Cẩn thận với chất biến đổi gen

Cẩn thận với chất biến đổi gen
Chất biến đổi gen (GMO) sẽ là một hàng rào kỹ thuật nhà nhập khẩu dựng lên đối với hàng nhập khẩu giống như hàng rào về dư lượng chất kháng sinh.

Cẩn thận với chất biến đổi gen

> Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững
> Việt Nam trồng ngô biến đổi gene để khảo nghiệm

Chất biến đổi gen (GMO) sẽ là một hàng rào kỹ thuật nhà nhập khẩu dựng lên đối với hàng nhập khẩu giống như hàng rào về dư lượng chất kháng sinh.

Các DN xuất khẩu gạo cần nên chú ý với khách hàng nhập khẩu ngày càng có xu hướng yêu cầu về sản phẩm không có chất biến đổi gen. Ảnh: CTV
Các DN xuất khẩu gạo cần nên chú ý với khách hàng nhập khẩu ngày càng có xu hướng yêu cầu về sản phẩm không có chất biến đổi gen. Ảnh: CTV.

“Không phải bây giờ mà đã từ lâu châu Âu, Nhật Bản và một số thị trường nữa đã phản ứng gay gắt với thực phẩm có chứa chất biến đổi gen. Các nhà nhập khẩu bắt đầu thận trọng và có nhắc nhở đối với hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam. Nếu doanh nghiệp (DN) không rà soát đầu vào để đảm bảo hàng không có chất biến đổi gen thì có nguy cơ các thị trường xuất khẩu sẽ đóng cửa đối với hàng Việt Nam” - GS Võ Tòng Xuân cảnh báo.

Dễ bị nhiễm mà không hay

GS Xuân cho biết thị trường châu Âu đang lên kế hoạch kiểm tra chất biến đổi gen trong hàng nhập khẩu, đặc biệt là thủy sản. Cách đây một năm, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đồng loạt đưa tin phát hiện chất biến đổi gen trong bánh phở làm từ gạo của một công ty Việt Nam. Không chỉ Nhật Bản, châu Âu và sắp tới là nhiều thị trường khác sẽ phản đối sử dụng sản phẩm biến đổi gen.

Khi được phép thương mại theo lộ trình gia nhập WTO, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam sẽ vô cùng hỗn tạp. Nông dân, DN sẽ bối rối trong việc lựa chọn thức ăn cho vật nuôi, có khi vô tình dính chất biến đổi gen mà không hề hay biết.

Việc phát triển thực phẩm biến đổi gen từ cây trồng biến đổi gen trong nước cũng nên cẩn trọng bởi có thể trở thành mối nguy lớn đối với ngành xuất khẩu nông sản. Phần lớn khách hàng nhập khẩu mặt hàng này là từ Nhật và châu Âu.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết gần 100% đậu nành, bắp… nhập khẩu làm thức ăn cho ngành chăn nuôi, thủy sản đều là cây trồng biến đổi gen do chủ yếu nhập từ Bắc và Nam Mỹ, nơi phát triển mạnh cây trồng biến đổi gen.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, còn cho hay nước ta không hề có giống lúa biến đổi gen nên không thể có trường hợp gạo hay các sản phẩm làm từ gạo nhiễm chất biến đổi gen. Thế nhưng hiện nay đã có khá nhiều khách hàng nhập khẩu đưa ra yêu cầu, tiêu chí về sản phẩm gạo không có chất biến đổi gen. Và xu hướng này ngày càng nhiều nên bắt buộc các DN xuất khẩu gạo phải hết sức chú ý.

Cần quy chế kiểm soát

Bàn về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết tuy chưa có hàng rào kiểm soát chất biến đổi gen trong sản phẩm nhưng một khi các nhà nhập khẩu đã lên tiếng cảnh báo thì DN nên lưu ý. VASEP cũng đã lưu ý đối với các DN hội viên trong kiểm soát nguyên liệu đầu vào nên ký hợp đồng cam kết mua thức ăn chăn nuôi không có chất biến đổi gen.

Bên cạnh đó, GS Xuân cho rằng Chính phủ cần đưa ra một quy chế kiểm soát chất biến đổi gen như phân vùng rõ ràng nơi có trồng cây biến đổi gen và buộc dán nhãn cho các sản phẩm biến đổi gen. Đồng thời, Chính phủ có những chính sách hỗ trợ nông dân và DN xuất khẩu nông thủy sản sang Nhật và châu Âu tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tốt để truy nguyên nguồn gốc khi cần, không sử dụng chất biến đổi gen trong chế biến, xuất khẩu.

GS Xuân còn cho rằng chỉ khi nào Việt Nam làm chủ được công nghệ thì thị trường xuất khẩu mới chấp nhận thực phẩm biến đổi gen từ nước ta. Khi nào nông dân chủ động quản lý được sản xuất mới nên nghĩ đến phát triển sản phẩm biến đổi gen. Việc Nhật Bản và châu Âu cảnh báo đã giúp Việt Nam lưu ý hơn.

2015: Việt Nam sẽ trồng đại trà cây biến đổi gen

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết qua khảo nghiệm thì bắp biến đổi gen Bt cho nhiều đặc tính vượt trội như năng suất cao, khả năng chống chọi sâu, cỏ tốt. Tuy nhiên, việc áp dụng phải theo lộ trình và khảo nghiệm của nhà quản lý và nhà khoa học. Dự kiến đến năm 2015 mới đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất đại trà, trước mắt là giống bắp.

Theo Quang Huy
Pháp luật TP.HCM

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG