Người lãnh đạo phải hấp dẫn về trí tuệ, nhân cách

Người lãnh đạo phải hấp dẫn về trí tuệ, nhân cách
TP - Nhân Quốc khánh 2/9, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ với Tiền Phong những suy ngẫm về nội các Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng 8, tài dùng người của Bác Hồ, những vấn đề quan trọng của công tác cán bộ hiện nay...

> Hội nhập phải làm cho người ta phục mình
> Phanh phui tham nhũng cấp T.Ư chỉ chiếm 0,3%

Không thiếu người tài ngoài Đảng

Vì sao Nội các Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng 8 lại có nhiều thành viên tài ba, đức độ?

 Thế hệ lập quốc, tuy lý thuyết ít, nhưng kinh nghiệm cuộc sống lại “khủng khiếp”. Các vị đó trải qua đấu tranh thực tiễn, tù đày, chiến tranh, phải đối đầu với những kẻ thù rất mạnh, những thử thách ghê gớm, trở thành những con người tài ba, lỗi lạc. Thêm nữa, các vị lãnh đạo chủ chốt đều có học thức, văn hóa theo nghĩa rộng. Mặt khác, họ lại huy động được trí tuệ của các nhà trí thức hàng đầu đất nước”.  

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Theo tôi, yếu tố quyết định chính là tài dùng người của Bác Hồ. Chỉ có Bác Hồ với chí hướng, tài ba, đức độ xuất chúng của mình mới có sức hấp dẫn đối với những con người như vậy và chỉ có Bác với ý tưởng đại đoàn kết dân tộc, trọng dụng nhân tài mới dùng người như vậy. Thành viên Chính phủ lúc ấy và trong những năm tháng sau đó bao gồm nhiều trí thức hàng đầu. Đó là chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng từng làm Bộ trưởng Nội vụ, có lúc làm quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ đi thăm Pháp. Đó là ông Phan Kế Toại từng làm Khâm sai đại thần trong chế độ cũ làm Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ. Đó là những trí thức hàng đầu đất nước như Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên là tiến sỹ ở Pháp về, Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí, Phạm Ngọc Thạch - những vị bác sỹ tài ba, Bộ trưởng Nông nghiệp là nhà thơ Cù Huy Cận rồi kỹ sư nông học Nghiêm Xuân Yêm, Bộ trưởng Thủy lợi là kỹ sư Trần Đăng Khoa, Bộ trưởng Bộ Công Thương là luật sư Phan Anh, người từng là Bộ trưởng Thanh niên trong nội các Trần Trọng Kim do Nhật dựng nên... Rồi các giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, hay bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Hà Nội trong một thời gian dài; các ông Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước ở Pháp về...Tôi có may mắn được nghe nhiều vị bộc bạch lòng thán phục vô hạn đối với Bác Hồ. Chính sự thán phục ấy đã động viên họ rũ bỏ vinh hoa phú quý đi theo cách mạng, đi vào kháng chiến. Tài ba, nhân cách của họ đã góp phần làm cho bộ máy chính quyền non trẻ của ta vận hành trôi chảy.

Nội các của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng tháng 8 có rất nhiều bộ trưởng là người ngoài Đảng. Vì sao hiện nay chúng ta chưa có bộ trưởng ngoài Đảng?

Không phải ta không có chủ trương đưa những người có tài, có đức ngoài Đảng giữ những cương vị lãnh đạo nhà nước đâu. Tôi không còn nhớ chính xác, nhưng ý tưởng ấy đã được nêu lên trong văn kiện chính thức. Tuy nhiên, đi liền theo đó cần có những cơ chế thích hợp. Ví dụ, lâu nay quy định, người giữ cương vị lãnh đạo phải kinh qua lớp chính trị cao cấp ở Trường Đảng, còn quy chế chiêu sinh lại phải là đảng viên chẳng hạn. Hay cơ chế “kinh qua” các cấp bậc cũng hạn chế khả năng lựa chọn những người không có điều kiện “kinh qua”...

Theo ông, với tình hình hiện nay, đến bao giờ có bộ trưởng ngoài Đảng?

Tôi không dám đoán mò. Tuy nhiên, nếu có cơ chế thích hợp thì ý tưởng đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực vì nước ta không thiếu người hiền tài mặc dầu họ không đứng trong hàng ngũ Đảng.

Hạn chế những nhân tố gây nhiễu

Trong bối cảnh đất nước bây giờ, người lãnh đạo cần có những tố chất gì, theo ông?

Bất kỳ người lãnh đạo nào cũng phải có tài (đủ năng lực xác định mục tiêu, đề ra nhiệm vụ chuẩn xác, biết phân bổ nguồn lực, tổ chức công việc...) và có tâm (vì lợi ích của đất nước, lôi cuốn được mọi người...). Mối quan hệ giữa “tài” và “đức” là đề tài tranh luận triền miên không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới. Theo quan điểm của riêng tôi, người có tài mà không có đức thì cực kỳ nguy hiểm, có thể phá hỏng cả sự nghiệp của tổ chức, của đất nước; ngược lại có đức mà không có tài lại có thể đẻ ra tình trạng trì trệ. Ngoài ra, còn cần những tố chất “trời cho”, ví dụ sự mạnh mẽ, tính quyết đoán, tài thuyết phục...; nếu quá nhút nhát, “ù lì” thì khó bề lãnh đạo được người khác.

Những tố chất cần có phải được rèn luyện qua hai con đường, một là trường học chính thống, hai là lăn lộn trong thực tiễn. Quá câu nệ bằng cấp thì chẳng nên, nhưng cũng không nên “kỳ thị” bằng cấp. Tiếc rằng ở ta còn không ít sự lẫn lộn. Chức danh tiến sỹ là để làm khoa học hay dạy học chứ không phải để quản lý! Bộ trưởng, thứ trưởng, thậm chí cấp vụ đâu cần danh hiệu tiến sỹ? Họ cần nắm vững kiến thức và kỹ năng quản lý, điều hành, nắm những kiến thức đại cương về chuyên môn; còn kiến thức chuyên sâu đã có chuyên gia. Do sự lẫn lộn về bằng cấp, nên đã nảy sinh hiện tượng chạy bằng cấp, “học giả bằng thật”.

Ông nghĩ gì về hiện tượng chạy chức chạy quyền, dẫn tới việc người “đi cửa sau” lại lên lãnh đạo, trong khi người có đầy đủ tố chất để làm lãnh đạo lại không lên được?

Đó là những yếu tố gây nhiễu, làm méo mó đội ngũ quan chức, cán bộ, đảo lộn giá trị, ngồi nhầm chỗ. Không ngăn chặn được tình trạng này thì mất hết lòng tin của người dân, tha hóa bộ máy lãnh đạo, quản lý mà kết quả cuối cùng là chế độ bị đe dọa, đất nước suy vong.

Với ông, điều quan trọng nhất của một người lãnh đạo là gì?

Cái quan trọng nhất là phải hấp dẫn người ta bằng trí tuệ và nhân cách. Nếu chỉ lợi dụng địa vị, quyền lực để áp chế thì người ta chỉ giả vờ dạ dạ, vâng vâng thôi.

Có người cho rằng, nhiều lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn, thiếu kỹ năng lãnh đạo chuyên nghiệp. Ông nghĩ sao?

Đây là một lỗ hổng trong cách dùng người của ta. Đáng ra mỗi chức danh phải có tiêu chuẩn, trách nhiệm rõ ràng. Ví dụ, một cô thư ký phải hội đủ những tiêu chuẩn gì, có những nhiệm vụ gì cụ thể? Những điều đó cần phải trở thành quy phạm pháp luật của Nhà nước. Và cứ như vậy, mỗi chức danh trong bộ máy Nhà nước từ trên xuống dưới đều phải được chuẩn hóa rất cụ thể chứ không chỉ chung chung như trung thành, chịu khó, đoàn kết... Tiếc rằng, ở ta chưa có nên sự sắp xếp bố trí, sử dụng khá tùy tiện, công chức, viên chức không có tính chuyên nghiệp cao.

Thứ đến là hệ thống đào tạo cần chú trọng đào tạo kỹ năng chứ không chỉ nhồi nhét kiến thức, trong đó có những kiến thức cứ nhồi đi nhét lại từ sơ cấp đến trung cấp rồi cao cấp, chính quy rồi tại chức...

Chế độ đãi ngộ cũng lắm vấn đề. Một giáo viên cấp 1 muốn tăng lương thăng chức thì phải cố học bổ túc để được lên giáo viên cấp 2; giáo viên cấp 2 cố lên giáo viên cấp 3… Với chế độ đãi ngộ đó, người thạo nghề khá hiếm, người làng nhàng khá nhiều. Ngoài ra, còn có chế độ cử bác sỹ giỏi làm giám đốc bệnh viện, giáo sư giỏi làm hiệu trưởng, trong khi đó là những nghề đòi hỏi năng lực quản lý, chứ không phải trình độ chuyên môn. Nếu không có những sự thay đổi thì không thể có đội ngũ công chức, viên chức nhà nước có tính chuyên nghiệp, thạo nghề được. Tóm lại, cần làm sao ngồi đúng chỗ, ngồi nhẫm chỗ làm sao làm tốt được.

Kỹ năng lãnh đạo quản lý còn kém

Ông nhận xét gì về thế hệ trẻ hiện nay?

Thế hệ trẻ hiện nay hơn thế hệ chúng tôi hai điều: Kiến thức của họ rộng hơn, họ tiếp cận được nhiều thông tin của Việt Nam và thế giới; và họ mạnh dạn, tự tin hơn chúng tôi. Thế hệ chúng tôi không được đào tạo cơ bản, không có điều kiện tiếp xúc nhiều thông tin, nhất là thông tin về thế giới. Thế hệ chúng tôi rụt rè lắm, không dám nói, không dám tranh luận, tất cả do tổ chức sắp xếp, phát biểu nào cũng có bài viết sẵn. Bây giờ thì khác. Tôi có tham gia nhiều cuộc đối thoại với giới trẻ, các bạn hỏi có khi từ 8 giờ sáng tới 12 giờ trưa vẫn chưa hết và hỏi những vấn đề rất lớn, chứ không phải nhỏ nhặt đâu.

Mặt yếu của giới trẻ là kỹ năng sống, kỹ năng làm việc còn kém, kiến thức thì có nhưng lúng túng trong việc biến kiến thức thành hành động. Các trường của ta ít dạy kỹ năng, chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức, cách học cũng thụ động, không khơi dậy óc sáng tạo, phong cách tự tin. Còn về kỹ năng sống, ít chú ý giáo dục những điều giản dị mà thiên về những khái niệm trừu tượng, xa với cuộc sống thường nhật.

Một số bạn trẻ được đi học ở nước ngoài tiếp thu văn hóa phương Tây nhưng không thích nghi được với thực tế Việt Nam, sinh ra chán nản, đưa ra những ý tưởng không hợp thực tế.

Theo ông, có cần đào tạo cho thế hệ trẻ những kỹ năng cần thiết của khoa học quản lý, lãnh đạo, để trong số đó sẽ có những người trở thành nhà lãnh đạo giỏi trong tương lai?

Không những thế hệ trẻ mà toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của ta đều cần những kỹ năng này. Tiếc rằng trước đây ở ta ít chú trọng, thậm chí chẳng có cuốn sách nào dạy bài bản về kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Các sách dịch từ tiếng nước ngoài phần nhiều nói về lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, ít nói về lãnh đạo, quản lý nhà nước. Vả lại, nhiều điều họ dạy chưa chắc đã phù hợp với dân ta, không chỉ về thể chế mà cả về văn hóa, tâm lý con người.

Cảm ơn ông.

Phùng Nguyên
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG