái” Cty Hồng Hưng, bỏ qua các quy định về trình tự, thủ tục để “hợp thức hóa” đất “vàng” - hành lang đê cho doanh nghiệp này..

Xây dựng khách sạn quan trọng hơn… phòng chống lụt bão?

> 'Hãy để tôi chết chung với cả nhà trong xe'

> Siêu bão Usagi đang tiến vào Biển Đông 

Xâu chuỗi lại sự việc, mọi người dễ dàng nhận thấy rằng, UBND tỉnh Thái Nguyên quá “ưu ái” Cty Hồng Hưng, bỏ qua các quy định về trình tự, thủ tục để “hợp thức hóa” đất “vàng” - hành lang đê cho doanh nghiệp này..

Cách đây không lâu, báo chí đã phản ánh việc UBND tỉnh Thái Nguyên đã quá nhiệt tình và “ưu ái” đối với doanh nghiệp, khi tỉnh này bất chấp các quy định của Luật Đê điều, cho phép Cty TNHH Hồng Hưng (Cty Hồng Hưng) lập dự án xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn (TTTM, KS) cao tầng trên hành lang bảo vệ cống qua đê.

Khi doanh nghiệp và UBND tỉnh cùng… “hào phóng”

Trước nguy cơ hàng nghìn m2 đất hành lang bảo vệ cống qua đê bị mất trắng bởi dự án TTTM, KS Hồng Hưng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng vạn người dân sống trên địa bàn TP Thái Nguyên, nhiều người dân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đề nghị làm rõ. Tuy nhiên, tỉnh đã phớt lờ!?

Hàng nghìn m2 đất hành lang cống đê trong khu vực này có nguy cơ bị băm nát bởi dự án TTTM, KS Hồng Hưng. Ảnh: Nhật Minh
Hàng nghìn m2 đất hành lang cống đê trong khu vực này có nguy cơ bị băm nát bởi dự án TTTM, KS Hồng Hưng. Ảnh: Nhật Minh.
 

Trước hết, xin nói về nguồn gốc khu đất 1.228 m2 tại tổ 23, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên, vừa qua đã được UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi, giao cho Cty Hồng Hưng thuê 50 năm để xây dựng TTTM, KS Hồng Hưng. Phần lớn diện tích đất này nguyên là của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão (TL & PCLB), thuộc Sở NN&PTNN tỉnh Thái Nguyên quản lý và sử dụng. Do nằm ở vị trí đắc địa nên từ lâu khu đất này đã được nhiều người nhòm ngó.

Nhưng tại sao khu đất “vàng” này lại tồn tại được đến ngày hôm nay? Là bởi vì khu đất này nằm trong hành lang bảo vệ đê sông Cầu. Tại đây có cống qua đê số 3 (cống Ngựa), làm nhiệm vụ tiêu, thoát lũ cho TP Thái Nguyên. Cống qua đê số 3 là đối tượng điều chỉnh của Luật Đê điều. Chính vì vậy, từ trước đến nay khu đất này chỉ được sử dụng làm kho, bãi chứa vật tư phòng, chống lụt bão của tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2006, Chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều, nay là Chi cục TL&PCLB xin xây dựng nhà quản lý đê, kè TP Thái Nguyên tại khu vực cống qua đê số 3, diện tích 160 m2.

Theo công văn 679/CV-NN-PCLB ngày 30-5-2006, gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, Chi cục TL&PCLB “viện cớ” khó khăn về kinh phí nên “Chi cục đã hợp đồng với Cty Hồng Hưng tài trợ toàn bộ vốn xây dựng”. Đổi lại, sau khi hoàn thành công trình, sẽ cho Cty Hồng Hưng mượn 80 m2 làm văn phòng, ban quản lý TTTM Thái Nguyên. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, Cty Hồng Hưng đã tỏ ra “hào phóng”, bỏ ra gần 2 tỷ đồng để xây dựng nhà 2 tầng, diện tích 1.200 m2. Và thay vì cho Cty Hồng Hưng mượn 80 m2 làm văn phòng theo thỏa thuận thì Chi cục TL&PCLB đã cho Cty này sử dụng toàn bộ tầng 1 rộng hàng nghìn m2 để làm gara ô tô?!

Phải nói rằng, việc Chi cục TL&PCLB “núp dưới vỏ bọc” xây dựng nhà quản lý đê kè và lấy cớ không có kinh phí, rồi hợp đồng với Cty Hồng Hưng để cho Cty này xây dựng và sử dụng nhà làm gara ô tô là vi phạm quy định bảo vệ đê điều. Theo quy định tại khoản 5, Điều 7, Luật Đê điều thì khu vực này chỉ được xây dựng các công trình phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt chuyên dùng.

Điều khó hiểu ở đây là UBND tỉnh Thái Nguyên biết rõ việc này nhưng tại sao lại làm ngơ? Nhiều người đặt câu hỏi: Gần chục năm qua, hàng nghìn m2 đất “vàng”, vì sao lại được tỉnh Thái Nguyên “hào phóng” cho một doanh nghiệp mượn không như vậy?!

Phải chăng, hợp đồng tài trợ kinh phí xây dựng là hình thức để lách luật? Làm vậy là để Chi cục TL&PCLB không bị mang tiếng rằng đã cho doanh nghiệp tư nhân thuê đất và sử dụng sai mục đích? Và trong sự vụ này, ai là người được hưởng lợi? Tại sao năm 2006, Chi cục TL&PCLB, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên lại hợp đồng, thỏa thuận, cho phép Cty Hồng Hưng xây dựng và sử dụng nhà, đất như vậy? Trước câu hỏi này, tất cả những người đương nhiệm chỉ trả lời rằng: Việc đó là do người tiền nhiệm (?!).

Vì sao Chủ tịch UBND tỉnh lại… “nhiệt tình”?

Khi vừa bước chân vào “ở nhờ một gia đình tốt bụng”, Cty Hồng Hưng đã tiến hành làm thủ tục xin đầu tư xây dựng TTTM, KS Hồng Hưng ngay trên khu đất đang đi “ở nhờ”. Điều làm nhiều người khó hiểu là, nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật thì UBND tỉnh Thái Nguyên không thể chấp thuận đề nghị của Cty Hồng Hưng. Vì nếu chấp thuận nghĩa là cho phép xây dựng công trình kiên cố, cao tầng trên hành lang bảo vệ cống số 3. Thay vì từ chối thì UBND tỉnh Thái Nguyên lại chấp thuận cho phép đầu tư xây dựng, bất chấp các quy định của pháp luật. Khoản 5, Điều 7, Luật Đê điều quy định, nghiêm cấm “xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt”.

Nhiều văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các Sở, ngành “hợp thức hóa” đất đê thành đất dự án. Ảnh: TL
Nhiều văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các Sở, ngành “hợp thức hóa” đất đê thành đất dự án. Ảnh: TL.
 

Phớt lờ các ý kiến của người dân, ngày 4-6-2012, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Hồng Hưng, thực hiện dự án TTTM, dịch vụ, KS Hồng Hưng.

Điều 25, Luật Đê điều quy định việc “Cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều”, UBND tỉnh được cấp phép đối với các hoạt động cắt xẻ, khoan đào để xây dựng công trình đặc biệt, xây dựng cống qua đê… nhưng phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ NN&PTNT.

Trong khi chưa trình Bộ NN&PTNT cho ý kiến về nội dung chuyển đổi cống số 3 thành trạm bơm SP3 thì UBND tỉnh Thái Nguyên đã tự ý điều chỉnh cống số 3 thành cống trạm bơm (cống dân sự)? Bên cạnh đó là hàng loạt các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành chức năng, xúc tiến việc “hợp thức hóa” đất hành lang bảo vệ cống qua đê để giao cho Cty Hồng Hưng triển khai dự án, cụ thể: Ngày 11-10-2012, ông Dương Ngọc Long đã ký Công văn số 2162/UBND-TH, chỉ đạo các Sở, ngành chức năng “thống nhất cụ thể phương án điều chỉnh cống số 3 (cống Ngựa) thành cống trạm bơm (cống dân sự)”.

Ngày 17-10-2012, ông Long tiếp tục ký Công văn 2208/UBND-TH. Nội dung văn bản này thể hiện rõ việc UBND tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn nhận thức được sai phạm của mình nhưng vẫn cố tình cho Cty Hồng Hưng lập dự án trên hành lang bảo vệ cống qua đê: “Quá trình triển khai thực hiện, Cty Hồng Hưng gặp vướng mắc do tại vị trí thực hiện dự án có cống thoát nước số 3 của TP qua đê sông Cầu hiện nay, do Chi cục TL&PCLB tỉnh Thái Nguyên đang quản lý, dự án phải dừng lại vì không có sự thống nhất hành lang bảo vệ cống số 3 với quy hoạch thực hiện dự án đã được phê duyệt”.

Đồng thời, UBND tỉnh Thái Nguyên còn sửa sai và “hợp thức hóa” bằng các việc như: phân cấp quản lý cống số 3; quy định hành lang bảo vệ đê kè đoạn từ K0 đến K2+150; phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình trạm bơm SP3 và cửa xả, tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng.

Cuối cùng, ngày 30-8-2012, ông Dương Ngọc Long đã ký Quyết định số 1699/QĐ-UBND, thu hồi hơn 1.300m2 đất, cho Cty Hồng Hưng thuê 1.228m2 để xây dựng TTTM, dịch vụ, khách sạn Hồng Hưng. Bằng Quyết định này, ông Long đã cho thu hồi hàng nghìn m2 đất đê để giao cho doanh nghiệp xây dựng TTTM. Việc làm này đã sai về trình tự thủ tục hành chính. Cụ thể, trước đó ngày 11-10 và ngày 17-10-2012, ông Long đã ký liên tiếp 2 công văn, chỉ đạo các Sở, ngành chuyển đổi cống số 3 (cống Ngựa) thành cống trạm bơm (cống dân sự). Cũng cần phải nói thêm rằng, thuật ngữ “cống dân sự” mà ông Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên sử dụng, không có trong Luật Đê điều. Nhưng đến ngày 26-4-2013, UBND tỉnh Thái Nguyên mới gửi hồ sơ trình Bộ NN&PTNT cho ý kiến về “Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê tỉnh Thái Nguyên” (lần 3). Tại hồ sơ lần này, có lồng ghép nội dung xây dựng trạm bơm SP3 thay thế cống số 3. Tuy nhiên, tại văn bản số 249/ĐĐ ngày 4-5-2013, Cục Quản lý đê điều và PCLB, Tổng Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT đã bác bỏ: “Đây là công việc không thuộc phạm vi điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê”. Đồng thời khẳng định: “Việc xây dựng trạm bơm, cống dưới đê phải được luận cứ vững chắc trên cơ sở điều tra, khảo sát, tính toán chi tiết đảm bảo an toàn công trình và yêu cầu phòng, chống lũ”.

Đến đây, dư luận đặt câu hỏi: Vì sao Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên lại “nhiệt tình” với doanh nghiệp này như vậy?

Cống qua đê… “sống chết mặc bay”?!

Xâu chuỗi lại sự việc, mọi người dễ dàng nhận thấy rằng, UBND tỉnh Thái Nguyên quá “ưu ái” Cty Hồng Hưng, bỏ qua các quy định về trình tự, thủ tục để “hợp thức hóa” đất “vàng” - hành lang đê cho doanh nghiệp này. Không dừng lại ở đó, UBND tỉnh Thái Nguyên lại tiếp tục mạnh tay “ưu ái” doanh nghiệp Hồng Hưng bằng việc “thả rông” chiều cao công trình TTTM.

Tại văn bản số 1789/BC-TTBCĐ ngày 25-11-2011, báo cáo kết quả làm việc của Ban chỉ đạo một cửa liên thông: “Trong trường hợp Chi cục TL&PCLB không có nhu cầu sử dụng phần diện tích đất… (hành lang bảo vệ cống số 3 – PV) Hội nghị thống nhất với đề nghị của nhà đầu tư (Cty Hồng Hưng – PV) để sử dụng diện tích này vào phát triển dự án phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt và lập dự án đầu tư siêu thị (chiều cao tối đa không quá 5 tầng)”. Nhưng tại chứng chỉ quy hoạch số 09/CCQH, ngày 28-3-2013, tỉnh Thái Nguyên lại cho phép chiều cao xây dựng công trình từ 5 – 9 tầng?

Ông Nguyễn Tiến Thịnh – Phó chi cục trưởng Chi cục TL&PCLB tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Khu đất đó nguyên là của Chi cục TL&PCLB quản lý sử dụng làm kho chứa vật tư, thiết bị cứu nạn và PCLB. Vừa rồi, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi để giao cho Cty Hồng Hưng… Tỉnh cũng đã quy hoạch cho Chi cục một khu đất ở Bến Oánh nhưng chưa có quyết định giao đất”.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trường Thành, Phó chi cục trưởng Chi cục TL&PCLB Thái Nguyên cho biết: “Nếu Trung tâm phòng, chống lụt bão được xây ở vị trí đó (dự án TTTM, KS Hồng Hưng – PV) thì rất thuận tiện. Bởi vì, khi có lũ là có thể hạ thủy ca nô đi tuần tra cứu nạn được ngay”. Còn việc vì sao UBND tỉnh Thái Nguyên không cho xây dựng Trung tâm phòng, chống lụt bão tại vị trí này và thu hồi đất giao cho Cty Hồng Hưng thì ông Thành từ chối trả lời.

Ông Dương Ngọc Long cho hay: “Cái cống (cống số 3 – PV) theo quy hoạch thì không còn là cái cống nữa mà là trạm bơm… Còn bao giờ cái cống thành trạm bơm là việc của người ta, còn nó (Cty Hồng Hưng - PV) cứ triển khai xây dựng”(?)

Trong khi ngân sách của tỉnh Thái Nguyên còn eo hẹp, “vốn xây dựng cơ bản tập trung năm 2013 chỉ khởi công mới có 5 – 6 tỷ đồng”, thì UBND tỉnh Thái Nguyên đã mạnh tay phê duyệt dự án xây dựng trạm bơm SP3 với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng. Hiện, dự án này vẫn nằm trên giấy vì còn phải đợi vốn vay. Nhưng UBND tỉnh Thái Nguyên đã vội vàng ra quyết định thu hồi đất, gồm cả diện tích đất bảo vệ cống số 3, để giao cho Cty Hồng Hưng mà không hề quan tâm đến số phận cống qua đê số 3, cũng như tính mạng và tài sản của hàng vạn người đang sinh sống trên địa bàn TP Thái Nguyên? Và vì sao UBND tỉnh Thái Nguyên chưa ban hành quyết định giao đất cho Chi cục TL&PCLB chuyển đến vị trí mới? Cứ theo như lời ông Dương Ngọc Long, việc Cty Hồng Hưng xây dựng thì cứ xây, còn việc bao giờ trạm bơm SP3 mới được xây dựng thì đó là một việc khác. Đến đây, dư luận đặt câu hỏi: Đối với tỉnh Thái Nguyên, phải chăng việc xây dựng TTTM, KS quan trọng hơn… công tác phòng, chống lụt bão?!

Thường trực Tỉnh ủy bị “qua mặt”?

Theo Quy chế làm việc của Thường trực Tỉnh ủy (TTTU) tỉnh Thái Nguyên, TTTU “cho ý kiến quyết định đầu tư đối với các dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị, khi dân cư có vốn đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên từ tất cả các nguồn”.

Được biết, dự án TTTM, KS Hồng Hưng có vốn đầu tư trong nước, với mức đầu tư 100 tỷ đồng. Theo đó, dự án này phải báo cáo TTTU tỉnh Thái Nguyên. Cuối tháng 7-2013, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo TTTU để xin ý kiến. Sau khi nghe báo cáo, đối chiếu các quy định của pháp luật về đê điều và xem xét những nội dung khác liên quan, TTTU tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất không đồng ý cho triển khai Dự án TTTM, KS Hồng Hưng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã kết luận không cho phép triển khai dự án này.

Tưởng rằng đến đây, mọi thắc mắc, lo âu của người dân đã được giải tỏa, pháp luật được tôn trọng, sai phạm đã được ngăn chặn thì bất ngờ ngày 30-8-2013, ông Dương Ngọc Long ký Quyết định số 1699/QĐ-UBND, thu hồi đất để giao cho Cty Hồng Hưng xây dựng TTTM, KS trên hành lang bảo vệ cống qua đê số 3.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao Chủ tịch UBND Thái Nguyên lại bất chấp các quy định về pháp luật đê điều, phớt lờ chỉ đạo của TTTU tỉnh Thái Nguyên, để ký quyết định thu hồi đất, giao cho Cty Hồng Hưng thực hiện dự án xây dựng TTTM, KS Hồng Hưng? Câu trả lời xin được gửi đến UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng.

Theo Nhật Minh
Pháp luật & Xã hội

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.