Phó Hiệu trưởng bị tạm giam: Phụ huynh, giáo viên hoang mang

Phó Hiệu trưởng bị tạm giam: Phụ huynh, giáo viên hoang mang
TP - Cuối tuần qua, bà Trương Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Phương Nam (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường, bị khởi tố, bị bắt tạm giam. Nhiều giáo viên nói rằng, họ bị nợ lương. Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội tuyên bố, nếu còn một học sinh, trường vẫn phải dạy.

> Hiệu phó bị tố quỵt hàng trăm tỷ từng đe đánh gãy chân chồng
> Khởi tố nữ hiệu phó vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với bà Trương Thị Hải Yến về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hôm 24/8. Ngày 26/8, thầy trò của trường vẫn dạy - học bình thường.

Một giáo viên của trường tâm sự: “Chúng tôi làm việc trong trạng thái bất an từ nhiều tháng nay. Gần đây có một số người đến tụ tập trước cổng trường để đòi nợ cô Yến thì chúng tôi cũng hơi lo lắng, nhưng vẫn hy vọng cô Yến sẽ giải quyết được ổn thỏa. Giờ cô Yến bị bắt, chúng tôi thật sự hoang mang. Tuy vẫn lên lớp dạy học nhưng chúng tôi không chắc là còn dạy được đến những ngày nào”.

Được biết, cả ba cấp học của trường Phương Nam đều khuyết vắng hiệu trưởng từ lâu. Trước đây, trường THPT có một phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, nhưng thầy giáo này đã xin nghỉ, khi bắt đầu có một số cá nhân đến phá rối trong trường với lý do “đòi nợ”. Sau khi bà Yến bị tạm giam, việc điều hành nhà trường được giao cho bà Phan Thanh Thuận (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Định Công, quận Hoàng Mai).

Theo nhiều giáo viên, việc bà Yến bị tạm giam, khởi tố có ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý hầu hết thầy cô trong trường. “Có thể nhiều cổ đông góp vốn đầu tư xây trường, nhưng chúng tôi chỉ biết mỗi cô Yến. Bây giờ cô Yến bị bắt rồi, chúng tôi không biết ai sẽ trả lương cho mình. Nhà trường nợ lương giáo viên từ tháng Năm (và một ít của tháng Tư) tới nay, giờ chúng tôi không biết bám vào ai để đòi. Nhiều anh chị đã bỏ trường đi. Số còn lại chưa đi không phải vì không có chỗ làm mà bởi vẫn còn học sinh thì chúng tôi vẫn phải dạy”, một giáo viên nói.

Còn một học sinh vẫn dạy

Theo các giáo viên, những năm gần đây, việc tuyển sinh của trường Phương Nam ngày một khó khăn. Cấp tiểu học vừa mới giải thể và UBND quận Hoàng Mai cam kết các trường trong quận có trách nhiệm nhận học sinh của Phương Nam. Hiện tại, khối THPT của trường có bốn lớp 12, ba lớp 11, hai lớp 10. Cấp THCS chỉ có sáu học sinh lớp 8.

Theo nhiều phụ huynh có con học tại trường, họ muốn biết thêm tình hình rồi mới quyết định cho con chuyển trường hay không. “Con tôi đang học lớp 12 nên năm nay là một năm rất quan trọng. Thay đổi môi trường học tập sẽ mang đến nhiều bất lợi cho các cháu, đặc biệt nếu một mình cháu phải bắt đầu làm quen ở một môi trường mới. Vì thế, phụ huynh chúng tôi đã bàn với nhau, nếu chuyển trường thì tất cả sẽ cùng chuyển về một trường mới để tất cả các cháu vẫn được học với nhau”, ông L.T.H nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 26/8, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, Sở sẽ có trách nhiệm giúp đỡ nhà trường duy trì hoạt động dạy học bình thường. “Hôm nay, Sở đã cử một chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học xuống làm việc tại trường. Quan điểm của chúng tôi là nếu còn một học sinh, nhà trường vẫn phải tổ chức dạy học”, ông Quang nói.

Trước băn khoăn của giáo viên, nếu tiếp tục dạy học tại trường Phương Nam, ai sẽ là người trả lương cho họ, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời: “Thông tin từ cơ quan công an cho biết, trước khi bị tạm giam, cô Trương Thị Hải Yến đã làm giấy uỷ quyền cho các cổ đông góp vốn để họ có trách nhiệm duy trì các hoạt động của nhà trường”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.