Lao động ngoại có giấy phép mới được nhập cảnh

Lao động ngoại có giấy phép mới được nhập cảnh
TP - Thảo luận về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (UBQPAN) Nguyễn Kim Khoa cho biết, dự luật quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

> Câp giấy phép cho công nhân Trung Quốc tại Thủy điện Sông Bung 4
> Thủy điện Sông Bung 4: Hơn 100 công nhân Trung Quốc làm việc chui

Cụ thể, theo ông Nguyễn Kim Khoa, trước đây người lao động nước ngoài được cấp thị thực, sau đó mới cấp giấy phép lao động. Còn bây giờ, theo dự thảo Luật, người lao động phải có giấy phép lao động trước thì mới được cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam làm việc. “Quy định này nhằm bảo đảm người nước ngoài vào đúng với mục đích lao động ban đầu, ngăn chặn việc lợi dụng đi du lịch rồi ở lại làm việc, hoặc sau đó chuyển mục đích thị thực”- ông Khoa cho biết.

Cư trú trái phép tràn lan

Tính đến hết tháng 6/2013, đã có 22.791.327 lượt khách nước ngoài vào Việt Nam du lịch; có 14.489 dự án của 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam ở cả 63 tỉnh, thành với tổng số vốn đăng ký trên 213 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực về kinh tế - xã hội, đối ngoại, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam có một số biểu hiện vi phạm pháp luật, diễn biến phức tạp.

Một số DN sử dụng tư cách pháp nhân chỉ để bảo lãnh cấp thị thực cho người nước ngoài, nhưng họ vào thế nào, hoạt động ra sao, DN không nắm được. Vì vậy, có hàng ngàn lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại các công trình xây dựng, nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu (Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau, Xi măng Ninh Bình, Thanh Hóa, Tây Ninh, bauxite nhôm Lâm Đồng) không phải do nhà đầu tư (hoặc nhà thầu) bảo lãnh cấp thị thực. Một số đối tượng xấu cũng lợi dụng vào nước ta tiến hành các hoạt động trái pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như lừa đảo, kinh doanh bất hợp pháp...

Theo Bộ Công an, do việc cấp thị thực D một cách tràn lan (thời hạn 15 ngày), những năm gần đây công dân nước nghèo, đặc biệt là nước châu Phi như Nigeria, Bangladesh, Cameroon đến Việt Nam bằng thị thực loại D gia tăng. Nhiều người sau khi nhập cảnh đã ở lại, tìm kiếm việc làm, cư trú trái phép, vi phạm pháp luật (cướp giật, buôn bán ma túy, tìm đường đi nước thứ 3), gây mất trật tự xã hội, nhiều trường hợp không có tiền, giấy tờ tùy thân rất khó quản lý.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang thí điểm áp dụng việc đơn phương miễn thị thực cho 7 nước theo đề nghị của ngành du lịch bao gồm Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và 4 nước Bắc Âu (Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển) với thời hạn cư trú 15 ngày.

Đến tháng 4/2013, Bộ Công an đã lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan đánh giá về việc đơn phương miễn thị thực để báo cáo Chính phủ thì thấy rằng, đa số các nước Tây Âu và Hoa Kỳ đều không áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương như nước ta. Các nước này coi thị thực là biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia từ xa chứ không phải là biện pháp để đẩy mạnh hoạt động du lịch. Việc miễn thị thực đơn phương cũng không phù hợp với nguyên tắc ngoại giao có đi có lại. Có không ít trường hợp lợi dụng để hoạt động truyền đạo trái phép, phát tán tài liệu phản động.

Không để lợi dụng nhập cảnh gây rối

Bộ Công an nhận định, khi đưa ra giải pháp hút khách nhưng ngành du lịch đã không có biện pháp quản lý, “để tuột khỏi tay” không quản lý được khách vào theo diện miễn thị thực; làm giảm nguồn thu ngân sách và để DN nước ngoài thao túng thị trường trong nước.

... Nhất trí với các quy định của dự thảo Luật, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị “công khai minh bạch về thủ tục, nhưng cũng phải có biện pháp quản lý không để người nhập cảnh tùy tiện chuyển đổi mục đích thị thực”. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, dự luật cần có quy định để quản lý chặt chẽ, tránh việc lợi dụng nhập cảnh để làm chuyện này chuyện khác như gây rối đối với xã hội, gây rối chính trị.

Chỉ còn 130 lao động Trung Quốc ở Tân Rai

Báo cáo UBTVQH về kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, UBQPAN cho biết, tình hình lao động Trung Quốc tại các dự án bauxite tại Tây Nguyên đến nay đã cơ bản được giải quyết theo hướng tích cực.

Tại dự án Tân Rai (Lâm Đồng), theo báo cáo của lãnh đạo huyện, hiện nay chỉ còn 130 người là quản lý và chuyên gia (lúc cao điểm có hơn 1.000 người). Đa số lao động ở đây đã về nước và không có trường hợp nào lấy vợ, chồng hoặc ở lại địa phương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG