Sợ bị trả thù, dân làm ngơ trước tham nhũng

Sợ bị trả thù, dân làm ngơ trước tham nhũng
TP - Đó là đúc kết của ông Jairo Acuna Alfaro - cố vấn chính sách của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) về kinh nghiệm phòng chống tham nhũng tại Việt Nam trong Hội nghị phòng chống tham nhũng (PCTN) quốc tế hôm qua (5/9) ở Đà Nẵng, do Thanh tra Chính phủ tổ chức. Ông Alfaro đã điều tra xã hội học nhiều người dân của hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam và cho ra kết quả trên.

> Nữ hộ sinh tố tham nhũng từ chối nhận thưởng
> Nữ hộ sinh tố cáo tham nhũng

Hối lộ để nhận dịch vụ tốt

Theo ông Alfaro, khảo sát tại các tỉnh thành, đa số người dân khi đi làm dịch vụ công đều cho rằng chủ động đưa tiền, quà thì sẽ nhận được dịch vụ công tốt hơn rất nhiều so với việc “làm ngơ”, tuân thủ theo nguyên tắc. “Điều đó cho thấy, tham nhũng vặt, hối lộ ở Việt Nam khá trầm trọng và đã ăn sâu vào gốc rễ, ngay cả đối với người dân” – ông Alfaro kết luận.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của việc người dân không dũng cảm tố giác tham nhũng, đưa dịch vụ công trở về với nguyên tắc cơ bản của nó là bởi họ sợ bị trả thù. Quan trọng hơn, họ không còn tin vào hệ thống pháp luật có thể bảo vệ họ. Khảo sát của ông Alfaro cho thấy, tuyệt đại đa số người dân không bao giờ tố cáo tham nhũng ở hệ thống công an xã, phường, quận huyện; tình trạng cũng tương tự đối với hệ thống ủy ban nhân dân phường, quận huyện.

Đa số người dân cho rằng, tham nhũng vặt xảy ra chủ yếu ở 3 lĩnh vực: xin việc ở khu vực nhà nước, đi khám chữa bệnh viện công và khi làm thủ tục xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ những đúc kết này, ông Alfaro khẳng định, việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công hiện nay là chưa hiệu quả. Chỉ có 5 địa phương “tạm được” là Tiền Giang, Bình Định, Đà Nẵng và Sóc Trăng. Tuy nhiên, cả 5 tỉnh thành này cũng mới chỉ dừng lại ở mức “quan tâm đáng kể tới việc kiểm soát chống tham nhũng”.

Kê khai tài sản: chưa hiệu quả

Theo bà Trần Thị Lan Hương (đại diện Ngân hàng thế giới), biện pháp kê khai tài sản có mối tương quan chủ yếu với mức độ tham nhũng vẫn còn thấp. Vì thế, việc kê khai tài sản gần như không có hiệu quả gì đối với cuộc chiến PCTN hiện nay.

Theo bà Lan Hương, Việt Nam tiến hành kê khai tài sản khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, với khoảng 2.000 bản kê được kiểm tra xác minh mỗi năm. Mặc dù vậy, việc kiểm tra này cũng mang tính hình thức, chưa tỉ mỉ và hệ thống. “Ở Indonesia, công chức không cần kê khai tài sản hằng năm mà họ khai đầu vào, đầu ra. Họ bị kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu”. Từ việc kê khai hình thức dẫn đến việc tiết lộ tài sản cá nhân, đặc biệt lãnh đạo cấp cao cũng bị bưng bít. Theo bà Hương, cần phải giảm số người kê khai, tập trung lãnh đạo cấp cao, sau đó phải công khai trên báo chí cho người dân biết. Tiến xa hơn, người thân của lãnh đạo cấp cao như vợ, chồng; tài sản ở nước ngoài... cũng phải minh bạch hóa.

Ông Jairo Acuna Alfaro cho biết, sau nhiều năm điều tra và nghiên cứu ở Việt Nam, ông nhận thấy hệ thống pháp luật quy định về PCTN vẫn còn rất lỏng lẻo, đặc biệt vấn đề hình sự hóa tham nhũng. “Hiện Việt Nam đã ký công ước quốc tế về PCTN, nhưng vẫn còn ba điều chưa chịu ràng buộc, gồm làm giàu bất chính (Điều 20); Trách nhiệm pháp lý (Điều 26), và Dẫn độ tội phạm tham nhũng (Điều 44). Cần phải sửa đổi và bổ sung Luật hình sự về PCTN” – ông Alfaro nói.

Ông Alan Doig – chuyên gia PCTN, người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này ở UNDP cho rằng, Việt Nam vẫn đang quá chú trọng vào việc đưa người tham nhũng vào tù hơn là lấy lại số tài sản họ tham nhũng mà có. “Cần phải xác định thiệt hại của tham nhũng là bao nhiêu, cụ thể hóa con số. Việc cần kíp không phải là xác minh ai là nạn nhân của tham nhũng, làm thế nào đưa người tham nhũng vào tù mà là lấy lại tài sản cho Nhà nước. Sau đó mới đến các bước khác”- ông Alan Doig khuyến cáo. Một chuyên gia PCTN khác, ông Alan Bacarese cho rằng, có 5 bước để thực hiện thu hồi tài sản, gồm: xác minh vụ việc, truy tìm, phong tỏa tài sản, tịch thu và thu hồi.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG