> Vi phạm Luật Đa dạng sinh học
> Lại phản đối thủy điện 6&6A
Ngày 11/9, đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo quyết định 1208 năm 2011 của Thủ tướng, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, trong danh mục các dự án nguồn điện vào vận hành giai đoạn 2011-2020, có tên dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A.
“Nếu làm dự án Đồng Nai 6 & 6A phải phá tới 340ha rừng để thu được 100MW điện. Với 100MW điện, không giải quyết được việc gì. Theo tôi, nên dẹp dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A”. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng |
Theo đó, dự án thủy điện Đồng Nai 6 sẽ đưa vào vận hành năm 2015 và Đồng Nai 6A đưa vào vận hành năm 2016. “Tuy nhiên, quy hoạch là nhằm mục đích tính toán tiềm năng tổng thể về thủy điện nói riêng và nguồn điện nói chung. Còn dự án có được phê duyệt đầu tư hay không lại là câu chuyện khác”, vị đại diện Bộ Công Thương nói. Cũng theo vị này, trên thực tế, nhiều dự án có trong quy hoạch nhưng không được triển khai trên thực tế vì nhiều lý do.
Cùng ngày, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trên hệ thống sông Đồng Nai, EVN hiện đang quản lý ba nhà máy thủy điện (Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 và Trị An). Về thông tin EVN “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A (Công ty Đức Long Gia Lai), ông Tri cho biết, EVN chỉ ký kết mua bán điện với các đối tác khi họ có đầy đủ giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật. “Với dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A chưa được phê duyệt, làm sao EVN ký kết được”, ông Tri nói.
Là chuyên gia lâu năm về điện, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho PV Tiền Phong biết, từ trước đến nay, chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A hoàn toàn làm ngược, làm trái quy luật, sai nguyên tắc. Sỡ dĩ có câu chuyện hôm nay vì trước đó, một lãnh đạo địa phương đã chấp thuận cho Công ty Đức Long Gia Lai thăm dò, khảo sát. Tuy nhiên, người chấp thuận nay đã nghỉ hưu.
Ông Ngãi cho biết, theo quy định, thủy điện dù lớn hay nhỏ, nếu lấy trên 100ha rừng, đều phải thông qua Quốc hội. Đó là quy định bắt buộc, bất di bất dịch. Còn với dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A, lấy tới 340ha rừng, là vượt quá quy định. Về nguyên tắc, giả sử dự án Đồng Nai 6 & 6A được Thủ tướng đồng ý, bước tiếp theo phải trình Quốc hội. Nếu Quốc hội phê duyệt mới được phép đầu tư. “Nhưng tôi được biết, cho đến thời điểm này, Quốc hội chưa có bất cứ ý kiến gì về dự án này”, ông Ngãi khẳng định.
Cũng theo ông Ngãi, dự án này xâm phạm nghiêm trọng đến vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Vườn Quốc gia này đã được UNESCO công nhận là vùng sinh quyển thế giới. Do đó, không ai có quyền xâm phạm (kể cả việc thăm dò, khảo sát...). Từ xưa đến nay, với thủy điện vừa và nhỏ, nhiều nhà đầu tư tư nhân thường lợi dụng cơ chế của địa phương để nhằm mục đích lấy gỗ và lâm sản. “Nếu làm dự án Đồng Nai 6 & 6A phải phá tới 340ha rừng để thu được 100MW điện. Với 100MW điện, không giải quyết được việc gì. Theo tôi, nên dẹp dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A”, ông Ngãi nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Ngãi, theo sơ đồ điện 7 đã được Thủ tướng phê duyệt, tới năm 2017, sẽ chấm dứt hoàn toàn việc xây dựng thủy điện nhỏ và vừa, chỉ cho phép những dự án thủy điện đang xây dựng tiếp tục triển khai (Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Nậm Chiến...). Những dự án được triển khai vì chủ yếu được xây dựng trên 300MW, không phá rừng, hiệu quả đầu tư cao và do các tập đoàn Nhà nước làm chủ đầu tư.
Về lý do có trong quy hoạch, ông Ngãi đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Bộ Công Thương là không nên hiểu theo hướng cứ có trong quy hoạch sẽ được triển khai. “Có quy hoạch nhưng được phép triển khai hay không hoàn toàn khác nhau. Mục đích của quy hoạch là nhằm tính tổng thể tiềm năng về thủy điện. Trên thực tế, có nhiều dự án có trong quy hoạch nhưng không được triển khai”, ông Ngãi cho biết.
Kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường là hợp lý Theo GS TSKH Đặng Huy Huỳnh, Thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A, dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A gây ra nhiều tranh cãi giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và cộng đồng, tạo ra dư luận rất nóng suốt mấy năm qua, đặc biệt là vấn đề liên quan đến VQG Cát Tiên và Khu ngập nước ramsar Bàu Sấu. Ông Huỳnh đánh giá việc Bộ Tài nguyên & Môi trường kiến nghị rà soát lại quy hoạch của thủy điện Đồng Nai 6&6A là việc làm hợp lý, nhấn mạnh được vai trò hài hòa giữa các yếu tố lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong phát triển. |