Nỗi buồn rùa da trước nguy cơ tuyệt chủng

Nỗi buồn rùa da trước nguy cơ tuyệt chủng
TP - Lần đầu tiên, ổ trứng rùa da được phát hiện ở bờ biển Việt Nam. Nhưng đã không có con rùa con nào được sinh ra từ ổ trứng đó.

> 10 triệu đồng mua tự do cho rùa sắp tuyệt chủng
> Trả lại tên cho 'cụ' rùa

Lần đầu tận thấy ổ trứng rùa da

Khoảng 1 giờ sáng ngày 24/6, anh Nguyễn Ngọc Tân thấy một vật to lớn màu đen đang động đậy, thờ phì phò ngay trước quán nhậu của mình ở bờ biển Bãi Dài, thôn Thủy Triều (Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa). “Tôi biết ngay là con rùa da, vì khoảng chục năm trước ông chú tôi cũng đã bắt được một con rùa da ở bãi này” - Anh Tân kể.

Anh gọi người quen đến, đợi khi con rùa đẻ xong và quay về biển, họ tìm cách lật ngửa nó, chờ các nhà chuyên môn tới. Con rùa da có chiều dài 2m, chiều rộng thân 1,25m, chiều rộng tính cả chi trước 2,3m, ước tính trọng lượng hơn 400kg, được đưa trở lại biển ngay buổi sáng 24/6. “Có nhiều người đến xin trứng rùa, có bà ở Sài Gòn nài nỉ tôi bán cho bà mấy trứng để trị bệnh hen, giá nào bả cũng chịu. Nhưng tôi không đồng ý” - Anh Tân kể.

Hơn một tuần sau khi nghe tin có ổ trứng rùa da ở Bãi Dài, Th.S Chu Thế Cường, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam vào đây. Anh phát hiện thêm một ổ trứng rùa da vừa đẻ, ở cách ổ trứng đầu tiên khoảng 100 mét về phía Bắc.

Theo anh, đây là lần đầu tiên có bằng chứng cụ thể về việc rùa da lên bờ đẻ ở Việt Nam. Ngày 18/8, anh Cường lại từ Hải Phòng vào Bãi Dài. Đêm 18/8 và đêm 19/8, hai đêm liền anh cùng anh Tân thức trắng, chờ đợi rùa con nở, nhưng không thấy gì.

Theo anh Cường, trứng rùa da nở sau khoảng 50 - 60 ngày, tùy nhiệt độ môi trường cao hay thấp. Quá trình nở của ổ trứng và đào cát của rùa con kéo dài khoảng 2-4 ngày, nên có thể thấy trước qua hiện tượng sụt cát ở ổ trứng. Nhưng ổ trứng ở quán anh Tân đã sang đến ngày thứ 58, vẫn chưa thấy dấu hiệu gì.

Đêm 20/8, anh Cường quyết định vọc tay xuống lớp cát ở mặt ổ trứng, tìm dấu hiệu rùa con. Không thấy gì, anh lấy một quả trứng lên, bóc vỏ ra xem. Trứng còn nguyên lòng trắng và noãn hoàng, không có phôi. Lần lượt từng quả trứng được moi lên để kiểm tra, hy vọng thấy trứng có phôi cứ tắt dần. Đến quả cuối cùng, quả thứ 84, kết quả là sự thất vọng lớn: Tất cả trứng đều không có khả năng nở thành rùa con.

Không còn bãi cho rùa đẻ

Con rùa da được phát hiện hôm 24/6
Con rùa da được phát hiện hôm 24/6.
 

Từ năm 2000 đến nay, chỉ có 4 vụ phát hiện rùa da lên bờ đẻ trứng, ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Quảng Trị (năm 2005) và ở Bãi Dài, khoảng năm 2004 và tháng 6/2013. Cả ba trường hợp đầu, rùa chưa kịp đẻ đã bị bắt. Con rùa da ở Quảng Trị bị giữ trên bờ hơn một ngày, bị người dân xẻo mất bộ phận sinh dục trước khi được giải cứu…

Theo Th.S Chu Thế Cường, con rùa da mới lên Bãi Dài khoảng 25 tuổi, vừa đạt tuổi trưởng thành. Trứng của nó không có phôi, có thể do nó chưa thành thục sinh sản, nhưng cũng có thể do nó không có bạn tình. “Khả năng cô rùa này phải sống cô đơn là rất cao” - Anh Cường nói. Khả năng có rùa con nở ra ở ổ trứng còn lại tại Bãi Dài là rất thấp, vì rất có thể đó cũng là ổ trứng của con rùa đẻ hôm 24/6.

Loài rùa biển có tập tính quay trở lại nơi nó nở ra để làm tổ, đẻ trứng. Nhưng tại Việt Nam, với tốc độ phát triển nuôi tôm trên cát, đào ti tan, phát triển du lịch… ở các khu bờ biển như hiện nay, việc giữ gìn bãi đẻ cho rùa da sẽ càng ngày càng khó. Bãi Dài, nơi đang được xây dựng thành một khu du lịch lớn cũng không là ngoại lệ.

Rùa da không có mai xương, lưng của chúng có lớp da dày màu xám sẫm hoặc đen. Dọc lưng rùa da có 7 đường gờ riêng biệt như múi khế, nên nó còn được gọi là rùa khế. Đây là loài rùa biển lớn nhất, là loài bò sát lớn thứ tư sau 3 loài cá sấu, con rùa da trưởng thành nặng khoảng 250 đến 700kg, con lớn nhất đã được biết nặng 916 kg.

Tại Malaysia, trứng rùa da được coi là một loại đặc sản, còn ở vùng biển Caribe, trứng rùa da được cho là thuốc kích thích tình dục. Rùa da có tên trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG