> Xem xét thông qua Hiến pháp sửa đổi
> Ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ thôi chức Phó Thủ tướng
Nhiều băn khoăn quanh con dấu
Theo dự thảo Luật Tiếp công dân trình UBTVQH cho ý kiến, hệ thống trụ sở tiếp công dân sẽ được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, có con dấu riêng. Tuy nhiên theo Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa, cơ quan này chỉ là nơi nhận đơn thư của dân, không phải nơi giải quyết đơn thư, nếu có giải quyết cũng chỉ là hướng dẫn việc gửi, chuyển đơn đến cơ quan chức năng mà thôi.
Giải đáp băn khoăn này, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho biết: “Chúng tôi cũng không đồng ý có con dấu, nhưng Thanh tra cứ tha thiết đề nghị có con dấu, vì nhiều khi tiếp xong phải đóng dấu rồi dân mới chịu về”. Bổ sung thêm về vấn đề này. Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề nghị, luật quy định cơ quan tiếp dân lấy tên chung là ban tiếp dân, theo mô hình một cửa, một dấu.
Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, trụ sở tiếp dân mà có cả dấu nữa thì không biết quy mô cơ quan này sẽ như thế nào, làm trụ sở to như vậy mà dân không đến thì sao? “Vì sao thực tế hiện nay dân ít vào trụ sở tiếp dân mà lại kéo nhau ra đường tụ tập, hô hào? Chúng ta phải tính kỹ, làm lớn rầm rộ từ trên xuống mà không có hiệu quả, dân không đến, không vào trụ sở mà cứ đứng ngoài la hét thì cán bộ có ra tiếp không hay vẫn cứ ngồi trong nhà? Phải cân nhắc làm quy mô lớn như thế có nên không, hay là xã hội đang có vấn đề gì mà dân phải bỏ hết ruộng đồng để đi lên tỉnh, đi lên trung ương”, ông Sơn đặt câu hỏi.
Ông Sơn cũng cho rằng, luật chưa đề cập đến trách nhiệm của công dân khi được tiếp. Nếu luật không cấm thì tôi có thể làm, có thể mạt sát, gây sức ép đối với cán bộ.
Người đứng đầu không được né tiếp dân
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, luật phải quy định rõ trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu, nếu quá hai lần anh từ chối không tiếp thì phải chịu trách nhiệm ra sao. Với những vụ việc nóng, bức xúc, người đứng đầu phải có trách nhiệm tháo van, họ phải xuất hiện khi có khiếu kiện đông người, bởi đó là điểm nóng cần giải quyết.
Hơn nữa, theo ông Phúc, cần phải quy định về trách nhiệm đeo đuổi vụ việc đến cùng để tránh vụ việc kéo dài lan man, gây vất vả cho dân, khiến dân chờ đợi mà không có kết quả gì.
Chủ tịch HĐDT Ksor Phước cho biết, cần có quy định cụ thể khi nào tiếp, khi nào thì từ chối, ví dụ việc cũ không có gì mới thì phải được từ chối.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, đối với cấp tỉnh thì có quyền khước từ tiếp dân, bởi ở cấp này có đủ hồ sơ theo dõi giải quyết vụ việc từ đầu. Nhưng ở cấp Trung ương thì vẫn phải tiếp, bởi có đến 80% trường hợp bà con phải lên đến trung ương khiếu kiện là có oan sai.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định, tiếp công dân là trách nhiệm của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước. Đối với những vụ việc đã giải quyết, có quyết định cuối cùng rồi, nếu công dân vẫn đến...thì vẫn phải tiếp, phải giải thích, trả lời dân là việc đó đã giải quyết đúng rồi để công dân không đến nữa, trừ trường hợp có tình tiết mới.
Phải dứt điểm vụ công dân 2 năm không được tiếp Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại vụ việc công dân có tên Nguyễn Thị Phương Dung (ở Hà Đông) phải chờ đợi tới hai năm mà chưa được tiếp (Tiền Phong đã có bài đề cập – PV). “Vừa rồi tôi cũng nhận được giấy đề nghị Chủ tịch Quốc hội phải trả lời việc này. Khi công dân đến trụ sở tiếp công dân hay khi chúng ta nhận được giấy như thế thì phải làm thế nào để giải quyết vụ việc dứt điểm đi, theo đúng quy định của luật” – Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói. |