Mất niềm tin, người dân tự xử

Mất niềm tin, người dân tự xử
TPO - Trong buổi làm việc ngày 17/9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng, nhiều vụ việc người dân tự xử lý, một phần nguyên nhân vì mất niềm tin.

> Khởi tố, bắt giam 2 'cẩu tặc'

> Bị truy đuổi, hai cẩu tặc... chết đuối

Người dân đánh hội đồng chết kẻ trộm chó ở Nghệ An. Ảnh: VNE
Người dân đánh hội đồng chết kẻ trộm chó ở Nghệ An. Ảnh: VNE .

Ngày 17/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc, cho ý kiến về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013; nghe báo cáo kết quả thực hiện NQ 37/2012/QH13 của Quốc hội.

Dân ngại tố cáo, vì chẳng được việc gì

 Nhiều vụ án xảy ra tình trạng công an cấp Bộ về làm thay công an cấp tỉnh, cấp tỉnh về làm thay cấp phường. Điều đó cho thấy, cơ chế tố giác tội phạm tại chỗ không phát huy hiệu quả. Mặc dù người dân biết, nhưng họ không muốn tố cáo. Bởi họ xét thấy chẳng có ích gì, chẳng được việc gì 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định, mặc dù tội phạm đã được ngăn chặn nhưng tình hình an ninh, trật tự, tội phạm băng nhóm ở nhiều nơi, đặc biệt các thành phố lớn, nông thôn diễn biến phức tạp, lộng hành, ngang nhiên, gây bức xúc, bất ổn xã hội. “Nhưng nguy hiểm hơn là các vụ việc mà dân tự xử lý như đánh chết người trộm chó ở Nghệ An”, Đại biểu Khoa nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, việc đánh người trộm cho tới chết cho thấy việc coi thường tính mạng của người khác, bất chấp pháp luật. “Kỷ cương phép nước thế nào?” - Ông Sơn đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định, trong bối cảnh kinh tế xã hội chưa được vực dậy, số người thất nghiệp gia tăng, dẫn tới “bần cùng, sinh đạo tặc”.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, đa phần các vụ án giết người xuất phát sau những cuộc nhậu. “Từ nông thôn tới thành thị ra khỏi cửa đã có rượu. Vì vậy, cần nghiên cứu đưa kinh doanh rượu thành ngành kinh doanh có điều kiện”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hiện nay, nhiều tội ác man rợ ngang nhiên diễn ra hàng ngày, diễn ra ở khắp các lĩnh vực, ngay cả trong y tế, giáo dục, từ gia đình tới nhà trường. “Mất hết cả nhân tình, đạo lý”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nêu các cụm từ được viết trong báo cáo về công tác phòng chống tội phạm như “khá phổ biến”, “đáng báo động”, “diễn biến phức tạp”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên do đạo đức xuống cấp ở mọi lĩnh vực, y tế, giáo dục, tư pháp, hành pháp... “Có phải đạo đức xã hội xuống cấp do người dân nhìn vào một bộ phận cán bộ đảng viên tiêu cực không bị xử lý nghiêm minh?”.

“Phải xử lý nghiêm minh những vụ việc vi phạm, tham nhũng, lấy lại lòng tin của dân. Nếu không, dân sẽ còn tự xử mà tự xử rất công khai. Đấy là chưa kể chống lại người thi hành công vụ. Bản thân lực lượng công an phải đổi mới phương thức hoạt động, bây giờ tướng lĩnh nhiều hơn nhưng tình hình lại phức tạp hơn”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.